Thượng tá Nguyễn Viết Phương, Trưởng công an thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, cho hay khoảng 11h hôm nay (16/10), lực lượng cứu hộ phát hiện một thi thể ở thủy điện Rào Trăng 3. Thi thể đang được đưa về để làm các thủ tục xác định danh tính sau đó bàn giao cho gia đình nạn nhân mai táng.
Sáng cùng ngày, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết công tác cứu hộ theo đường thủy để lên Rào Trăng 3 buộc phải tạm dừng vì mưa lớn ở thượng nguồn. Hiện ban chỉ huy họp để đưa ra phương án cứu hộ phù hợp.
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nam công nhân thủy điện Rào Trăng 3 về bệnh viện. Ảnh: H.Q. |
Trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử lực lượng cứu hộ tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 để đưa người bị thương, tử vong và tiếp tế lương thực cho các công nhân bị mắc kẹt tại đây.
Sau 2 ngày, lực lượng cứu hộ sử dụng ca nô đưa được 24 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cũng đưa một thi thể nam công nhân về để bàn giao cho gia đình.
Để tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng cứu hộ đi ca nô từ bến đò xã Hương Bình ở thủy điện Hương Điền lên thủy điện Rào Trăng 4 mất khoảng một giờ. Sau đó, đội cứu hộ tiếp tục sử dụng xuồng cao su lên thủy điện Rào Trăng 3.
Khu vực sạt lở ngổn ngang các phương tiện bị cuốn trôi. Ảnh: T.H. |
"Vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 kinh hoàng hơn bên trạm 67. Cả quả núi cao 200 m đổ sập xuống, đẩy dồn đất đá, tường bê tông rào chắn đi 500 m ra suối. Khu vực lán trại công nhân bị san phẳng", một chỉ huy lực lượng cứu hộ chia sẻ.
Hôm qua, đội cứu hộ huy động 3-4 ca nô của CSGT tỉnh và thị xã Hương Trà rà soát trên sông đoạn từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 nhưng chưa tìm kiếm được nạn nhân nào.
Để tiếp cận gần công trình thủy điện Rào Trăng 3, xuồng cao su của đội cứu hộ phải vượt qua những gềnh, thác hiểm trở. Khi không thể di chuyển được nữa, mọi người cập bờ và tiếp tục đi bộ khoảng 3 km mới đến địa điểm sạt lở.
Vừa trở về từ Rào Trăng 3, một người trong đội cứu hộ cho biết lực lượng tìm kiếm, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn và cả nguy hiểm khi cố gắng tiếp cận khu vực sạt lở.
Lực lượng cứu hộ có mặt tại điểm sạt lở. Ảnh: T.H. |
"Để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải nhờ một người dân địa phương đưa lên Rào Trăng 3 bằng xuồng", anh Trần Đình Hồng, người tham gia cứu hộ, cho hay.
Anh Hồng cho biết thêm sau khi xuồng cập bờ, đoàn phải tiếp tục đi bộ thêm 3 km. Đường sá bị sạt lở rất nguy hiểm. "Những công nhân thủy điện khuyên đoàn cứu hộ cẩn thận đi sớm về sớm chớ núi sạt thì dễ bị vùi", anh Hồng nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn có buổi làm việc với sở chỉ huy tiền phương ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, về công tác cứu hộ các nạn nhân ở Rào Trăng 3.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn giao Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm tìm 16 công nhân bị mất tích. Xâu chuỗi các thông tin từ hiện trường báo cáo về, ông nhận định có khả năng 16 công nhân trên đang bị mất tích ở dưới lòng hồ.