Trong bài báo xuất bản ngày 15/4 trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố phát hiện một ngoại hành tinh kích thước tương đương Trái Đất và có thể có nước.
“Thế giới xa xôi, hấp dẫn này đem lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn về một Trái Đất thứ hai đang tồn tại đâu đó trong vũ trụ”, Thomas Zurbuchen, thành viên Ban giám đốc Sứ mệnh Khoa học NASA, tuyên bố.
Kepler-1649c được xem là hành tinh giống Trái Đất nhất từng được con người phát hiện. Ảnh: NASA. |
Ngoại hành tinh này, được đặt tên là Kepler-1649c, quay quanh một sao lùn đỏ ở khoảng cách có thể có sự sống và lượng bức xạ đủ để nước tồn tại dạng lỏng. Với kích thước tương đương Trái Đất, nó còn có lượng ánh sáng bằng 75% lượng ánh sáng mà chúng ta nhận được từ Mặt Trời.
Nói cách khác, đó là một thế giới phù hợp với sự sống hơn bất kỳ hành tinh nào từng được con người tìm thấy trước đây. Theo các nhà nghiên cứu, trong số hàng nghìn ngoại hành tinh được kính viễn vọng không gian Kepler phát hiện, đây là hành tinh giống Trái Đất nhất về kích thước và nhiệt độ.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi trước khi đi đến kết luận hành tinh này phù hợp với sự sống hay không. Đầu tiên, chúng ta chưa biết gì về bầu khí quyển – yếu tố chính quyết định nhiệt độ bề mặt của hành tinh.
Kepler-1649c cách Trái Đất khoảng 300 năm ánh sáng. Các nhà khoa học tìm thấy hành tinh này trong khi phân tích lại những quan sát cũ của chương trình kính viễn vọng không gian Kepler – hiện đã ngừng hoạt động.
Ảnh đồ họa cho thấy kích thước tương đồng giữa Trái Đất (trái) và Kepler-1649c (phải). Ảnh: NASA. |
“Trong số những hành tinh mà chúng tôi kiểm tra lại, Kepler-1649c thực sự thú vị, không chỉ vì nó nằm trong vùng có thể ở được và kích thước gần bằng Trái Đất, mà còn cách tương tác với hành tinh gần đó”, Andrew Vanderburg, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Texas, người đứng đầu nhóm tác giả, cho biết.
Thời gian để Kepler-1649c hoàn thành 9 vòng quỹ đạo cũng gần bằng thời gian hành tinh bên cạnh hoàn thành 4 vòng quỹ đạo. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều đó có thể giúp cho hệ sao này ổn định trong một thời gian dài.
Theo Vanderburg, khi thu thập được càng nhiều dữ liệu, chúng ta càng tìm thấy nhiều ngoại hành tinh xung quanh các sao lùn đỏ có kích thước tương đương Trái Đất và có thể tồn tại sự sống.
“Những sao lùn đỏ tồn tại khắp nơi trong thiên hà với rất nhiều hành tinh quay quanh chúng, khả năng tìm được một Trái Đất thứ hai có vẻ đã sáng sủa hơn”, ông nói thêm.