Phi công F-16 thoát ra ngoài bằng ghế phóng trong một tai nạn. Ảnh: Không quân Mỹ |
Tai nạn máy bay luôn là hiểm họa rình rập đối với lĩnh vực hàng không, đặc biệt là hàng không quân sự. Các máy bay quân sự thường bay với tốc độ rất nhanh, lại thường xuyên thực hiện các động tác cơ động đột ngột trong mô phỏng hoặc chiến đấu thực tế nên tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Bất trắc có thể xuất hiện trong các bài huấn luyện, hoặc trúng hỏa lực của đối phương trong chiến đấu. Để đảm bảo an toàn cho phi công, các máy bay chiến đấu thường được trang bị ghế phóng giúp phi công thoát ra ngoài trong các tình huống khẩn cấp.
Sau khi thoát ra ngoài và tiếp đất bằng dù, phi công cần sự trợ giúp của lực lượng cứu hộ để trở về một cách an toàn. Tuy nhiên, máy bay có thể gặp nạn và rơi ở bất kỳ nơi đâu, việc tìm kiếm và cứu hộ không phải điều dễ dàng.
Trong Thế chiến II, việc tìm kiếm phi công mất tích rất khó khăn do vị trí máy bay rơi thường không thể xác định. Đến những năm Chiến tranh Lạnh, sự phát triển của công nghệ điện tử đã giúp việc xác định vị trí máy bay rơi trở nên dễ dàng hơn. Không quân Mỹ là một trong những lực lượng được trang bị nhiều thiết bị tối tân giúp xác định và cứu hộ phi công gặp nạn một cách dễ dàng.
Trong quá trình bay nhiệm vụ, phi công luôn duy trì liên lạc với trạm điều khiển mặt đất. Nếu máy bay gặp sự cố, phi công có thể gửi thông báo cho trung tâm chỉ huy trước khi thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, các máy bay của Mỹ đều phải được lắp thiết bị phát sóng định vị khẩn cấp (ELT). Điều này đã được quy định trong Luật An toàn Hàng không Liên bang vào năm 1976.
Quy trình tìm kiếm cứu nạn với sự trợ giúp của đèn hiệu cá nhân PLB. Ảnh đồ họa: Trung tâm điều phối cứu hạn hàng không Anh |
Theo Airspacemag, ELT có 3 cơ chế hoạt động, gồm: tự động gửi tín hiệu cấp cứu khi gia tốc trọng trường tác động vào máy bay vượt quá ngưỡng cho phép, kích hoạt bằng tay nếu máy bay tiếp đất an toàn ở vị trí không thể xác định và tự động phát sóng khi máy bay chìm trong nước.
Các ELT thế hệ cũ phát sóng định vị ở tần số 121,5 MHz, trong khi thiết bị mới đưa vào sử dụng từ năm 1999 hoạt động ở tần số 406 MHz. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu của Mỹ còn được trang bị hệ thống theo dõi máy bay bằng GPS. Hệ thống này tự động cập nhật vị trí của máy bay trong thời gian thực đến trung tâm chỉ huy, nên địa điểm máy bay có thể xác định ngay khi gặp nạn.
Tuy nhiên, khi nhảy dù ra ngoài, vị trí tiếp đất của phi công có thể cách xa hàng chục kilomet so với vị trí của máy bay. Các phi công Mỹ được trang bị thêm đèn hiệu định vị cá nhân (PLB). Sau khi tiếp đất an toàn, phi công có thể dùng PLB để phát sóng định vị GPS giúp xác định chính xác vị trí gặp nạn.
Khi vị trí phi công được xác định, khả năng phản ứng của đội cứu hộ là cực kỳ quan trọng trong việc đưa phi công trở về an toàn. Không quân Mỹ có 3 trung tâm cứu hộ chuyên nghiệp, ngoài ra còn có các đội cứu hộ của Tuần duyên, Hải quân và Trung tâm cứu hộ quốc gia.
Các đội cứu hộ của Mỹ hoạt động với khẩu hiệu “24 giờ vàng”, tức là phải tìm thấy phi công gặp nạn trong vòng 24 giờ. Sau thời hạn này, sức khỏe và tính mạng của phi công có thể không còn an toàn. Nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị định vị công nghệ cao, phần lớn các phi công Mỹ gặp nạn thường được cứu hộ thành công.