Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tín dụng dự kiến tăng chậm

Thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm, lãi suất cao và lạm phát là những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự kiến chậm lại.

Tăng trưởng tín dụng được dự báo chậm lại trong giai đoạn đầu năm 2023. Ảnh: Hoàng Hà.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết một ngân hàng mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết trong năm 2023, NHNN sẽ có biện pháp điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng khác so với năm 2022, trong đó, các biện pháp điều hành chỉ tiêu này sẽ mang tính hài hòa hơn.

Lý giải về điều này, Phó thống đốc cho biết trong năm 2022, sau khi được NHNN cấp room tín dụng đầu năm, các ngân hàng đã đồng loạt tăng rất nhanh chỉ tiêu tín dụng, đến giữa năm, nhiều ngân hàng thậm chí đã cạn room tăng cả năm. Điều này khiến giai đoạn giữa và cuối năm tín dụng tăng chậm, ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Tín dụng sẽ chậm lại

Vì vậy, trong năm 2023, Phó thống đốc Sơn cho biết NHNN sẽ điều hành room tín dụng hài hòa từ đầu đến cuối năm, đảm bảo khả năng cung ứng vốn và hỗ trợ nền kinh tế của hệ thống ngân hàng trong cả năm.

Với việc NHNN thay đổi chính sách điều hành room tín dụng, thị trường sẽ có khó nhận giai đoạn tín dụng tăng cao như nửa đầu năm 2022. Thực tế, nhiều chuyên gia và đơn vị phân tích cũng đã dự báo về xu hướng tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong năm nay và thấp hơn so với năm 2022.

Trong đó, các nguyên nhân được đưa ra chủ yếu đến từ thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, môi trường lãi suất cao và áp lực lạm phát gia tăng.

Cụ thể, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết năm 2022, tín dụng hệ thống ngân hàng đã tăng 14,5%, cao hơn mức 13,6% của năm 2021. Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm xấp xỉ 5% trong nửa cuối năm, chậm lại rõ rệt so với đầu năm khi ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả giai đoạn 2023-2024.

Các chuyên gia tại đây cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% trong năm 2023 với nguyên nhân thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và môi trường lãi suất cao.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Nguồn: NHNN; Tổng hợp.
Nhãn Tháng 1 Tháng 2 Tháng 3 Tháng 4 Tháng 5 Tháng 6 Tháng 7 Tháng 8 Tháng 9 Tháng 10 Tháng 11 Tháng 12
Năm 2020 % 0.1 0.17 1.31 1.41 2 3.65 4.05 4.82 6.08 6.79 8.41 12.17
Năm 2021
0.76 0.66 2.95 4.17 4.95 6.44 6.92 7.45 7.88 8.76 10.8 13.61
Năm 2022
2.49 2.65 5.97 7.24 8.09 9.44 9.55 9.98 11.05 11.62 12.2 14.5

Cụ thể, các chủ đầu tư hiện vẫn gặp khó trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và lãi suất vay cao, làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà. Trong khi đó, xuất khẩu - một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam - dự báo giảm tốc và đạt 9,5% trong năm 2023 (năm 2022 tăng 14%). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất vay đã tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Ngoài ra, VNDirect cũng cho rằng lạm phát dự kiến ở mức cao cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Cuối cùng, căng thẳng thanh khoản ngân hàng cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Đến cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số LDR (cho vay/huy động) tăng mạnh, một số nhà băng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết nền kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm và đồng nội tệ suy yếu. Ngược lại, việc dòng vốn FDI vẫn duy trì tốt đã làm dịu đi áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây cho rằng xu hướng thắt chặt tiền tệ sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, sau khi tăng lãi suất điều hành 2 điểm % trong năm 2022, khả năng tăng lãi suất của NHNN vẫn đang bỏ ngỏ, trong khi triển vọng kinh tế chưa khả quan. Điều này khiến cả các doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản.

Với các yếu tố kể trên, Mirae Asset dự báo NHNN sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2023.

Room tín dụng phân bổ ra sao?

Tương tự, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ chỉ vào khoảng 11-12%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2021-2022. Nguyên nhân do lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm.

Bên cạnh đó, nhà điều hành hiện vẫn duy trì quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu…

Trong bối cảnh tín dụng dự báo tăng chậm lại, VNDirect cho rằng NHNN sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh. Trong đó, các nhà băng có tỷ trọng cho vay các phân khúc tiềm ẩn rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và tỷ trọng cho vay bán lẻ cao sẽ được quan tâm hơn.

room tin dung,  tang truong tin dung anh 1

Các ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức yếu kém, giảm lãi suất, có danh mục cho vay lành mạnh sẽ được ưu tiên về room tín dụng. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, ngân hàng có chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt cũng sẽ là nhóm được ưu tiên.

Dựa trên các yếu tố này, VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng VPBank, MBBank, HDBank và Vietcombank - là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém - sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, từ đó có thể cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

Chứng khoán VDSC thì cho rằng room tín dụng được giao sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau. Đối với những nhà băng có một trong những yếu tố như hỗ trợ ngân hàng yếu kém; giảm lãi suất cho vay; có ít dư nợ trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thanh khoản tốt, có thể được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với nhóm còn lại.

Ngân hàng bơm hơn 1,5 triệu tỷ ra nền kinh tế qua kênh cho vay

Với mức tăng trưởng tín dụng 14,5% trong năm vừa qua, toàn hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng thông qua kênh cho vay.

Thủ tướng: NHNN chỉ đạo các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay

Cùng với chính sách tỷ giá, tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm