Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm thấy nhiều mật thư chỉ đạo kháng chiến chống Pháp của vua Tự Đức

Trong số các châu bản (văn thư triều Nguyễn thời vua Tự Đức) được tìm thấy có cả những chỉ dụ, mật tư, tấu trình liên quan đến các nhân vật trong kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ.

Vua Tự Đức và quần thần (tranh vẽ của họa sĩ Pháp).

Trong quá trình khảo sát tài liệu để làm cuốn Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn (dự kiến ra mắt cuối tháng 11/2019, nhân 90 năm ngày giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc), chúng tôi tìm thấy trên 100 châu bản liên quan trực tiếp đến công cuộc chống Pháp ở Nam kỳ dưới triều Tự Đức tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Các châu bản này có thời gian từ những ngày đầu khi Pháp đánh Gia Định (1859) cho đến khi Pháp chiếm trọn Nam kỳ (1867) và kéo dài đến những năm cuối đời vua Tự Đức (vẫn còn những châu bản ngầm chỉ đạo công cuộc chống Pháp, giành lại đất Nam kỳ).

Theo đó, ngay từ những ngày đầu Pháp tấn công Gia Định, vua Tự Đức đã liên tục ra nhiều chỉ dụ quan trọng trong việc điều động đại binh Kinh phái, huy động dân đắp lũy, ngăn ngừa bạo loạn, phòng thủ Gia Định và các tỉnh Nam kỳ.

Châu bản Tự Đức tập 102 tờ số 105 ngày 29 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12 (1859) truyền Dụ các tỉnh tăng cường gia cố đồn bảo chép:

Nay truyền cho Võ Duy Ninh, Trần Tri xem xét sự thể, nếu như không thể chặn bọn chúng lên bờ tiến dần vào thành tỉnh thì lập tức đóng chặt cổng thành trước, chuẩn bị nhiều gỗ đá đắp luỹ, phân chia binh lính cố thủ.

Đạo binh của Trương Văn Uyển thì ở ngoài thành chọn nơi đóng đồn, điều gấp binh lính các tỉnh, nghĩa dân hương dõng tuỳ cơ tiến đánh. Trong ngoài hiệp đồng tấn công, đợi đại binh do Kinh phái, không đợi ngày đến nơi, sẽ phối hợp đánh dẹp, thì cũng có khả năng nên việc, không được hoang mang”.

vua Tu Duc anh 1
Châu bản Tự Đức tập 102 tờ số 105 ngày 29 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12 (1859) truyền Dụ các tỉnh tăng cường gia cố đồn bảo. Nguồn: Trung tâm LTQGI.

Sau khi hai tỉnh Gia Định, Biên Hòa lần lượt thất thủ, nhà vua ra lệnh tăng cường bố phòng những nơi xung yếu, nhất là cửa biển, thuỷ lộ quan trọng, đắp thêm đồn luỹ, luyện tập quân sĩ. Châu bản Tự Đức tập 102, tờ 105, ngày Ngày 29 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12-03/3/1859 chép: “Truyền dụ, nhắc nhở lại cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Biên Hoà, lại từ Định Tường đến Hà Tiên, ngoài Bắc từ Quảng Trị đến Nam Định, đều phải gia tâm sửa sang chấn chỉnh, phàm các cửa tấn rộng và sâu, tàu thuyền có thể ra vào, đều phải chọn những nơi trọng yếu xây luỹ, đắp đồn bảo hoặc thổ sơn, pháo đài, đặt pháo lớn, binh lính phòng giữ cho nghiêm. Các đường sông, sông nào sâu rộng thì chọn những nơi cạn hẹp quan yếu cắm đóng cọc gỗ, hoặc làm các thảo long để ngăn giữ, vỗ về nhân dân, luyện tập binh sĩ làm sao để biên cương luôn bền vững, chớ vì trước mắt chưa có việc gì mà thi hành qua loa”.

Từ sau hoà ước Nhâm tuất (1862), vua Tự Đức không muốn hòa và cũng không nghĩ đến việc cầu cứu nhà Thanh để đối phó với Pháp, mà tự mình cố gắng giải quyết. Nhà vua muốn giữ được ba tỉnh còn lại và giành lại đất đai đã mất nhưng không tạo cớ cho Pháp gây sự.

Cùng với đó, vua cũng ngấm ngầm khuyến khích, trợ giúp lực lượng kháng chiến trong vùng Pháp chiếm đóng. Đây là một công việc vô cùng phức tạp, nên phần lớn được thực hiện trong bí mật để tránh sự ngờ vực của người Pháp. Trong số các châu bản được tìm thấy có không ít những những chỉ dụ, mật tư, tấu trình liên quan các nhân vật kháng Pháp ở Nam kỳ như Trương Định, Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn, Thiên hộ Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Âu Dương Lân, Trần Văn Thành…

vua Tu Duc anh 2
Tờ tấu của Viện Cơ Mật ngày 18 tháng 8 năm Tự Đức thứ 23 (1870) liệt kê công trạng và xét thưởng những người Nam Kỳ chống Pháp, trong đó có Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương. Nguồn Trung tâm LTQG 1.

Sau khi 3 tỉnh miền Tây lần lượt rơi vào tay Pháp (tháng 6 năm 1867), triều đình vẫn bí mật phái người vào Nam kỳ do thám địch, nắm dân tình, ngầm hỗ trợ các lãnh tụ nghĩa quân, gom góp quân binh, nghĩa dõng xiêu lạc, khuyến khích người mộ nghĩa nhằm gây dựng lực lượng, tích góp binh lương chờ thời cơ, ban thưởng cho những người có công lao trong chiến đấu…

Khi hay tin các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị thất bại, vua Tự Đức rất thương xót và truyền dụ tìm kiếm thân nhân của các đầu mục khởi nghĩa để chu cấp tiền bạc và ban tập ấm cho con cháu, sai quần thần làm lễ tế những nghĩa sĩ tử tiết ở Nam kỳ… Chẳng hạn, sau khi hay tin Thiên hộ Võ Duy Dương mất, vua đã đề nghị thưởng công đầu và truy thụ cho Thiên hộ Dương lên Quản cơ. Bản tấu của Viện cơ mật ngày 18 tháng 8 năm Tự Đức thứ 23 (1870) chép: “Viện Cơ Mật tấu: Ngày mùng 4 tháng trước, tiếp nhận 1 bản mật phúc của thự Tổng đốc Bình Phú là Thân Văn Nhiếp đã kính cẩn dâng lên. Vâng xét: ngày tháng 5 năm nay, viện thần vâng làm tờ phiến liệt kê công trạng người miền Nam xin cho thưởng, có khoản ghi: Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Trung Trực (tức Quản Lịch), Đặng Quang Nghi, đều là người Nam kỳ đã hy sinh. Thế thật khó mà định liệu. Riêng việc Võ Duy Dương quê huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, xin mật thư về tỉnh ấy dò hỏi viên nầy có con cháu hay không, phúc trình đầy đủ để xét thưởng. Còn Nguyễn Hữu Huân quê Định Tường, người ấy giờ đã quay trở về, căn cứ theo Viên ngoại lang Hộ bộ ty là Bùi Hy ở đó nói, đợi xem viên cử nhân ấy có đến lánh ở Bình Thuận trở ra Bắc không xem như thế nào rồi sẽ định liệu tùy theo khoản trước mà làm. 

 Phụng châu phê: Đợi sau cứu xét xin truy thụ, nay căn cứ theo những gì họ khai xem xét truy thụ cũng được. Về khoản thưởng cho nhóm của Võ Duy Dương vì đã uy hiếp làm cho bọn Tây kinh hãi có tiếng tăm khó che lấp thì việc xét thưởng cho các viên ấy cũng phải tương xứng để làm khuôn phép vậy, cũng không ngại chẳng rõ còn sống hay đã mất, chủ yếu thể hiện lòng thương xót.

Tuy nhiên, do sự lưỡng lự hai mặt kéo dài qua nhiều năm của triều đình, nên sĩ khí quân dân, thái độ các lãnh tụ nghĩa quân của các tỉnh Nam kỳ đã bị ảnh hưởng, nhiều cơ hội bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc.

Tóm lại, qua các châu bản mới tìm thấy này, chúng ta không chỉ có thêm những tài liệu lịch sử giá trị cung cấp một góc nhìn về kháng chiến chống Pháp dưới thời vua Tự Đức, mà còn có thêm một góc nhìn khác hơn về vua Tự Đức, người tự nhận lỗi về mình khi để mất nước vào tay người Pháp.



Nguyễn Thanh Thuận - Minh Châu

Bạn có thể quan tâm