Trở về nước sau 5 năm du học, Quốc Cường (24 tuổi, TP.HCM) tất tả tìm công việc phù hợp với tấm bằng kỹ sư điện. Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp ít tuyển dụng mới nhân sự hơn so với trước. Thời gian tìm được công việc ưng ý của Cường vì thế dài hơn suy nghĩ ban đầu của du học sinh này.
Hơn 2 tháng chỉ nộp hồ sơ và đi phỏng vấn, Cường có nhiều thời gian rảnh và quyết định tình kênh kiếm tiền. Được bạn bè mách nước, Cường bỏ hết số tiền dành dụm được sau thời gian ở nước ngoài mua cổ phiếu. Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật, Cường tự mày mò các kiến thức về tài chính, thị trường và thu về mức lãi cao hơn đáng kể so với lãi suất tiết kiệm.
Cường là một trong hàng trăm nghìn nhà đầu tư F0 - khái niệm chỉ những nhà đầu tư cá nhân mới chưa có kinh nghiệm - tham gia vào thị trường chứng khoán trong năm 2020. Chính dòng tiền từ những nhà đầu tư F0 này đã tạo nên một năm nhiều kỷ lục của chứng khoán Việt Nam.
Làn sóng "nhà đầu tư F0"
Từ tháng 3, lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của cá nhân bắt đầu tăng mạnh. Đến tháng 11, hơn 41.000 tài khoản cá nhân được mở mới, con số kỷ lục trong lịch sử. Sau 11 tháng, tổng cộng gần 330.000 tài khoản cá nhân tham gia thị trường lần đầu. Con số này tăng 75% so với cả năm 2019.
“20 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư F0 của năm 2020 là nhiều nhất. Thậm chí tôi còn gặp những nhà đầu tư không biết sử dụng máy tính nhưng nói rằng vẫn muốn kiếm tiền”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam chia sẻ.
Lãi suất tiền gửi giảm mạnh, ở mức thấp là nguyên nhân chính khiến dòng tiền dịch chuyển vào chứng khoán. Các kênh đầu tư khác cũng không hấp dẫn như bất động sản chứng kiến thanh khoản sụt giảm. Đồng thời, niềm tin vào nền tảng vĩ mô được duy trì khi Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi kinh tế.
Đây là những lý do khiến nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán tăng đột biến, theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Trung tâm phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN).
Nhà đầu tư cá nhân ồ ạt tham gia chứng khoán | |||||||||||||
Lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước từng tháng năm 2020 | |||||||||||||
Nhãn | T1 | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | T8 | T9 | T10 | T11 | ||
số tài khoản cá nhân mở mới | 9727 | 18214 | 31832 | 36652 | 33953 | 33965 | 27072 | 28271 | 31340 | 36346 | 41080 |
Sau nhiều đợt giảm lãi suất, mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện tại cho kỳ hạn 1 năm khoảng 7%. Trong khi đó, VN-Index tăng 14% so với hồi đầu năm. Nhưng nếu lấy mốc tham chiếu khi thị trường chứng khoán lao dốc và chạm đáy trong tháng 3 vì những lo ngại về dịch Covid-19, tăng tới 67%. Đây là mức tăng thuộc hàng cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
"Nhà đầu tư F0 đang chiến thắng", Giám đốc Trung tâm phân tích YSVN Nguyễn Thế Minh.
Nhiều cổ phiếu, bao gồm các mã bluechip, tăng giá vài chục đến vài trăm phần trăm trong 9 tháng qua, liên tục thiết lập các mức đỉnh lịch sử. “Nhà đầu tư F0 đang chiến thắng khi thị trường tăng điểm ào ạt, tỷ suất sinh lời rất cao”, ông Minh bình luận.
Dòng tiền cao kỷ lục
Số lượng nhà đầu tư F0 trên thị trường bùng nổ kéo theo dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán. Từ đầu tháng 12, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE nhiều phiên vượt mốc 10.000 tỷ, kỷ lục lên tới hơn 13.500 tỷ. Đây cũng là thời điểm VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm.
Theo ông Phan Dũng Khánh, việc các chỉ số chứng khoán liên tục tăng cao làm bất ngờ nhiều người và càng về cuối năm, mức tăng lại càng mạnh do nhiều nhà đầu tư sợ mất cơ hội nên tiền đổ vào nhiều hơn.
Các cổ phiếu đứng đầu về thanh khoản mỗi phiên liên tục ghi nhận khối lượng khớp lệnh hàng chục triệu đơn vị. Không chỉ nhóm cổ phiếu dưới mệnh giá mang tính đầu cơ, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ VN30 cũng ghi nhận kỷ lục về khối lượng giao dịch trong năm nay.
Mặt bằng thanh khoản mới được nâng lên trên mức 10.000 tỷ đồng thời kéo theo tình trạng hệ thống giao dịch của HoSE quá tải vào một số phiên giao dịch từ nửa cuối tháng 12. Nhiều nhà đầu tư phản ánh tình trạng khó đặt lệnh mua, bán cổ phiếu dù vào đúng vùng giá khớp trong các phiên buổi chiều.
Trong khi đó, lãnh đạo HoSE khẳng định hệ thống giao dịch không gặp lỗi, hoàn toàn bình thường. Dù vậy, phía Sở giao dịch thừa nhận năng lực dự phòng của hệ thống công nghệ thông tin có giới hạn khi số lượng lệnh giao dịch tăng đột biến.
Chính dòng tiền ào ạt chảy vào thị trường giúp chứng khoán liên tục đi lên và chỉ trải qua ít phiên điều chỉnh. VN-Index hiện tại cao hơn 7% so với mức đỉnh 1.025 điểm của năm 2019 và chỉ còn kém mức đỉnh lịch sử 1.204 điểm được thiết lập vào tháng 4/2018.
VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ sau khi chạm đáy vào cuối tháng 3. Ảnh: Tradingview. |
Chứng khoán tăng nhanh hơn kinh tế
Thị trường chứng khoán tăng trưởng bứt phá nhưng tốc độ hồi phục kinh tế lại không được như vậy. GDP Việt Nam năm nay tăng 2,9%. Theo dự báo của FiinGroup, doanh thu năm 2020 của nhóm doanh nghiệp niêm yết (ngoại trừ ngành tài chính) sẽ giảm 8%. Lợi nhuận thậm chí sụt giảm tới 21% so với cùng kỳ 2019.
Ông Khánh cho rằng mặt bằng giá trên thị trường chứng khoán ngày càng lập đỉnh mới trong bối cảnh kinh tế trên đà phục hồi chậm hơn. Chuyên gia tài chính này cho rằng đây là rủi ro lớn nhất khi nền kinh tế vẫn còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 nhưng thị trường chứng khoán liên tục tăng tốc.
“Để chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng, kinh tế cần tăng trưởng mạnh hơn nữa, ít nhất cũng ngang bằng thời điểm trước dịch. Thị trường khi đó dù có điều chỉnh nhưng xu hướng sẽ ổn định và tích cực hơn. Ngược lại, tốc độ tăng của chứng khoán khó duy trì khi giá ngày càng cao và dòng tiền đầu cơ áp đảo đầu tư”, ông Khánh phân tích.
"Tốc độ tăng khó duy trì khi giá ngày càng cao và dòng tiền đầu cơ áp đảo đầu tư", Giám đốc Tư vấn đầu tư MBKE Phan Dũng Khánh.
Trong khi đó, ông Minh chia sẻ nhiều thị trường trên thế giới cũng chứng kiến các kỷ lục mới về chỉ số chứng khoán trong khi nền kinh tế đang tăng trưởng âm vì đại dịch. Theo ông, thị trường đang phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư kỳ vọng khi dịch bệnh có thể được kiểm soát vào năm 2021. Ông Minh dẫn chứng khi Mỹ và một số nước phê duyệt vaccine Covid-19, nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới bắt đầu giải ngân trở lại.
Đặc biệt, Covid-19 chưa tạo ra những mầm mống của một cuộc khủng hoảng tài chính. Do đó, các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng khi tình hình dịch bệnh diễn khả quan hơn.
Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành cũng cùng quan điểm cho rằng nền tảng giúp chứng khoán vẫn tăng điểm trong bối cảnh dịch Covid-19 là niềm tin của thị trường về việc hệ thống tài chính vẫn đứng vững, nền tảng vĩ mô, thanh khoản của nền kinh tế vẫn ổn định.
Năm 2020 kỷ niệm tròn 20 năm ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý những thị trường chứng khoán phát triển tăng trưởng bền vững nhưng thị trường cận biên như Việt Nam và mới nổi lại có tính chu kỳ. Sau một chuỗi tăng nóng, thị trường sẽ nguội dần, thanh khoản thấp, nhà đầu tư rời bỏ. Chuyên gia này cho rằng thị trường Việt Nam có thể sẽ lặp lại vấn đề này trong tương lai.
“Khi chứng khoán không còn nhiều sức hấp dẫn, mặt bằng định giá cổ phiếu lên mức rất cao còn sức hút của các kênh đầu tư khác cao hơn như lãi suất tiền gửi tăng, thanh khoản bất động sản tốt lên, dòng tiền nhiều khả năng sẽ bị rút khỏi chứng khoán. Thị trường khi đó sẽ quay đầu giảm”, ông Minh nhận định với Zing.
Nhà đầu tư ngoại liên tục rút ròng
Trong khi nhà đầu tư cá nhân trong nước hào hứng với chứng khoán, khối ngoại dường như lại phản ứng kém tích cực hơn nhiều. Đến giữa tháng 12, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục hơn 13.000 tỷ đồng riêng trên sàn HoSE. Nếu không kể các giao dịch mua thỏa thuận, giá trị bán ròng của nhà đầu tư ngoại lên tới hơn 36.000 tỷ đồng.
Ngay cả trong giai đoạn thị trường chung tăng trưởng tích cực, khối ngoại vẫn bán ròng liên tục trong 30 phiên liên tiếp vào tháng 10-11.
“Khi đang gặp khó khăn tại quê nhà vì dịch Covid-19, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài suy nghĩ cần rút tiền từ các thị trường khác về để đảm bảo an toàn. Riêng nhà đầu tư tổ chức vẫn còn rất nhiều tiền. Ví dụ như thương vụ rót vốn 650 triệu USD vào Vinhomes của KKR, Temasek”, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital Andy Ho nêu quan điểm.
Khối ngoại liên tục bán ròng | |||||||||||||
Giá trị mua, bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HoSE từng tháng năm 2020 | |||||||||||||
Nhãn | T1 | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | T8 | T9 | T10 | T11 | ||
giao dịch ròng của khối ngoại | tỷ đồng | 1946 | -2813 | -7838 | -6139 | -455 | 14752 | -547 | -3089 | 1775 | -7230 | -3081 |
Ông Minh cũng đánh giá trong bối cảnh lo ngại nguy cơ từ đại dịch, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi các thị trường cận biên, mới nổi để tìm đến các thị trường phát triển có rủi ro thấp hơn.
Ngoài ra, khi chứng khoán lao dốc vào tháng 3, danh mục nhiều quỹ đầu tư bị lỗ nặng. Nhà đầu tư khi đó mất niềm tin vào sự quản lý của các quỹ và muốn rút tiền. Do đó, nhiều quỹ cũng phải bán cổ phiếu để trả tiền cho nhà đầu tư.
Nhưng chuyên gia này cũng bày tỏ sự lạc quan, cho rằng khối ngoại có thể quay lại mua ròng vào năm tới khi kinh tế Việt Nam dự kiến hồi phục tốt với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vừa được Thủ tướng đặt ra. Con số tăng trưởng theo ông Minh có thể còn cao hơn mức này nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó là cơ hội từ làn sóng dịch chuyển FDI khỏi Trung Quốc. Hơn nữa, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhiều khả năng được đẩy mạnh trong năm 2021 cũng sẽ giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại thị trường.