Quyết định của Ngân hàng Nhà nước kéo trần lãi suất gửi USD về 0 - 0,25%/năm đi ngược lại xu hướng USD trên thế giới khiến mọi người thắc mắc phải chăng đã đến lúc ngân hàng không còn mặn mà với vốn ngoại tệ.
Đây cũng là điều mà doanh nghiệp và người thích giữ USD quan tâm. Bởi trước mắt, trần lãi suất mới sẽ tạo ra sự dịch chuyển của dòng vốn khi người nắm giữ USD phải tính toán lại, nên giữ USD hay VND.
Với doanh nghiệp, nếu giữ USD xem như đó là khoản vốn không sinh lãi, ngân hàng chỉ giữ hộ tiền. Còn người dân gửi USD, dù được trả lãi nhưng mức 0,25%/năm chẳng bõ bèn gì.
Cần nhắc lại, trước đây ngân hàng khai thác tối đa vốn ngoại tệ, có lúc lãi suất huy động USD lên tới 5 - 7%/năm, tương đương 50% so với lãi suất huy động VND cùng thời điểm.
Ngân hàng Nhà nước có lý do không mặn mà với vốn ngoại tệ vì dùng vốn này có cả lợi và hại. Lợi là huy động được nguồn vốn lớn, doanh nghiệp xuất khẩu hay đầu tư thiết bị có được nguồn vốn rẻ.
Nhưng cái hại cũng ghê gớm, đó là tình trạng đôla hóa nền kinh tế, đôla hóa vốn huy động của ngân hàng, kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những cơn sốt về tỷ giá. Ngay lúc này, việc giảm thêm lãi suất VND - mong muốn của mọi doanh nghiệp - đang bị cản trở do trở ngại từ USD.
Chưa kể dù khuyến khích người dân giữ VND nhưng đôi khi Ngân hàng Nhà nước cũng khó xử vì ở một số thời điểm người giữ USD có lợi hơn người giữ VND, đặc biệt là về tâm lý.
Đặt lên bàn cân, người giữ USD ít băn khoăn hơn bởi ai cũng cho rằng giữ USD là bảo toàn được vốn. Rồi họ có được khoản lợi nhuận từ những đợt điều chỉnh tỷ giá bất ngờ, có lúc lên đến gần 10%.
Ngoài ra còn có khoản lãi suất tiền gửi cũng khá hấp dẫn. Trong khi người giữ VND luôn cho rằng bị thiệt vì áp lực lạm phát và các đợt điều chỉnh tỷ giá.
Nếu cứ duy trì chính sách này thì khó đạt được mục tiêu “nâng vị thế của VND” và “trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng VND”.
Vì vậy, không ít chuyên gia nhận định trần lãi suất 0 - 0,25% có thể là thăm dò để về lâu dài có bước đi quyết liệt hơn nhằm thực hiện mục tiêu nâng vị thế của VND. Nếu giữ mức lãi suất này, cộng với ổn định được tỷ giá, đến lúc nào đó người dân và doanh nghiệp sẽ tự từ bỏ nắm giữ USD.
Cũng cần nhắc lại, Ngân hàng Nhà nước đã loại bỏ vốn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng do thường xuyên gây khó khăn cho nền kinh tế bởi những cơn sốt giá.
Từ chỗ trả lãi suất cho người gửi vàng - có lúc lên đến 3-4%/năm - đã dần chuyển sang không trả lãi, ngừng huy động, rồi tiến tới người gửi phải trả phí giữ hộ vàng.
Dù tiếc một nguồn vốn không được sử dụng nhưng phải ghi nhận rằng giờ đây giá vàng không còn làm “nóng lạnh” nền kinh tế như trước.
Có chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước dù kiên định với mục tiêu chống đôla hóa nhưng chưa thể tỏ thái độ với vốn USD như đã làm với vốn vàng.
Tuy nhiên, dù vậy tới đây những con đường mang lại lợi nhuận cho người giữ USD sẽ dần bị phong tỏa, siết lại. Có chăng người giữ USD chỉ còn được hưởng lợi từ các đợt điều chỉnh tỷ giá. Đó là bài toán mà kể từ nay người nắm giữ USD phải tính đến.