Tối 1/12, hàng triệu người Anh nhận được tin đồn qua WhatsApp, Facebook và Twitter nói Nữ hoàng đã qua đời, khiến lượng tìm kiếm Nữ hoàng tăng đột biến, và buộc Điện Buckingham phải lên tiếng khẳng định Nữ hoàng vẫn còn sống.
Nguồn chính của tin giả này là ảnh chụp màn hình của một nhóm WhatsApp bí ẩn, trong đó một người có nickname là “Gibbo” gửi một tin nhắn nói Nữ hoàng lên cơn đau tim vào sáng 1/12, nhưng tin này bị giữ kín cho tới ngày hôm sau để quân đội có thời gian chuẩn bị.
“Nữ hoàng qua đời sáng nay, đau tim, sẽ thông báo 9h30 sáng mai”, Gibbo chuyển tiếp một tin nhắn không rõ nguồn.
nhóm chat WhatsApp bí ẩn có tên “Old times” được chia sẻ rộng rãi, khiến hàng triệu người lầm tưởng Nữ hoàng Elizabeth II đã qua đời. Ảnh: Chụp màn hình. |
Các thành viên khác của nhóm chat có tên “Old Times” này tỏ ý nghi ngờ. Nhưng một trong số đó đã đẩy mọi thứ thành một cuộc khủng hoảng thực sự, khi chụp lại màn hình và chia sẻ nó bên ngoài nhóm.
Dù nhóm chat không có dấu hiệu gì là đáng tin - ảnh của nhóm là hình một dương vật - người Anh tiếp tục chia sẻ rộng rãi ảnh chụp màn hình trên, tưởng rằng mình vừa biết được một thông tin nội bộ.
Câu chuyện có thể chỉ đến thế sau khi có tuyên bố chính thức rằng Nữ hoàng vẫn còn sống. Nhưng phóng viên Tom Cotterill của tờ Portsmouth News đã điều tra thêm. Ông xác nhận được rằng quân nhân ở Yeovilton, một căn cứ quân sự ở Somerset, thực sự đã diễn tập như tin nhắn cho biết. Nguồn tin của ông cho biết đó là cuộc diễn tập cho London Bridge, chính là tên mã cho một chiến dịch khổng lồ sẽ được triển khai vào ngày Nữ hoàng thực sự qua đời.
London Bridge đã được lên kế hoạch hàng chục năm nay. Theo đó, tin Nữ hoàng qua đời sẽ được chuyển qua đường dây mật tới thủ tướng Anh và các quan chức cao cấp, trước khi được công bố cho các báo đài. Sẽ có loạt đại bác, Quốc hội bị hoãn và hàng nghìn quân nhân sẽ được triển khai để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm Nữ hoàng ở Westminster, Guardian cho biết năm 2017.
Theo Guardian, một cá nhân nào đó khi nhận được tin diễn tập lại tưởng Nữ hoàng đã chết thật, và báo cho người khác. Cuối cùng, thông tin đó đến tay “Gibbo” và bị gửi lên nhóm chat. Một người khác đã chụp màn hình, cuối cùng ảnh chụp đó hiện lên điện thoại của hàng triệu người trên toàn cầu.
Nữ hoàng Elizabeth II (trái), đi cạnh Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania Trump, tham dự lễ tiếp đón ở Điện Buckingham, London khi các lãnh đạo NATO tới dự hội nghị ngày 4/12. Ảnh: Getty Images. |
Một người phát tán ảnh chụp màn hình là cựu quân nhân Alfie Usher, chia sẻ lên một trang Facebook hài hước dành cho quân đội, “Fill Your Boots UK”. Anh cho rằng đó chỉ là một trò đùa.
“Tôi nhận ra tôi đang mất kiểm soát khi các nguồn tin bắt đầu nói về nó. Tôi thấy thương cho Gibbo. Ai đó đã chụp màn hình tin nhắn của anh ta, mà anh ta không biết, và anh ta trở thành người có lỗi”.
“Đây là một trong những tình huống kỳ lạ, một cuộc trao đổi trong quân đội bị chụp màn hình và mọi chuyện mất kiểm soát, gây ra vấn đề trên toàn thế giới”, phóng viên Cotterill nói với Guardian.
Một phát ngôn viên từ Hải quân Hoàng gia Anh xác nhận đã có diễn tập tại căn cứ nói trên, nhưng cho biết đó là diễn tập thường kỳ, dựa theo kế hoạch đã có sẵn, và không có kết luận gì có thể rút ra từ thời điểm cuộc diễn tập.