Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm thấy lục địa 'mất tích' 140 triệu năm trước dưới Địa Trung Hải

Các nhà khoa học vừa tìm thấy một lục địa bị mất tích của Trái Đất nằm dưới lòng biển Địa Trung Hải và Nam Âu, nhưng đây không phải là lục địa Atlantis trong truyền thuyết.

Lục địa mất tích vừa được phát hiện có tên là Adria Lớn. Nó có kích thước tương đương đảo Greenland và tách ra từ phía bắc của lục địa châu Phi gần 200 triệu năm trước. Sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo khiến lục địa này bị chôn vùi dưới phía nam châu Âu cách đây 140 triệu năm.

Phát hiện này vừa được nhà cổ địa lý học Douwe van Hinsbergen, chuyên gia về các mảng kiến tạo của Trái Đất, cùng cộng sự đăng tải trên tạp chí nghiên cứu Gondwana Research.

"Vô số khách du lịch đã dành kỳ nghỉ của mình trên Adria Lớn, lục địa bị mất tích, mà không hay biết gì", Hinsbergen cho biết.

luc dia bi mat tich anh 1
Các nhà khoa học phải phân tích quá trình phát triển của các dãy núi ở khu vực Địa Trung Hải, trải rộng gần 30 quốc gia, để tìm kiếm lục địa bị mất tích. Ảnh: Gondwana Research.

Giải mã từ những dãy núi

Bằng cách nghiên cứu quá trình phát triển của các dãy núi và lòng biển từ Tây Ban Nha đến Iran, các nhà khoa học đã xác định được quá trình hình thành và biến đổi của lục địa bị mất tích.

"Phần lớn những dãy núi mà chúng tôi nghiên cứu đều bắt nguồn từ một lục địa duy nhất. Nó tách khỏi phía bắc lục địa châu Phi gần 200 triệu năm về trước. Dấu tích của lục địa này là một dải đất chạy từ Turin, dọc theo biển Adira đến 'gót chân' của Italy", Hinsbergen mô tả.

Khu vực địa lý này được các nhà nghiên cứu địa chất gọi là vùng Adria. Đây cũng là lý do lục địa bị mất tích được Hinsbergen và các cộng sự đặt tên là Adria Lớn.

Các mảng kiến tạo tại khu vực Địa Trung Hải có sự khác biệt lớn với phần còn lại của Trái Đất. Những mảng kiến tạo là giả thuyết đằng sau sự hình thành của đại dương và các lục địa. Với những nơi khác trên Trái Đất, mảng kiến tạo không biến dạng khi chúng di chuyển dọc theo các đường đứt gãy địa chất. Điều này khác hoàn toàn tại Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Địa Trung Hải.

"Nơi này là một khối hỗn độn về địa chất. Mọi thứ đều bị bẻ cong, gãy khúc và chồng chất lên nhau", Hinsbergen mô tả.

"Để dễ hình dung, dãy Himalaya còn là một hệ thống đơn giản hơn nhiều so với khu vực này. Ở đó, bạn có thể theo dõi chỉ một vài đường đứt gãy lớn trong phạm vi hơn 2.000 km", ông cho biết.

Với trường hợp của lục địa Adria, phần lớn diện tích của nó chìm dưới nước, được bao phủ bởi biển nông, rạn san hô và trầm tích. Trầm tích tích tụ thành đá rồi bị phá tan khi lục địa Adria Lớn bị nam châu Âu chèn lên. Những mảng đất đá biến dạng trở thành địa hình đồi núi, gồm dãy Alps, dãy Apennines, vùng Balkans, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

"Sự hút chìm, quá trình một mảng kiến tạo đè lấp bởi một mảng khác, là cách cơ bản để hình thành lên các chuỗi núi", Hinsbergen chia sẻ.

"Nghiên cứu của chúng tôi mở ra nhiều kiến thức mới về quá trình này, hoạt động của núi lửa và động đất. Chúng tôi đã áp dụng những quan sát này cho các khu vực khác. Nghiên cứu cho phép chúng tôi phần nào dự đoán được một khu vực trong tương lai sẽ có hình dạng như thế nào", ông cho biết.

luc dia bi mat tich anh 2
Các nhà khoa học vẽ lại bản đồ khu vực Địa Trung Hải gần 140 triệu năm trước, khi lục địa Adria Lớn còn tồn tại và chưa bị khu vực Nam Âu của lục địa Á-Âu "nuốt chửng". Ảnh: Douwe van Hinsbergen.

Hé lộ "chân dung" của Adria Lớn

Các nhà khoa học từ các trường đại học ở Utrecht (Hà Lan), Oslo (Na Uy) và Zurich (Thụy Sĩ) đã tái dựng quá trình phát triển của các dãy núi trong khu vực Địa Trung Hải, trải rộng qua gần 30 quốc gia. Mỗi khu vực có kết quả khảo sát địa chất, bản đồ và giả thuyết hình thành khác nhau.

Sử dụng phần mềm tái dựng mảng kiến tạo, các nhà khoa học phải bóc tách từng lớp bề mặt của địa hình hiện tại để quay ngược thời gian. Họ tái dựng được hình dạng của các lục địa cách đây hàng trăm triệu năm khác xa bản đồ thực tại.

Các nhà khoa học phát hiện Adria Lớn trở thành một lục địa riêng gần 240 triệu năm trước trong Kỷ Tam Điệp (Triassic).

"Từ việc xây dựng lại bản đồ, chúng tôi đã có được hình ảnh của Adria Lớn và một số khối lục địa nhỏ khác, bao gồm những khối đã tạo nên Romania, Bắc Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia ngày nay", Van Hinsbergen cho biết.

"Dấu tích của lục địa đã bị biến dạng chỉ có vài kilomet. Chúng ta có thể nhìn thấy chúng ở các dãy núi. Phần còn lại của lục địa này, có bề dày khoảng 100 km, bị đè lấp bởi Nam Âu và chìm vào phần trung gian giữa lõi và vỏ Trái Đất. Chúng ta vẫn có thể tìm ra dấu vết của nó thông qua sóng địa chấn ở độ sâu khoảng 1.500 km", ông nói.

Đây không phải lần đầu tiên một lục địa mất tích được tìm thấy. Tháng 1/2017, một nhóm các nhà khoa học tuyên bố đã tìm thấy một lục địa nhỏ từng tách khỏi siêu lục địa Gondwana.

Siêu lục địa này bắt đầu quá trình phân rã khoảng 200 triệu năm trước. Lục địa "con" còn sót lại đang chìm dưới dung nham, nằm dưới đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương.

Tháng 9/2017, một nhóm nghiên cứu khác phát hiện ra lục địa Zealandia bằng cách khoan thăm dò lòng biển ở Nam Thái Bình Dương. Lục địa này nằm dưới đáy biển gần 1 km. 

luc dia bi mat tich anh 3
Dấu tích của lục địa Adria Lớn còn sót lại ở những vách đá vôi tại dãy núi Taurus. Ảnh: Getty.

Phát hiện 'rồng băng giá' khổng lồ ở Bắc Mỹ 77 triệu năm trước

Với tên gọi "rồng băng giá của gió bắc", Cryodrakon boreas là một trong những động vật bay lớn nhất từng tồn tại, nó sinh sống ở Bắc Mỹ 77 triệu năm trước.

Hộp sọ 3,8 triệu năm hé lộ khuôn mặt tổ tiên lâu đời nhất của người

Khuôn mặt của loài lâu đời nhất trên cây tiến hóa của loài người lần đầu tiên được hé lộ khi các nhà khoa học phát hiện hộp sọ 3,8 triệu năm tuổi ở Ethiopia.



Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm