Loài thú tiền sử được các nhà khoa học xác định là "Simbakubwa kutokaafrika", có nghĩa là "sư tử châu Phi khổng lồ" trong tiếng Swahili địa phương.
Những con sư tử "ngoại cỡ" này có thể đã hoành hành khắp vùng Đông Phi gần 20 triệu năm trước, theo BBC.
Sư tử khổng lồ thuộc một nhóm các loài động vật hữu nhũ có kích thước lớn là Hyainailourine hyaenodonts, nay đã tuyệt chủng. Việc phát hiện hóa thạch mới có thể giúp giải thích điều gì đã xảy đến với nhóm này.
Các nhà khoa học đã phát hiện thêm một loài sư tử khổng lồ thời tiền sử. Ảnh: AFP. |
"Dựa trên cấu trúc răng khổng lồ của nó, loài Simbakubwa là động vật ăn thịt siêu lớn, với kích thước lớn hơn nhiều so với sư tử hiện đại và có lẽ còn lớn hơn cả gấu Bắc Cực", nhà nghiên cứu Matthew Borths trả lời AFP.
Những mẫu hóa thoạch của Simbakubwa là do Borths phát hiện vào năm 2013.
Ông khi đó đang làm việc tại Bảo tàng Quốc gia Nairobi. Borths đã hỏi xem những mẫu hóa thạch trong bộ sưu tập được dán nhãn là "linh cẩu", theo đài National Geographic.
Những hóa thạch này được khai quật từ cuối thập niên 1970 tại Tây Kenya. Các mẫu vật trong hộp lưu trữ gồm xương hàm và răng của loài động vật tiền sử.
Hóa thạch răng và xương hàm của loài Simbakubwa. Ảnh: BBC. |
Sau khi nhận thấy cấu trúc xương này không tương đồng với loài linh cẩu hiện đại, Borths đã hợp tác với nhà nghiên cứu Nancy Stevens và bắt đầu phân tích các mẫu vật hóa thạch "bất thường" này vào năm 2017.
Phát hiện mới của hai nhà khoa học về loài Simbakubwa đã được họ công bố trong Tạp chí Cổ sinh vật học Động vật có xương sống.
Các nhà khoa học xác định mẫu hóa thạch thuộc về một con Simbakubwa trẻ, sống trong đầu giai đoạn Trung tân (Miocene) của kỷ Neogen. Giai đoạn này diễn ra từ 23 đến 5 triệu năm trước.