Đại tá Đỗ Duy Phong xác nhận với VietNamNet, đơn vị tìm kiếm đã tìm được thi thể của 2 phi công trong vụ máy bay Mig-21U gặp nạn năm 1971.
Mảnh vỡ đầu tiên của chiếc máy bay Mig-21U được nhóm tìm kiếm đã giúp tìm ra hài cốt của 2 liệt sĩ. |
Hài cốt được tìm thấy gồm một phi công người Nga và một phi công người Việt.
Đại tá Phong cho hay sáng 29/9, đội tìm kiếm của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đã tìm thấy hài cốt của 2 liệt sĩ tại độ cao 1.200 m trên núi Tam Đảo, khu vực giáp ranh giữa xã Hoằng Nông và xã Mỹ Yên - nơi trước đây từng tìm thấy nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay Mig21-U gặp nạn năm 1971.
Bước đầu xác định hai bộ hài cốt là của phi công Cống Phương Thảo và huấn luyện viên người Liên Xô là đại úy Yuri Poyarkov trên chiếc máy bay Mig-21U gặp nạn cách đây 47 năm.
Trong chiều 29/9, hài cốt của 2 liệt sĩ người Việt và người Nga đã được khâm liệm và đưa về trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên. Thân nhân gia đình phi công Cống Phương Thảo đã có mặt ở Thái Nguyên.
Phi công người Nga mất tích trong khi thực hiện huấn luyện bay tại Tam Đảo, Việt Nam. |
Sáng mai, 1/10, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ lên Thái Nguyên để chỉ đạo thực hiện các nghi thức tiếp theo.
Máy bay MIG-21U do phi công Cống Phương Thảo điều khiển cùng với huấn luyện viên Liên Xô, đại úy Yuri Poyarkov đang thực hiện bay huấn luyện theo kế hoạch thì gặp nạn tại khu vực núi Tam Đảo vào ngày 30/4/1971.
Theo thông tin lưu trữ của Quân chủng Phòng không - Không quân, từ 30/4 – 8/5/1971, Quân chủng Phòng không - Không quân đã sử dụng 13 lần chuyến máy bay An-2; 30 lần chuyến máy bay Mi-4, có 17 lần hạ cánh các bãi; tổ chức 3 tổ cấp cứu mặt đất, phối hợp với dân quân địa phương đi sâu vào núi Tam Đảo và các khu vực nghi máy bay rơi để tìm kiếm, nhưng không phát hiện được gì.
Tới cuối năm 2017, xuất phát từ việc một cô gái người Nga mong muốn tìm kiếm thông tin về việc mất tích của ông mình - phi công Yuri Poyarkov, trong một tai nạn xảy ra năm 1971 khi ông đang làm nhiệm vụ chuyên gia huấn luyện bay trong quân đội Việt Nam, một nhóm tìm kiếm bao gồm những người từng có thời gian gắn bó và làm việc tại Nga, các chuyên gia, nhà khoa học… đã phối hợp và lên kế hoạch tìm kiếm từ cuối năm và bắt đầu thực hiện cuộc tìm kiếm vào cuối tháng 2.