Tác phẩm "120 ngày Mây thì thầm với gió". Ảnh: NXB Trẻ. |
120 ngày Mây thì thầm với gió là tác phẩm được viết trong thời gian tác giả nằm trên giường bệnh vì nhiễm Covid-19. Đó thời điểm dịch bệnh mới lan truyền, còn nhiều nỗi hoang mang và bỡ ngỡ cũng như lo sợ về số mệnh của mình. Qua trải nghiệm mấp mé với cái chết, nữ nhà văn đã trút bỏ cõi lòng lên những trang giấy, đồng thời qua đó, một lần nữa lần lại những trăn trở đã theo bà suốt đời, những nghịch lý cá nhân định hình nên con người bà.
Sáng 5/11, buổi giao lưu "Mây Hồng thì thầm với gió" diễn ra tại thư viện Hà Nội đã thu hút nhiều người yêu văn chương tới tham dự. Sự kiện diễn ra dưới sự dẫn dắt của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Hồng Vân, biên tập viên Minh Trang và nhà báo Võ Hồng Thu.
Dòng tự sự trên giường bệnh
Chia sẻ về 2 tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam, trong đó cuốn đầu bà viết trên giường bệnh, khởi nguồn từ những lá thư gửi bố mẹ. Sau trải nghiệm cận kề cái chết, bà viết 120 ngày Mây thì thầm với gió. Càng viết, bà càng thấy còn nhiều nỗi lòng muốn giãi bày trên trang giấy.
Cuốn sách thuật lại một trải nghiệm đau đớn của riêng nhà văn, nhưng là một trải nghiệm mà có thể khiến nhiều độc giả đồng cảm. Dù là một cuốn sách viết trên giường bệnh Covid-19, nhưng căn bệnh chỉ là một lớp áo, để từ đó tác giả bóc tách khía cạnh con người, những ảnh hưởng tâm lý sau trải nghiệm cận kề cái chết.
Chính trong bối cảnh đại dịch, người ta cảm thấy cuộc đời thật mong manh và ngắn ngủi. Một người bạn mà mới đây còn chào Hồng Vân, lát sau đã bị quấn kín người và gắn cho một con số. Trải nghiệm ấy khiến bà chiêm nghiệm nhiều về cuộc sống.
Hồng Vân rời Việt Nam từ khi mới độ 20 và từ đó, luôn trăn trở giữa đi và về, trăn trở về căn tính bản thân. Trên giường bệnh, với những trang viết, bà đối diện với những nghịch lý của đời mình, để rồi lần tìm trong những cô đơn, tuyệt vọng một sự thấu hiểu hơn về con người và xã hội.
Nhà báo Võ Hồng Thu nhận xét rằng những trang viết trong 120 ngày Mây thì thầm với gió khiến bà xúc động và cũng khiến bà suy nghĩ nhiều về những nghịch lý trong cuộc đời một người phụ nữ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng cách tiếp cận của nhà văn Hồng Vân rất nhân văn và tạo ra giá trị lâu dài cho cuốn sách.
Những nghịch lý của đời người
Cách tiếp cận văn chương của tác giả được nhà văn Nguyễn Trương Quý liên hệ đến các tác phẩm của Annie Ernaux, nhà văn người Pháp đoạt giải Nobel Văn chương 2022. Cũng là những "cuộc tự vấn triền miên về danh tính trong thế giới hiện đại, trong những va chạm đời sống", ở tác phẩm của Hồng Vân, đó còn là những va chạm văn hóa Việt - Pháp.
Trong những dòng chiêm nghiệm riêng ấy, Hồng Vân bóc tách những "nghịch lý cá nhân khó giãi bày". Theo biên tập viên Minh Trang, những nghịch lý như viết hay không viết, đi hay về, nghịch lý về căn tính... dù là những điều rất riêng của tác giả nhưng lại dễ gợi sự đồng cảm.
Từ trái sang phải: nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Võ Hồng Thu, nhà văn Hồng Vân, biên tập viên Minh Trang. Ảnh: MH. |
Nỗi băn khoăn đi hay về là một trong những nghịch lý lớn nhất mà Hồng Vân phải đối mặt. Đại dịch Covid-19 dẫn tác giả đến cuộc tìm kiếm danh tính, thân phận của mình. Và khi ấy, nhà văn Hồng Vân đã hướng về Hà Nội, hướng về Việt Nam.
"40 năm xa cách nước nhà sống ở Pháp, nỗi trăn trở ấy không rõ ràng, không hiển hiện hàng ngày. Nhưng qua những giờ khắc sinh tử, những điều 'vô tình' xảy đến khi mình đã đủ trưởng thành, làm mình nhận thức được những lỗ hổng quá khứ, những tổn thương vốn vẫn đấy mà bấy lâu nay mình lơ đi", nữ nhà văn chia sẻ.
Ngoài ra, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét rằng đại dịch đã đặt con người vào vị trí phải đối diện với câu hỏi về sự tồn tại của mình. "Trong câu chuyện cá nhân của Hồng Vân, tôi lật ra được nhiều vấn đề chung. Tác phẩm khơi dậy một ẩn ức", ông Nguyên nói.
Trải nghiệm riêng khơi gợi những chiêm nghiệm chung, tác phẩm của Hồng Vân đã khiến nhiều người đọc xúc động. Nhiều người chia sẻ rằng họ thấy mình trong tác phẩm. Nỗi khắc khoải trong sách được nhận xét là mang tính toàn cầu. Một độc giả tại buổi trò chuyện đã chia sẻ rằng ông nghĩ chính những nghịch lý ấy tạo nên danh tính của con người.
Xã hội hiện đại phát triển ở nhiều mặt, sự đa dạng trong con người, trong xã hội và trong văn hóa đưa con người ta vào cuộc truy tìm bản ngã, lần tìm danh tính. Đây là một chủ đề được khai thác nhiều năm nay và vẫn còn đang được bàn luận nhiều.
Ký ức về Covid đang nhòa dần trong tâm trí của công chúng, nhưng những câu hỏi hiện sinh được đặt ra trong đại dịch có lẽ sẽ theo ta suốt đời. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng 120 ngày Mây thì thầm với gió đã bắt đúng nhịp, khai thác đúng những vấn đề của thời đại, khiến người đọc phải suy nghĩ nhiều về vị trí của con người trong thế giới. Vì lẽ này, ông cho rằng tác phẩm có giá trị lâu dài.