Theo Engadget, các nhà thiên văn học từng tìm thấy những hành tinh giống Trái Đất nhưng đa số chúng xoay quanh những ngôi sao lùn đỏ. Do bùng phát bức xạ của loại ngôi sao này, các hành tinh có quỹ đạo xoay quanh thường không thể là nơi sinh sống cho con người.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều hành tinh ngoại lệ. Theo MIT Technology Review, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một thiên thể tên gọi KOI-456.04, có khả năng là ngoại hành tinh (exoplanet - những hành tinh nằm ở ngoài Hệ Mặt Trời).
KOI-456.04 có kích thước gần gấp đôi Trái Đất và xoay quanh ngôi sao chủ (Kepler-160) phát ra lượng ánh sáng bằng khoảng 93% mức độ ánh sáng mà địa cầu nhận được.
Thậm chí, thiên thể này còn quay quanh ngôi sao chủ với khoảng cách tương đương Trái Đất, mất 378 ngày để hoàn thành quỹ đạo.
KOI-456.04 kích thước gần gấp đôi Trái Đất và xoay quanh ngôi sao chủ Kepler-160. Ảnh: Jedennews. |
Nhóm nghiên cứu tìm thấy vật thể này khi nghiên cứu độ sáng của ngôi sao chủ bằng cách kết hợp dữ liệu của kính thiên văn Kepler cũ cùng hai thuật toán mới. Thay vì tìm hiểu độ sáng tỏ theo chu kỳ của ngôi sao, các nhà khoa học đã sử dụng phương thức mới.
Cũng theo MIT, nếu KOI-456.04 có bầu khí quyển trơ với hiệu ứng nhà kính nhẹ giống như Trái Đất, nhiệt độ bề mặt của nó sẽ vào khoảng 5 độ C, thấp hơn 10 độ so với nhiệt độ trung bình địa cầu. Ngoài ra, khoảng cách của KOI-456.04 và Kepler-160 rất có lợi cho sự tồn tại của chất lỏng.
“KOI-456.01 tương đối lớn khi so với các hành tinh có tiềm năng tồn tại sự sống khác. Tuy nhiên, việc có kích thước nhỏ hơn Trái Đất hai lần, ngôi sao trung tâm có đặc điểm tương tự như Mặt Trời khiến KOI-456.01 trở nên đặc biệt”, Tiến sĩ René Heller thuộc Viện nghiên cứu hệ mặt trời Max Planck cho hay.
Hiện KOI-456.04 có 85% khả năng là một ngoại hành tinh, song vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để nâng tỷ lệ này lên 99%.
Dù đây có là hành tinh mang sự sống, sẽ còn rất lâu nữa để chúng ta đặt chân đến đây, bởi nó cách Trái Đất đến 3.140 năm ánh sáng. Cần có thêm các nhiệm vụ nghiên cứu không gian trong tương lai, chẳng hạn như tàu vũ trụ ESA, PLATO trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.