Hơn nửa tháng, tín dụng tăng gần 4%
Con số tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6/2013, theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra ngày 27/6/2013, ước chỉ đạt khoảng 3,31%. Tại thời điểm đó, trao đổi với ĐCTK, nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, tín dụng vẫn “chưa lên khỏi mặt đất”!
Đến cuối tháng 10/2013, NHNN cho biết, dư nợ tín dụng tăng 7,18%. Khi đó, không ít chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan ngại, trong thời gian chưa đầy 2 tháng còn lại của năm, các tổ chức tín dụng khó có thể đẩy thêm được 4% vốn ra thị trường, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013. Đặc biệt, khi mà mọi giải pháp hỗ trợ cho DN vay đều đã được các ngân hàng cho biết khai thác hết trong nhiều tháng trước đó, thậm chí cả việc đa dạng hóa các hình thức cho vay sản xuất và tiêu dùng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến 31/12/2013, tín dụng toàn hệ thống tăng 12,51% so với cuối năm 2012. Con số này gây bất ngờ với không ít người, bởi trước đó không lâu, NHNN công bố con số tăng trưởng tín dụng đến ngày 12/12/2013 mới đạt 8,83%. |
Nhiều chuyên gia kinh tế khi đó phân tích, dư nợ tín dụng của cả hệ thống ngân hàng ước khoảng 3,3 - 3,5 triệu tỷ đồng trong năm 2013, với 4% còn lại, sẽ cần khoảng 120.000 - 140.000 tỷ đồng bơm vào nền kinh tế và coi đây là “nhiệm vụ bất khả thi” với ngành ngân hàng trong hoàn cảnh nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn.
Thậm chí, trước công bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình không lâu, tại buổi họp báo tổng kết và triển khai nhiệm vụ ngành năm 2014 của NHNN với báo chí diễn ra chiều 16/12/2013 bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tín dụng đến ngày 12/12/2013 mới tăng 8,83%. Như vậy, chỉ trong vòng hơn nửa tháng, tín dụng đã tăng gần 3,7%.
Chạy nước rút về cuối năm
Con số của Thống đốc công bố có vẻ như lạ, nhưng sẽ không lạ khi “soi” vào từng ngân hàng. Tại nhiều ngân hàng lớn, tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Cụ thể, tại Vietcombank, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc ngân hàng, tính đến 31/12/2013, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 275.285 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2012.
“Trong hai tháng cuối năm, Vietcombank ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng cho hàng loạt dự án lớn với Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than và Khoáng sản, Viettel, Vietnam Airlines. Đặc biệt, cuối tháng 12/2013, Vietcombank đã giải ngân 40 triệu USD cho Viettel và tiếp tục triển khai gói tín dụng trị giá 200 triệu USD. Tương tự là việc giải ngân 53 triệu USD cho Vietnam Airlines mua 2 máy bay mới và tới đây là gói vốn 200 triệu USD…”, ông Thành cho biết.
Thông tin từ Agribank cho biết, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng trong năm 2013 (bao gồm cả ngoại tệ quy đổi sang VND) đạt 530.600 tỷ đồng, tăng 50.147 tỷ đồng, tức tăng 10,4% so với cuối năm 2012.
Còn tại Vietinbank, theo Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng, tổng dư nợ tín dụng đầu tư tăng 14,7%, vượt 5% kế hoạch so với hoạch ĐHCĐ đặt ra đầu năm. Với ngân hàng quy mô hạng trung như OCB, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng, tăng trưởng tín dụng đạt 18%. Ngân hàng quy mô nhỏ hơn như BaoViet Bank cũng cho biết, đến cuối năm 2013, tín dụng tăng 12,51%…
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định: “Các ngân hàng cũng sẽ thu được lợi nhuận rất lớn trên cơ sở tăng trưởng hoạt động tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn, không xảy ra nợ xấu thông qua việc nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro; tập trung vào công tác quản lý nợ; triển khai đo lường rủi ro thanh khoản, thị trường và phát triển chất lượng huy động vốn nhằm cân đối vốn trên toàn hệ thống”.
Thống đốc NHNN: Mục tiêu cao nhất là giảm tiếp lãi suất
“Năm 2013 là một năm hết sức khó khăn với hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng đã chịu nhiều áp lực từ cả hai phía, khách hàng cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Khách hàng đầu năm luôn kêu lãi suất cao, điều kiện cho vay khắt khe, ngân hàng không chia sẻ với DN. Về mặt vĩ mô, các cơ quan Chính phủ luôn đặt áp lực phải giảm nhanh lãi suất, tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, nhưng cũng lại đặt ra nhiệm vụ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Về mặt lý thuyết, tất cả những nhiệm vụ đó rất mâu thuẫn với nhau, xét bình diện khoa học thì bất khả thi nhưng trên thực tế, chúng ta đã phối hợp, nỗ lực trên toàn hệ thống và hoàn thành mọi mục tiêu mà Nhà nước đặt ra cho ngành ngân hàng.
… Cũng có ý kiến cho rằng, nên tính đến việc tăng lãi suất trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, bao nhiêu công mới hạ được lãi suất, nay chỉ một động thái nhỏ mà tăng thì niềm tin của thị trường, xã hội với kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói riêng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó khó tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2014.
Năm 2014, NHNN chủ trương tiếp tục duy trì ổn định và lành mạnh trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như hoạt động của các TCTD. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức hiện nay, nếu có điều kiện sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1-2%/năm. Các ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các DN, bên vay vốn của ngân hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhưng tăng trưởng phải hiệu quả, lành mạnh, không vì bất kỳ lý do gì mà giảm chuẩn tín dụng.
Tôi xin khẳng định lại, ngân hàng hay dùng từ trần và sàn, nhưng mục tiêu cao nhất là lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ 1-2%/năm, còn lãi suất huy động về cơ bản sẽ giữ mặt bằng như hiện nay và trên thực tế, chúng ta đã tự do hóa mức lãi suất huy động. Thông tư 02 sẽ được thực hiện đúng thời gian, nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng nền kinh tế và hệ thống. Sẽ có lộ trình áp dụng, không gây khó khăn cho ngân hàng và khách hàng và ngay trong tháng 1 này, tất cả những văn bản mang tính khung sườn sẽ được ban hành”.
(Trích phát biểu của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2014 của Vietcombank)