Dùng “thông báo tín dụng” vay tiền
Theo đơn tố cáo của ông Phạm Tấn Lộc (chủ quán karaoke Mimosa, đường Lê Văn Phẩm, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), cuối năm 2011, ông Nguyễn Huỳnh Đức - Giám đốc công ty TNHH MTV Bách Lạc (ấp Trung An, TP.Mỹ Tho) - đến gặp ông Lộc đặt vấn đề vay tiền để làm ăn. Trước đó, ông Đức từng vay mượn tiền của ông Lộc và rất nhiều người khác nhưng vẫn chưa trả nên ông Lộc không dám đưa thêm tiền.
Để làm tin, ông Đức và vợ là bà Ung Thị Thẩm Mỹ đã đưa cho ông Lộc xem “thông báo tín dụng” do ngân hàng Tiên Phong chi nhánh TPHCM phát hành, có đóng dấu đỏ. Theo thông báo này, ông Nguyễn Huỳnh Đức đề nghị ngân hàng tài trợ vốn 60 tỷ đồng để ông thực hiện dự án Nhà máy sản xuất bao bì Bách Lạc tại TP.Mỹ Tho, tổng mức đầu tư 257 tỷ đồng, thời hạn trong vòng 72 tháng. “Ông Đức cho tôi xem bản chính, do bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga thừa lệnh giám đốc ngân hàng Tiên Phong ký, đồng ý cho Bách Lạc vay 60 tỷ đồng. Có giấy này, chúng tôi tin tưởng ông Đức làm ăn đàng hoàng nên chạy tiền cho ông này vay lại” - ông Lộc kể.
Theo hồ sơ do các nạn nhân của vợ chồng ông Đức cung cấp, tổng số tiền mà họ đang nợ khoảng 15 tỷ đồng. Số nợ này chủ yếu phát sinh sau thời điểm có “thông báo tín dụng” mà ông Đức cung cấp. “Mỗi lần mượn nợ, ngoài giấy nhận nợ, ông Đức còn viết tờ cam kết, nói rõ là dùng số tiền mượn tạm này để chi cho chi phí giao dịch và chi phí hoàn thiện hồ sơ vay ngân hàng. Chúng tôi thấy dự án của ông này lên đến 257 tỷ đồng nên không ngần ngại vét tiền, thậm chí đi vay mượn để cho ông Đức vay” - bà Cù Thị Hiếu Phương nói. Cũng theo những nạn nhân của ông Đức, do ông này hứa trả lãi đến 6%/tháng nên nhiều người chấp nhận vay bên ngoài với mức lãi 3 - 4%/tháng để cho ông vay lại nhằm hưởng chênh lệch.
Một số biên nhận còn cho thấy, ông Đức cam kết chỉ vay trong vài ngày sẽ trả, nhưng thực tế thì không trả đồng nào.
Đi xe đạp đòi tiền tỷ
Trao đổi với PV, ông Phạm Tấn Lộc cho biết, vợ chồng ông Đức nợ của ông tổng cộng 2,1 tỷ đồng. Do ông Lộc có vay tiền của người khác rồi cho ông Đức vay lại, nên ông phải bán một số tài sản có giá trị để trả nợ. “Tôi phải bán mấy miếng đất, bán xe ôtô, bán luôn xe gắn máy trả nợ cho người ta. Tài sản của tôi bây giờ ngoài mấy tờ giấy nợ do ông Đức ký, tôi chỉ còn chiếc xe đạp, mỗi ngày đạp tới đạp lui đi thưa công an, nhưng chưa được giải quyết” - ông Lộc nói.
Cùng cảnh ngộ với ông Lộc, vợ chồng ông Nguyễn Văn Mười ngoài việc bán sạch vàng vòng, còn đem tài sản thế chấp vào Ngân hàng An Bình chi nhánh Tiền Giang rồi cho ông Đức vay hơn 3 tỷ đồng. Ngoài tờ giấy “làm tin” của ngân hàng Tiên Phong, các giấy tờ vay mượn còn có chữ ký bảo lãnh của ông Nguyễn Văn Non - Trưởng phòng tín dụng Ngân hàng An Bình. Ông Non cam kết “ông Đức không trả nợ thì tôi trả thay” nên các nạn nhân càng thêm tin tưởng. Hậu quả là vợ chồng ông Mười lâm vào cảnh nợ ngân hàng, mất luôn khả năng chi trả.
Tương tự, chủ nợ khác của ông Đức là bà Nguyễn Thị Cẩm Thủy, cầm cố ngân hàng rồi vay mượn bên ngoài cho ông Đức vay hơn 3 tỷ đồng. Ông Đức không trả nợ, ngân hàng đang làm thủ tục phát mãi tài sản nên bà trốn luôn, không dám về nhà.
Để tìm hiểu xem thông báo tín dụng mà ông Đức dùng lòe các nạn nhân là giả hay thật, ngày 9/12, phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - người đại diện của Ngân hàng Tiên Phong chi nhánh TP. HCM - để có thêm thông tin. Tuy nhiên, một cán bộ của ngân hàng cho biết bà Nga đang bận họp nên không thể trả lời. Ngoài ra, muốn xác minh văn bản này là giả hay thật thì báo phải gửi qua đường công văn, ngân hàng sẽ trả lời qua công văn chứ không trả lời trực tiếp.
Cũng trong ngày 9/12, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Huỳnh Đức để có thêm thông tin. Tuy nhiên, ông Đức cho biết đang làm việc với cơ quan điều tra nên hẹn lại lúc khác.