Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Anh. Ảnh: TTXVN |
- Ngày 29 và 30/07 tới, lần đầu tiên một Thủ tướng Anh sẽ đến thăm chính thức Việt Nam cùng 30 doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm này đối với quan hệ hai nước?
Thiết lập quan hệ chính thức từ 1973, Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là Anh) đánh dấu mốc phát triển mới khi hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2010 với 7 lĩnh vực hợp tác là: chính trị - ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, an ninh - quốc phòng và giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á (gồm cả Indonesia, Malaysia, Singapore) lần này của Thủ tướng Anh thể hiện sự quan tâm tăng cường thương mại - đầu tư của Anh với Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và ASEAN. Đây là một tín hiệu tốt trong quan hệ song phương. Trong thời gian tới đây, chúng ta tin rằng các cơ hội hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục được phát triển thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
- Đầu tư của Anh Quốc vào Việt Nam hiện nay tập trung chủ yếu vào dầu khí và hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này?
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc Việt Nam đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí với Anh cũng như với những đối tác mạnh về dầu khí khác sẽ là hướng đi đúng. Với lợi thế công nghệ và thiết bị tiên tiến, Anh sẽ cùng với Việt Nam tìm kiếm và khai thác hiệu quả các mỏ dầu, đặc biệt trong những khu vực nhạy cảm.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, các công ty Anh vào Việt Nam sớm thời gian đầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu khí, chiếm 70% tổng đầu tư nhưng cho đến nay, đầu tư của Anh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, tài chính, công nghiệp chế tạo, dịch vụ, may mặc...
Thủ tướng Anh David Cameron đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm của phái đoàn Việt Nam năm 2013. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010. Ảnh: TTXVN |
Hiệp định thương mại tự do là những điều ước phức tạp vượt ra ngoài mục tiêu ưu đãi cắt giảm thuế quan đơn thuần. Trên thực tế, trong FTA hiện đại mà EU tham gia đàm phán, ngoài mục tiêu cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm, các điều khoản còn nhằm hướng đến việc tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư, thúc đẩy việc thực hiện chính sách môi trường, mua sắm chính phủ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Xét từ khía cạnh tăng cường đầu tư thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ một hiệp định thương mại tự do với EU.
Phân tích dưới góc độ định tính thì có lẽ những lợi ích lớn nhất mà Việt Nam (bao gồm cả số lượng và chất lượng của FDI cũng như lợi ích của nền kinh tế nói chung) nhận được sẽ bắt nguồn từ sự tự do hóa dịch vụ. Sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ từ EU cũng như Anh sẽ làm tăng hiệu quả của thị trường (với công nghệ tốt hơn, quy trình tốt hơn và chất lượng quản lý tốt hơn). Đồng thời, toàn bộ nền kinh tế cũng sẽ hưởng lợi bởi thực tế rõ ràng là hoạt động hiệu quả của lĩnh vực phụ trợ sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất và là nền tảng của một nền kinh tế hiệu quả và có tính cạnh tranh.
Tôi tin rằng, quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước thuộc Liên minh EU. Quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều chắc chắn sẽ liên tục tăng khi Hiệp định thương mại tự do được chính thức ký kết.
Hiện nay, quan hệ thương mại hai chiều vẫn liên tục tăng qua các năm nhưng kim ngạch còn thấp so với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều Việt Nam - Anh đạt 1,32 tỷ bảng (tương đương 2,05 tỷ USD) tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt hơn 1,2 tỷ bảng Anh và nhập khẩu đạt 141 triệu bảng. Về đầu tư, Anh hiện đang đứng thứ 3 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, với 204 dự án có tổng số vốn đầu tư 3,18 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam).
- Với tư cách là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Anh, xin ông cho biết các hoạt động của hội nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Thời gian qua Hội hữu nghị Việt - Anh vẫn luôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV - thành lập năm 1998 với hàng trăm hội viên là các đại diện tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Anh đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam) triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư song phương.
Nhiều đoàn doanh nghiệp Anh đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam đã có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây, tháng 9/2014 vừa qua VCCI đã cùng với Hội hữu nghị tổ chức đoàn doanh nghiệp chuyên ngành khai thác than đi thăm và làm việc tại Anh, gặp gỡ với các doanh nghiệp khai thác mỏ tại London.
Tháng 10 năm nay, Hội hữu nghị sẽ lại phối hợp với VCCI triển khai tổ chức đoàn doanh nghiệp đi thăm và làm việc tại Anh theo lời mời của Hội hữu nghị Anh - Việt. Tôi tin rằng, sau chuyến thăm của Thủ tướng Anh tới Việt Nam tới đây, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động tiếp cận và tạo cơ hội cho mình trong hợp tác với các doanh nghiệp Anh hơn nữa. Cùng với sự hỗ trợ của chúng tôi, tôi tin rằng quan hệ thương mại đầu tư Việt - Anh sẽ ngày càng tăng trưởng tốt.