Khái Hưng, Nhất Linh, Nam Cao… là những tác giả nổi tiếng của văn chương Việt. Tuy vậy, một số tác phẩm của họ qua thời gian chưa được bạn đọc, nhất là lớp trẻ hôm nay, biết đến. Trong xu hướng in lại các danh tác, một số đơn vị làm sách đã tìm đến và giới thiệu với bạn đọc hôm nay những tác phẩm vắng bóng trên thị trường trong khoảng thời gian nhất định.
Ấn bản có minh họa của Trần Bình Lộc. Ảnh: NN. |
Tiêu Sơn tráng sĩ
Khi nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, nhiều người biết tới Phạm Thái trong vai trò tác giả của bài Văn tế Trương Quỳnh Như (bài văn tế Phạm Thái viết khi người yêu qua đời) và tác phẩm Sơ kính tân trang (truyện thơ dựa trên mối tình của chính tác giả). Phạm Thái, Trương Quỳnh Như và mối tình của họ đã đi vào tiểu thuyết của Khái Hưng.
Khái Hưng - chủ soái của Tự lực văn đoàn - là tác giả của trên 20 tác phẩm, từ tiểu thuyết, tập truyện ngắn tới kịch, nhưng Tiêu Sơn tráng sĩ có lẽ là tiểu thuyết dã sử duy nhất.
Tiểu thuyết là câu chuyện đấu tranh của những cựu thần nhà Lê với triều đình Tây Sơn như Quang Ngọc, Phạm Thái. Tác phẩm hấp dẫn bạn đọc bởi vừa có yếu tố lịch sử, vừa pha chút kiếm hiệp, ở đó có những người xả thân, sẵn sàng hiến dâng mình vì lý tưởng.
Nổi bật lên trong tác phẩm là hình tượng tráng sĩ Phạm Thái: Rong ruổi trên ngựa theo đuổi chí lớn, một bầu rượu và thanh kiếm sắc, Phạm Thái vẫn đọc những vần thơ về người yêu.
Tác phẩm đan cài yếu tố lãng mạn với những mối tình giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, Trần Quang Ngọc và Nhị Nương. Đặt những người trẻ tuổi trong bối cảnh ngã ba của lịch sử, những nhiệt huyết, ý chí của họ, dù thất bại, vẫn lấp lánh khát vọng của tuổi trẻ.
Tiêu Sơn tráng sĩ được đăng tải dài kỳ trên tuần báo Phong hóa từ năm 1934 đến năm 1936, được xuất bản thành sách năm 1937. Năm 2020, sách được Tri thức trẻ Books tái bản với hai phiên bản bìa cứng và bìa mềm. Mới đây, Nhã Nam in lại tác phẩm trong bộ “Việt Nam danh tác” cùng bộ tranh minh họa của họa sĩ Trần Bình Lộc.
Tiểu thuyết quan trọng của Nhất Linh. Ảnh: PB. |
Xóm Cầu Mới
Nhất Linh là người thành lập Tự lực văn đoàn, chủ bút một số tờ báo, đồng thời là tác giả của nhiều tiểu thuyết, truyện, tác phẩm dịch. Khác với những tác phẩm thời lãng mạn như Gánh hàng hoa, Đời mưa gió… Xóm Cầu Mới (Bèo dạt) viết về những biến chuyển bên dưới vẻ thanh bình của làng quê giữa thế kỷ 20.
Tiểu thuyết khắc họa đời sống của các nhân vật cư ngụ trong một khu xóm, ở đó có những gia đình nghèo khó, cơ cực như nhà bác Lê; có gia đình vượt khó khăn nuôi con ăn học như nhà ông Năm Bụng; những câu chuyện tình cảm giữa Mùi và Siêu, Bé và Đỗi…
Tiểu thuyết được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong văn nghiệp Nhất Linh, được ông chăm chút viết, sửa nhiều lần. Nhà phê bình Thụy Khuê đánh giá về tác phẩm: “Ông tạo ra một xã hội nhỏ, trong đó mỗi nhân cách giàu nghèo đều có tương quan mật thiết với nhau. Mỗi chân dung nhân vật đều linh hoạt và sâu sắc về dung mạo cũng như về đời sống tâm linh”.
Tác phẩm được Nhất Linh sáng tác khoảng năm 1947-1953; mới được Phanbook phát hành cuối năm 2021.
Các truyện ngắn của Nam Cao mới được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn thành sách. |
Người câm biết nói
Nam Cao là nhà văn hiện thực nổi tiếng của Việt Nam. Sau khi ông hy sinh (năm 1951), các bản thảo của ông đã được xuất bản thành các tuyển tập, toàn tập... Tuy vậy, vẫn có những tác phẩm của ông chưa được in thành sách.
Trong quá trình tìm tòi, khảo cứu, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận thấy một số tác phẩm của Nam Cao ít được biết tới. Ông sưu tầm, biên soạn thành sách Người câm biết nói với các truyện ngắn như: Người đàn bà nuôi rắn, Áo vải, Thằng khờ, Đảo Hang Cọp, Thám hiểm châu Phi…
Cuốn sách mới được phát hành, giúp bạn đọc hôm nay hiểu biết thêm về tầm vóc của Nam Cao. Các tác phẩm mới tìm thấy mang đặc trưng lối viết của Nam Cao, có dung lượng khoảng 5.000-7.000 từ hoặc dài hơn.
Một số tác phẩm mới tìm lại có điểm khác biệt so với các truyện được biết tới trước đó của Nam Cao. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, truyện mới tìm lại vẫn theo hướng miêu tả phong tục. Song các truyện ngắn được biết nhiều trước đây nhấn vào cảnh ngộ đói khổ, thói tật của con người, các truyện mới tìm lại hướng tới nét tính cách lạ, hay, đáng khen của con người.
Với những truyện ngắn mới tìm thấy, bạn đọc thấy độ mở trong sáng tác của Nam Cao khi ông viết truyện cổ tích, truyện phiêu lưu, hình sự… Con mèo mắt ngọc là một sáng tác cổ tích đặc sắc, Đảo Hang Cọp (công bố năm 1942), Thám hiểm châu Phi (công bố năm 1942) đều là truyện phiêu lưu. Trong đó Thám hiểm châu Phi kể về câu chuyện có thật về các nhà thám hiểm Anh, Mỹ.