Khi đội ngũ của tôi ở Closed Loop Partners bắt tay vào tìm kiếm các công ty khởi nghiệm để đỡ đầu, chúng tôi cũng bắt đầu nhận thấy rằng cần phải có một vườn ươm đổi mới sáng tạo để giải quyết những thách thức chưa có các giải pháp ở mức có thể đầu tư. Vì thế, chúng tôi quyết định đứng ra đảm nhận vai trò này.
Tôi thành lập chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo mang tên Trung tâm Nền Kinh tế Tuần hoàn (CCE) để triển khai các nghiên cứu về cách giải quyết những vấn đề trên, đồng thời tập hợp các bênt ham gia lại với nhau để cùng chung tay thực hiện những nỗ lực tập thể. Chúng tôi đã tạo được các mối quan hệ hợp tác với nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng và nhà bán lẻ hàng đầu thị trường, như Nestlé và Walmart, cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ lớn, như Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới và một số chuyên gia có uy tín bậc nhất thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo thiết kế, trong đó có hãng thiết kế danh tiếng IDEO.
Một trong những hoạt động chính của chúng tôi là quản lý các cuộc thi thách thức các doanh nhân phát triển những giải pháp cho các vấn đề cụ thể, cung cấp sự hỗ trợ về nguồn vốn và hướng dẫn cách xây dựng doanh nghiệp cho những người thắng cuộc.
Một trọng điểm nữa tập trung vào các hoạt động hợp tác trong giai đoạn tiền cạnh tranh (Chỉ các giai đoạn ban đầu trong quá trình phát triển một sản phẩm thương mại hoặc một công nghệ mới, trong đó các công ty đối thủ cùng hợp tác với nhau để cùng thực hiện các nghiên cứu cần thiết) giữa các thương hiệu lớn có chung những thách thức nhằm cung cấp các giải pháp ở quy mô đáp ứng tiêu chí cần thiết để nhận tài trợ.
Tôi mời Kate Daly, một cựu thành viên khác trong chính quyền của Bloomberg, về quản lý CCE. Một trong những sáng kiến đầu tiên mà cô đưa ra là Hiệp hội NextGen, với các đối tác sáng lập Starbucks và McDonald’s. Hiệp hội này đặt mục tiêu thúc đẩy các giải pháp xây dựng hệ thống cốc bán mang đi, dùng để đựng đồ uống nóng và lạnh), có thể thu hồi, trong đó tập trung nghiên cứu các thiết kế cốc có thể tái chế, phân hủy sinh học và tái sử dụng.
Hiện nay đối với hầu hết loại cốc bán mang đi đều tồn tại hai vấn đề. Thứ nhất, chúng thường bị dính lẫn đồ ăn hoặc đồ uống. Thứ hai, cốc giấy có một lớp lót mỏng bằng nhựa để tránh rò rỉ đồ chứa bên trong, có nghĩa là chúng hầu như không có giá trị gì trên thị trường giấy tái chế.
Kết quả là, trong số ước tính 250 tỷ chiếc cốc giấy được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm, phần lớn đều có chung một kết cục ở bãi rác.
Cả Starbucks và McDonald’s đều đã nghiên cứu trong nhiều năm nhằm tìm ra một giải pháp thay thế hoàn toàn bền vững cho cốc giấy và họ hợp tác với chúng tôi để dẫn dắt một hiệp hội gồm các nhà bán lẻ và các thương hiệu cũng quan tâm đến việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới và IDEO cũng tham gia trên cương vị cố vấn.
Như một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức sống sôi động ở cộng đồng các nhà cách tân tuần hoàn, chúng tôi nhận được 480 mẫu thiết kế cốc dự thi từ khắp nơi trên thế giới, từ các công ty khởi nghiệp cho đến các công ty đã có chỗ đứng trên thị trường. Một hội đồng giám khảo bao gồm 12 vị chuyên gia trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thiết kế bao bì bền vững và đầu tư đã giúp chúng tôi sàng lọc các ứng viên dự thi xuống còn 12 ứng viên tham gia vòng chung kết - các công ty ứng viên này đều đã đưa giải pháp của họ vào kinh doanh thực tế hoặc đã có một số bằng chứng vững chắc về tính khả thi của ý tưởng và chúng tôi cung cấp vốn cho họ cũng như cho họ tiếp cận các dịch vụ trong vườn ươm khởi nghiệp của mình.
Chúng tôi cũng tổ chức một cuộc thi thuyết trình để các công ty ứng viên có cơ hội thuyết trình trước hội đồng giám khảo về ý tưởng của mình. Trong thời gian diễn ra các buổi thuyết trình, giới truyền thông, giới chuyên gia trong ngành và các nhà đầu tư tiềm năng đã có những phản ứng rất nhiệt tình. Bất kỳ giải pháp nào được chọn cũng có thể được ký hợp đồng phục vụ nhiều thương hiệu nhà hàng lớn nhất trên thế giới đang là đối tác trong Hiệp hội NextGen.
Ứng viên đầu tiên lên sân khấu là Ayca Dundar, nhà sáng lập của SoluBlue, nhà cách tân ở Anh với phát minh là chiếc cốc trong suốt màu xanh Caribbean rất đẹp. Chiếc cốc này trông giống nhựa nhưng được làm từ nguyên liệu 100% có nguồn gốc từ thực vật và theo công ty này cho biết, nó vừa có khả năng phân hủy sinh học lại vừa an toàn để các động vật biển tiêu thụ. SoluBlue đặt mục tiêu bán loại cốc này cho các doanh nghiệp và sau đó đảm nhiệm quá trình phân hủy sinh học của chúng với một mức phí bổ sung.
“Quý vị không chỉ trả tiền mua cốc của chúng tôi”, Dundar giải thích. “Quý vị trả tiền để chúng biến mất”. Như trút được gánh nặng sau khi hoàn thành bài thuyết trình của mình, cô nhanh chóng rút lui khỏi sân khấu, nhưng rất nhanh sau đó quay trở lại để trả lời các câu hỏi từ các nhà đầu tư. Abe Minkara, khi đó đang là giám đốc điều hành tại Mark Cuban Companies, hỏi: “Bạn làm thế nào để sản xuất được hàng tỷ chiếc cốc, và vì sao bạn cho rằng các công ty sẽ trả tiền cho bạn để bạn phân hủy chúng?”. Dundar trả lời, SoluBlue được một hãng tư vấn đổi mới sáng tạo khuyên rằng nên bắt đầu từ những bước nhỏ, nhưng công nghệ này có thể mở rộng quy mô rất tốt và hiện các công ty đã chi tiền để đổ bỏ rác thải rồi. Câu trả lời rất tốt.
Người tiếp theo lên sân khấu là Fabian Eckert, nhà đồng sáng lập của RECUP GmbH, một công ty có trụ sở tại Đức cung cấp cốc-như-một-dịch-vụ và cốc của họ được sản xuất từ nhựa tái chế có màu xanh pastel đẹp mắt. Anh chia sẻ, mục tiêu của anh là mở ra “một cuộc cách mạng trong lĩnh vực bán cà phê mang đi”.
“Người thuê cốc” trả thêm khoản phí đặt cọc ban đầu trị giá 1 euro và có thể mang chúng đi theo mình, sau đó trả cốc ở bất kỳ cửa hàng nào tham gia vào mạng lưới của công ty này (có thể dễ dàng xác định các địa điểm trả cốc qua một ứng dụng cài trên điện thoại di động) rồi nhận về khoản tiền đã đặt cọc. Những chiếc cốc được trả về sẽ được đem đi rửa tiệt trùng.
Sau hai năm, hiện nay RECUP GmbH đã hoạt động ở hơn 3.000 cửa hàng trên khắp nước Đức. Không những thế, họ còn đang lên kế hoạch cài chip điện tử vào cốc để có thể dễ dàng theo dõi vị trí của chúng nhằm tối ưu hóa quá trình thu thập cốc.
Tôi cho rằng đây là một ví dụ tuyệt vời khác về những ý tưởng sáng tạo ứng dụng công nghệ cao để thu hồi các sản phẩm cần thu hồi. Nhưng tôi vẫn không khỏi băn khoăn, liệu cách làm này có thực sự phát huy được hiệu quả không nếu mở rộng nó ra bên ngoài phạm vi nhỏ của những người tiêu dùng có nhận thức cao về môi trường và đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường?
Có bao nhiêu người sẵn sàng bỏ ra một khoản tương đương với 1 USD tiền đặt cọc và chịu mất công đi tìm nơi trả cốc? Có vẻ ý tưởng này đang hoạt động tốt ở Đức, thế nhưng ở Mỹ hay Trung Quốc thì sao? Đó là câu hỏi mà Hiệp hội NextGen đang muốn tìm kiếm câu trả lời.
Hầu hết ứng viên tham gia vào vòng chung kết đều theo đuổi những giải pháp đơn giản hơn, họ tạo ra những loại cốc giấy có thể tái chế và có khả năng phân hủy sinh học bằng cách tạo ra các lớp lót thay thế bên trong để không làm mất giá trị của cốc giấy trên thị trường tái chế giấy. Công ty khởi nghiệp Footprint của Mỹ đã phát triển được một chiếc cốc như vậy, có thể chống được cả nước và dầu.