Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin dư nợ tín dụng nền kinh tế đến thời điểm 31/12/2020 đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,13% so với cuối năm 2019. Mức tăng trưởng tín dụng này thấp hơn con số cùng kỳ 2019 là 13,65% nhưng cao hơn so với mức ước tính trước đó là 11%.
Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết ngày 21/12/2020 cho biết mức 10,14%. Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối năm 2020, tín dụng đã tăng nhanh để cán mốc 12,13%.
Ngân hàng Nhà nước cho biết dù các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn các năm trước do nhu cầu suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ sau 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng rất thấp so với mọi năm (3,65%) khiến cơ quan quản lý lo ngại về tăng trưởng tín dụng cả năm. Con số 12,13% của tại thời điểm kết thúc năm 2020 là thành quả đến từ sự nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước trong năm qua cũng chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ để duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Đặc biệt, tín dụng đối vỡi lĩnh vực rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
Phó thống đốc Đào Minh Tú chủ trì họp báo chiều 7/1 tại TP.HCM. Ảnh: Đ.V. |
Đến nay, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng. Ngành ngân hàng miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi, thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch, với doanh số lũy kế hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400.000 khách hàng.
Mặc dù nợ xấu nội bảng của các ngân hàng có xu hướng tăng những tháng cuối năm do nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm, tỷ lệ vẫn được kiểm soát dưới 5%. Phó thống đốc Đào Minh Tú đánh giá nhìn chung hoạt động xử lý nợ xấu đang diễn ra tích cực.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% so với 2020. Tuy nhiên, con số thực tế có thể được điều chỉnh phù hợp với tình hình của nền kinh tế năm 2021.