Tổng thống Obama bắt tay thân mật Tổng thống Kenya, ông Kenyatta. Ảnh: Reuters |
Việc nới rộng hỗ trợ này sẽ bao gồm cả việc gia tăng huấn luyện và hỗ trợ tài chính cho lực lượng an ninh tại Kenya.
Phát biểu tại cuộc họp mặt song phương, Tổng thống Obama thừa nhận nhóm phiến quân al-Shabab vẫn có khả năng tấn công Kenya và Somalia dù cho nhiều năm qua Mỹ liên tục hậu thuẫn lực lượng chống khủng bố tại khu vực.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định những địa phận mà al-Shabab kiểm soát đã “bị suy giảm có hệ thống”. Ông cũng cam kết về việc phát động một cuộc chiến khôn ngoan và nhanh chóng hơn chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
“Những tên khủng bố toàn cầu đang tìm cách phá hủy cuộc sống của chúng ta. Nếu không bị đánh bại, chúng sẽ vẽ lại hệ thống quốc tế và kiến tạo một chế độ bạo ngược thấm đẫm chủ nghĩa cực đoan trong khu vực” - tờ Washington Post dẫn lời Tổng thống Kenya Kenyatta cho biết.
Phát biểu trong cuộc họp mặt, ông Kenyatta thừa nhận rằng Kenya chỉ mới bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố và hiện đang học hỏi nhiều điều từ những đối tác quan trọng như Mỹ. Ông khẳng định: “Đây là một cuộc chiến sống còn đối với chúng tôi”.
Trước đó, chính phủ Mỹ đã xác định cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi sẽ là mối quan tâm lớn nhất trong chuyến công du châu Phi lần này.
Cố vấn An ninh Mỹ, bà Susan E. Rice, khẳng định với báo giới rằng trong khi al-Qaeda là mối quan ngại chính ở Đông Phi thì ở Tây và Bắc Phi, IS lại đang nổi lên mạnh mẽ.
Với thỏa thuận đạt được vào cuối buổi thảo luận hôm qua, Kenya sẽ được Mỹ hỗ trợ 100 triệu USD chống lại khủng bố, hơn gấp đôi so với con số của năm ngoái.
Trước thỏa thuận trên, Vicky Huddleston, cựu đại sứ Mỹ tại Kenya đồng thời là phó trợ lý bộ trưởng về khu vực châu Phi ở Lầu Năm Góc, cho biết cả hai nước vừa đạt được một bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.
Chúng ta không có quyền ngược đãi người khác vì “người mà họ yêu”
Bên cạnh cuộc chiến chống khủng bố, cuộc vận động chống ngược đãi người đồng tính cũng là một vấn đề nghị sự mà Tổng thống Obama hết sức quan tâm trong chuyến công du lần này.
Từ trước đến nay Kenya vốn bị xem là một quốc gia khá bảo thủ về đối xử giới tính, khi hành động đồng tính luyến ái bị cho là bất hợp pháp tại nước này. Một cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy cứ trong 10 người Kenya thì có đến chín người cho rằng hành vi đồng tính là “không thể chấp nhận được”.
Trước hiện trạng nan giải này, Tổng thống Obama lên tiếng kêu gọi một sự đối xử công bằng hơn với người đồng tính, bởi “chúng ta không có quyền ngược đãi người khác vì người mà họ yêu”.
“Khi bạn bắt đầu đối xử khác biệt với người khác vì họ khác chúng ta, con đường tiến tới tự do sẽ dần bị xói mòn và nhiều điều tệ hại sẽ xảy ra” - ông cho biết tại một cuộc họp báo.
Tuy vậy, Tổng thống Kenya không thích lập trường trên của Tổng thống Obama. Ông Kenyatta thẳng thắn cho biết “có một vài điều mà chúng tôi thừa nhận là không thể chia sẻ được”, đồng thời khẳng định quyền lợi của người đồng tính “không thật sự là một vấn đề mà người Kenya quan tâm”.
Châu Phi bị coi là lục địa khắt khe nhất thế giới về quan điểm đồng tính khi có đến 36 trên 54 quốc gia xem quan hệ đồng tính là bất hợp pháp. Một vài quốc gia trong số đó thậm chí còn kết án tử hình cho những trường hợp này.