Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm thấy 9 thi thể nạn nhân QZ8501

Quan chức Indonesia cho biết đã phát hiện thêm 2 thi thể, nâng tổng số nạn nhân máy bay QZ8501 đã được tìm thấy lên 9 người và sẽ đưa đến bệnh viện để nhận dạng.

  • Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy hai nạn nhân đầu tiên mà lực lượng cứu hộ vớt trong eo biển Karimata tử vong 3 ngày trước, nghĩa là một ngày sau khi tai nạn xảy ra, báo The Star của Malaysia đưa tin.

  • Một nguồn tin thân cận với các nhà điều tra thảm kịch QZ8501 cho thấy phi cơ xấu số đã tăng độ cao theo quỹ đạo rất dốc trước khi nó rơi xuống biển, Channel News Asia đưa tin.

  • Lực lượng cứu hộ đã vớt ít nhất 7 thi thể trong vùng biển mà thiết bị sonar phát hiện một vật thể lớn ở dưới đáy biển. Nó nằm ở độ sâu 30-50 m, song thợ lặn không thể tiếp cận nó vì sóng biển rất mạnh, Reuters đưa tin. Nhưng vào sáng đầu tiên của năm 2015, đột nhiên thời tiết thay đổi theo hướng thuận lợi, khiến lực lượng cứu hộ hy vọng thợ lặn sẽ có thể tiếp cận vật khả nghi.

    "Các thợ lặn sẽ tiếp tục xuống đáy biển vào sáng nay. Tối qua thời tiết xấu đến nỗi 47 thợ lặn của Hải quân không thể lên tàu chiến để ra biển", Siahala Alamsyah, một sĩ quan hải quân tham gia chiến dịch tìm QZ8501, nói.

    Phi cơ Airbus A320-200 của hãng AirAsia rơi xuống biển cùng 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn vào ngày 28/12, khi nó thực hiện lộ trình bay từ thành phố Subaraya của Indonesia tới Singapore. Nó không phát tín hiệu cấp cứu trước khi biến mất khỏi màn hình radar.

    Hai hộp đen của máy bay sẽ giúp các nhà điều tra tìm ra nguyên nhân khiến phi cơ rơi. Hiện nay các chuyên gia đang ủng hộ giả thuyết máy bay rơi do nó bay quá chậm khi tăng độ cao để tránh bão.

  • Wall Street Journal đưa tin lực lượng cứu hộ vớt thêm 3 thi thể, nâng tổng số người mà họ vớt lên con số 10. 

  • Ông Abdul Aziz Jaafar, Tư lệnh Hải quân Malaysia, thông báo trên Twitter rằng diện tích khu vực mà các phương tiện tìm chuyến bay mất tích đã tăng lên 25.000 km2, gấp đôi so với hôm qua. Ảnh: Twitter

  •  

    Hải quân Malaysia thông báo một trong những nạn nhân của chuyến bay QZ8501 mà lực lượng cứu hộ vớt là Kevin Alexander Soetjipto, sinh viên ngành tài chính của Đại học Monash tại Australia. Người ta xác định danh tính Kevin nhờ chiếc ví trên cơ thể cậu. Ảnh: Channel News Asia

  • Quân nhân trên một tàu Hải quân Malaysia vớt thi thể nạn nhân chuyến bay QZ8501 trong eo biển Karimata vào tối 31/12. Ảnh: Twitter
  • Thợ lặn của Singapore chia thành những nhóm 6 người để tìm nạn nhân của thảm kịch QZ8501 trong eo biển Karimata hôm 1/1. Ảnh: Channel News Asia
  •  

    Hải quân Singapore thông báo họ đã điều một tàu lặn tự động để tham gia chiến dịch tìm máy bay mất tích. Một phi cơ vận tải quân sự C-130 đã chở tàu lặn tự động và 6 chuyên gia giàu kinh nghiệm tới Pangkalan Bun vào 8h30 sáng nay. Máy bay sẽ tới Pangkalang Bun trong vài giờ tới. Sau đó trực thăng Super Puma sẽ đưa tàu lặn và 6 người tới khu vực tìm kiếm QZ8501. Ảnh: Channel News Asia
  • Đội cứu hộ đưa 4 thi thể, bao gồm 3 đàn ông và một phụ nữ, từ Surabaya về thành phố Pangkalan Bun, đảo Kalimantan, Indonesia hôm 1/1. Ảnh: CNA

  •  

    Binh sĩ Indonesia đưa quan tài chứa thi thể một nạn nhân của chuyến bay QZ8501 lên xe cứu thương ở căn cứ quân sự tại thành phố Subaraya. "Mây đã bắt đầu xà xuống phía dưới và tình hình thời tiết sẽ xấu trở lại", Tatang Zaenudin, một quan chức của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia, thông báo, Ông nói thêm rằng thời tiết xấu sẽ cản trở nỗ lực tìm của các máy bay, song hoạt động rà soát của các tàu vẫn tiếp tục. Ảnh: Reuters
  • Nhân viên cứu hộ tại Pangkalang Bun trên đảo Kalimantan chuẩn bị vớt một nạn nhân. Ảnh: CNA
  • Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar thông báo trên Twitter rằng thời tiết xấu đang cản trở hoạt động tìm kiếm. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ mới chỉ vớt một trong 3 thi thể do tàu KD Pahang tìm thấy hôm 31/12/2014. Phóng viên của Channel NewsAsia trên tàu RSS Persistence của Singapore đưa tin hiện nay biển động cấp 3 với sóng cao từ 0,5 đến 1,25 mét.

  • Đại học Monash tại Australia thông báo Kevin Alexander Soetjipto, một nạn nhân trên chuyến bay QZ8501, là sinh viên ngành tài chính của trường và cậu tròn 21 tuổi vào ngày hôm nay. Ảnh: Facebook

  • Lực lượng vận chuyển thi thể hành khách trên chuyến bay QZ8501 không dùng đá hay chất formaldehyde (chất người ta thường dùng trong phòng thí nghiệm để bảo quản hoặc ướp xác) vì lo ngại chúng có thể phá hủy ADN, cảnh sát Indonesia cho biết. Người ta còn bôi thuốc mỡ trên các ngón tay của nạn nhân, sau đó bọc chúng bằng túi nhựa để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nhận dạng, Chanel News Asia đưa tin.

  • Thợ lặn hải quân Indonesia kiểm tra thiết bị tại cảng Kumai thuộc thành phố Pangkalang Bun trước khi xuống biển để tìm thi thể nạn nhân. Ảnh: AP
  •  

    Thi thể thứ 5 do lực lượng tìm kiếm vớt lên là một phụ nữ tóc đen với chiều cao 1,64 mét. Cô mặc quần jean, đeo thắt lưng màu nâu, mang giày thể thao màu đen và đeo một đồng hồ vàng.

  • Cảnh sát Indonesia kiểm tra thông tin trên hộ chiếu thân nhân hành khách chuyến bay QZ8501 để phục vụ cho hoạt động nhận dạng nạn nhân tại sân bay Juanda, thành phố Surabaya hôm 1/1. Lực lượng cứu hộ đã đưa thêm 5 tử thi tới thành phố Surabaya để nhận dạng. Ảnh: EPA
  •  


    Tony Fernandes, Tổng giám đốc AirAsia, thông báo ông sẽ cùng gia đình nữ tiếp viên Khairunnisa Haidar, người tử nạn trong thảm họa QZ8501, đưa thi hài cô về thành phố Palembang, quê hương của cô, sau khi chuyên gia nhận dạng thi thể cô. Ảnh: Facebook

  • Ông Antonius Toos Sanitioso, thành viên của Ủy ban An Toàn giao thông Indonesia, cho hay đội cứu hộ sẽ sớm phát hiện xác máy bay trước khi trục vớt hộp đen.

    “Chúng ta có thể mất một tuần để tìm ra hộp đen nếu thời tiết trên biển thuận lợi”, ông nói với New Straits Times, đồng thời khẳng định chính phủ Indonesia có đủ phương tiện cũng như chuyên môn để tìm ra hộp đen, và họ có thể triển khai tàu nghiên cứu để tìm ra thiết bị ghi dữ liệu quan trọng này.

  • Thị trưởng thành phố Surabaya, bà Tri Rismaharini, bất tỉnh tại trung tâm giải quyết khủng hoảng. Theo Channel News Asia, có thể bà Tri đã kiệt sức khi chăm sóc thân nhân của những người trên chuyến bay QZ8501.

  • Theo KompasTV, thi thể của nạn nhân đầu tiên được nhận dạng đã được trao lại cho gia đình.

  • Thêm 4 thi thể nạn nhân, gồm 2 nam và 2 nữ, đã được chuyển về thành phố Surabaya. Ảnh: Channel News Asia

  • Đại diện Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga cho biết vừa điều động 2 máy bay cùng 72 nhân viên cứu hộ tới hỗ trợ ở khu vực tìm kiếm máy bay gặp nạn của hãng AirAsia, theo Sputnik.

  • Thi thể của nạn nhân Hayati Lutfiah Hamid được trao lại cho gia đình. Ảnh: Straits Times

  • Theo biên tập viên Geoffery Thomas của tạp chí hàng không West Australian,  nhiều bằng chứng mới cho thấy máy bay đã trải qua một cơn bão kỳ lạ, khiến máy bay phóng lên cao với tốc độ không kiểm soát được trước khi lao thẳng xuống đại dương. 

    "Dựa trên thông tin rò rỉ từ giới chức Indonesia, đường bay của phi cơ do radar ghi lại cho thấy máy bay đã di chuyển lên cao với tốc độ 2.700 m/phút và sau đó lao thẳng xuống biển với tốc độ 7.300 m/phút", ông Geoffery nói với 7News.

    Trong khi đó, theo MalayMail, các nhà điều tra sẽ xem xét khả năng máy bay gặp nạn do lỗi của phi công. Các thợ lặn đang chuẩn bị đồ nghề trước khi bơi xuống biển tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay AirAsia. Ảnh: Reuters

  • Phóng viên Channel News Asia đưa tin lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể thứ 8. Họ sẽ chuyển nạn nhân đến Bệnh viện Imannudin để nhận dạng.

  • Chiến hạm RSS Kallang, có khả năng tìm kiếm dưới nước, sẽ tới khu vực tìm kiếm vào ngày mai, Channel News Asia dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho biết.

  • Câu chuyện của các nạn nhân trên chuyến bay QZ8501 xấu số khiến nhiều người dùng mạng trên khắp thế giới rơi nước mắt. Ảnh: Twitter

  • BBC dẫn lời quan chức Indonesia cho biết đã tìm thấy thêm 2 thi thể nạn nhân máy bay QZ8501, nâng tổng số nạn nhân đã được tìm thấy lên 9 người.
  • Mẹ của nạn nhân Hayati Lutfiah Hamid (người phụ nữ đứng thư 2 từ phải sang) òa khóc khi nhận thi hài của con tại bệnh viện Bhayankara, thành phố Surabaya. Hayati Lutfiah Hamid là nạn nhân đầu tiên mà giới chức nhận dạng thi thể. Ảnh: Reuters

  • Reuters đưa tin, tính tới thời điểm này, đội cứu hộ chưa nghe thấy tiếng “ping” phát ra từ hộp đen trong quá trình tìm kiếm. Tatang Kurniadi, người đứng đầu Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông Indonesia cho biết đội cứu hộ sẽ sử dụng 5 thiết bị định vị thủy âm, gồm 2 chiếc của Indonesia, 2 chiếc của Singapore và một chiếc từ Anh, trong quá trình tìm kiếm hộp đen. Theo ông Toos Sanitiyoso, một điều tra viên cho biết việc tìm kiếm hộp đen có thể diễn ra trong một tuần.

    Hộp đen máy bay cầm cự được bao lâu?

    Hộp đen phải có khả năng an toàn khi bị đốt cháy liên tục trong 30 phút, phải chịu được điều kiện ngâm trong nước biển với áp lực ở độ sâu tới 6 km và phải chống va đập đặc biệt.

  • Thêm một nạn nhân của chuyến bay AirAsia QZ8501 được đưa đến bệnh viện Imanuddin để nhận dạng. Ảnh: Twitter

  • Thi thể nạn nhân đầu tiên mang số 001 được xác định là cô Hayati Lutfiah Hamid, 47 tuổi, một giáo viên tiểu học ở thành phố Surabaya, Indonesia. Cô Hamid cùng chồng, mẹ chồng và con gái dự kiến tới Singapore để nghỉ dưỡng. Nhà chức trách xác định được danh tính của cô dựa trên dấu vân tay và các vật dụng cá nhân. Một nạn nhân khác cũng đã được nhận dạng sau khi khám nghiệm tử thi, Star Online đưa tin.


     

  • Một phụ nữ không nén nổi dòng nước mắt khi cầu nguyện cho các hành khách trên chuyến bay QZ8501. Cả thế giới đang chào đón năm mới song mọi người vẫn luôn trông chờ tin tức và cầu nguyện cho các nạn nhân mất tích. Ảnh: Getty

  • Tại cuộc họp báo đang diễn ra, ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Quốc gia Indonesia (Basarnas), cho hay thời tiết trong 3 ngày tới không thuận lợi cho chiến dịch tìm kiếm. Tuy nhiên, ông khẳng định đội cứu hộ sẽ không rời khỏi hiện trường, bất chấp mọi bất lợi.

    Theo ông Soelistyo, hiện 4 trực thăng và 5 máy bay đã được triển khai tại khu vực tìm kiếm rộng 13.000 km2.

  • Đội cứu hộ chuyển thêm hai thi thể từ thị trấn Pangkalan Bun về thành phố Surabaya. Ảnh: Channel News Asia

  • Người dân viết những dòng cầu nguyện và chia buồn và đặt những bức ảnh tưởng nhớ 162 người gặp nạn trên chuyến bay QZ8501 tại Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, Indonesia. Ảnh: MetroTV

  • Hendra Gunawan, 23 tuổi, hành khách người Indonesia có mặt trên chuyến bay QZ850, chụp bức ảnh cuối cùng trước khi máy bay gặp nạn.

    Anh chụp ảnh này bên trong máy bay và gửi nó cho một người bạn, chỉ vài phút trước khi phi cơ cất cánh. Chia sẻ với hãng NBC ở Surabaya hôm thứ 1/1, ông Yosef Samara, bố của Hendra, mô tả con trai là "một chàng trai vui vẻ, chăm chỉ và dễ tính”. Ảnh: NBCNews

  • Một số chuyên gia hàng không cho rằng, có thể cơ trưởng QZ8501 đã thực hiện cú hạ cánh khẩn cấp hoàn hảo trên mặt nước trước khi máy bay rớt xuống biển. Bởi họ không thấy có dấu hiệu của tai nạn và cơ trưởng Irianto là người dày dặn kinh nghiệm nên ông hoàn toàn có thể thực hiện được cú hạ cánh khẩn cấp này, theo Mirror.


  • Lính Hải quân Singapore trên tàu RSS Valour đã thu thập một số mảnh vỡ của các thiết bị và phi cơ mất tích tại khu vực tìm kiếm, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết. Ảnh: Channel News Asia


  • Widya Sukati Putri, vợ của cơ trưởng Irianto, vẫn tin rằng ông còn sống. Bà Widya chọn cách ở nhà đợi tin tức về chồng thay vì tới trung tâm xử lý khủng hoàng. "Tôi cảm thấy thoải mái khi ở đây, tại nhà của chúng tôi và tôi chờ đợi anh ấy quay về", vợ cơ trưởng QZ8501 chia sẻ.

  • Người thân làm lễ an táng cô Hayati Lutfiah, hành khách trên chuyến bay QZ8501. Lễ tang của cô được tổ chức ở thành phố Surabaya sau khi thi thể được nhận dạng. Chồng, mẹ chồng và con trai của cô đi cùng chuyến bay vẫn đang mất tích. Ảnh: Reuters

  • Theo các chuyên gia điều tra tai nạn, phi cơ đã bay với vận tốc tăng vọt, "nhanh như một chiến đấu cơ" và sau đó lao thẳng xuống biển Java như thể đang chịu tác động từ một bàn tay khổng lồ. Máy bay đã "cư xử rất kỳ lạ" trước khi mất tích và thời tiết cực đoan đã khiến phi công không thể cứu máy bay và toàn bộ 162 người, Daily Mail đưa tin.

  • Trong tuyên bố mới nhất, hãng AirAsia cho hay, hơn 90 tàu và máy bay tới từ nhiều quốc gia, gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Mỹ đang tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Bộ trưởng Giao thông Indonesia cho biết đã triển khai thêm 5 tàu tới khu vực tìm kiếm, Channel News Asia đưa tin.

  • Thời tiết xấu đang cản trở quá trình tìm kiếm trên biển. Tính tới thời điểm hiện tại, đội cứu hộ đã tìm thấy 9 thi thể, phần lớn đã được chuyển về thành phố Surabaya để nhận dạng và trao lại cho các thân nhân đang mong chờ.



Nguyễn Sương - Đỗ Lan - Nguyễn Ngọc - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm