Khi CEO Tim Cook của Apple thức dậy vào mỗi buổi sáng, việc đầu tiên ông làm không khác gì với hàng triệu người trên thế giới. Đó là kiểm tra chiếc iPhone của mình.
Điện thoại luôn được đặt chế độ im lặng ở đầu giường, nhưng chỉ cần với tay, ông đã bắt đầu phân loại hàng trăm email và báo cáo bán hàng xuyên đêm từ khắp các quốc gia.
Đây chỉ là một phần nhỏ trong thói quen buổi sáng của Cook. Bởi sau đó, ông chuyển sang Apple Watch để đo hiệu suất tập luyện của mình, đeo AirPods để nghe nhạc rock cổ điển. Đến văn phòng, ông sử dụng MacBook Air, MacBook Pro, iMac làm việc. Khi di chuyển, chiếc iPad Pro không bao giờ rời tay vị CEO. “Mỗi ngày, tôi sử dụng mọi sản phẩm của Apple”, ông nói.
Nhưng trong một năm trở lại đây, ông đã thử nghiệm 2 sản phẩm rất khác - Vision Pro và Apple Intelligence. Chúng là những sản phẩm chỉ tồn tại nhờ vào những quyết định đầy mạo hiểm của Apple, những quyết định có lẽ là quan trọng nhất mà tập đoàn trị giá hàng nghìn tỷ USD này từng thực hiện.
Không phải đầu tiên, mà phải là tốt nhất
Theo Wall Street Journal, bước đột phá này là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng sáng tạo không ngừng của Apple từ khuôn viên Cupertino, California - nơi đã không ngừng tạo ra các sản phẩm làm thay đổi cách chúng ta sống và làm việc trong suốt nửa thế kỷ qua. Trong đó, sản phẩm nổi bật nhất ắt hẳn là iPhone.
iPhone đã mang về nhiều doanh thu hơn cả ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và chiếm một nửa doanh thu của Táo khuyết. Nửa còn lại đến từ các dòng sản phẩm khác như iMac, MacBook, AirPods, Apple Watch, dịch vụ phát trực tuyến phim, TV, nhạc....
Để làm được được điều đó, tất cả sản phẩm đều tuân theo một triết lý chung của Apple - một phương châm ngắn gọn đủ để mô tả quá khứ, hiện tại và tương lai của công ty: "Không là đầu tiên, nhưng phải là tốt nhất”. "Chìa khóa của chúng tôi là sự tập trung. Nói không với những ý tưởng rất, rất hay để có thể dành chỗ cho những ý tưởng tuyệt vời”, vị CEO bộc bạch.
Vào ngày phóng viên Wall Street Journal phỏng vấn Tim Cook, ông mặc một chiếc áo polo đơn giản, quần jean, và mang kính Nike. Ảnh: Wall Street Journal. |
"Chúng tôi không ngại khi không phải là người đầu tiên. Đôi khi phải mất rất nhiều thời gian để làm cho sản phẩm thực sự tốt. Điều này đòi hỏi nhiều lần thử nghiệm, phải lo lắng về từng chi tiết nhỏ. Chúng tôi muốn ra mắt những sản phẩm thật sự đóng góp tích cực cho cuộc sống, thay vì vội vàng ra mắt chỉ để đạt danh hiệu người đầu tiên”, ông tiếp lời.
Triết lý này cũng lý giải tại sao năm nay Apple mới bước vào lĩnh vực điện toán không gian và AI. "Chúng tôi không phải là người đầu tiên phát triển AI. Nhưng chúng tôi đã thực hiện nó theo cách mà chúng tôi nghĩ là tốt nhất cho khách hàng”, ông thừa nhận.
Cú cược mạo hiểm nhất của Apple - Vision Pro và Apple Intelligence
Cook đã điều hành Apple 13 năm - khoảng thời gian dài hơn tất cả chức vụ trước đây của ông. Nhưng vị CEO vẫn cảm thấy hồi hộp trước những sự kiện lớn. Đơn cử như ngày công bố Apple Intelligence tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) vào tháng 6/2023.
Đây được xem là một trong những ngày quan trọng nhất của gã khổng lồ công nghệ kể từ khi ra mắt iPhone. Tại đây, Cook đã giới thiệu một trong những sản phẩm tham vọng nhất của Apple: Apple Vision Pro. Không chỉ là một thiết bị thực tế ảo, Vision Pro mở ra một thế giới mới về điện toán không gian, một cuộc cách mạng về cách con người trải nghiệm và tương tác với thế giới kỹ thuật số.
Mặc dù không có phong cách thuyết trình đi vào lòng người như cố CEO Steve Jobs, Cook vẫn là ngôi sao tại sự kiện này. Sau màn chào đón khán giả ở sự kiện WWDC 2024, ông ngồi vào hàng ghế đầu và nhường sân khấu cho các giám đốc điều hành khác của Apple để trình diễn một sản phẩm khác không kém phần quan trọng: Apple Intelligence.
Theo Cook, Apple Intelligence sẽ thay đổi cuộc sống của mọi người, như nó đã thay đổi cuộc sống của ông. Với tính năng tóm tắt thông báo, chỉnh sửa email, và thậm chí là tạo biểu tượng cảm xúc tùy chỉnh, Apple Intelligence không chỉ là AI, mà là AI theo cách của Apple - thân thiện và dễ tiếp cận. Cook gọi đây là "AI cho phần còn lại của thế giới”.
Bìa bài báo "Thiên tài sau bóng Steve Jobs" của Forbes năm 2008. Ảnh: Forbes. |
Trước đây, ông thường đọc những email dài, nhưng giờ đây, ông chỉ cần dựa vào các bản tóm tắt của Apple Intelligence. “Nếu tôi có thể tiết kiệm thời gian trong việc này, việc kia, nó sẽ tích lũy thành thay đổi lớn trong suốt nhiều ngày, nhiều tuần, hay nhiều tháng”, CEO chia sẻ với Wall Street Journal.
Dù nhiều người nghi vấn liệu Apple Intelligence có thực sự tạo ra sự khác biệt lớn hay không, Cook tin tưởng rằng nó sẽ "thay đổi một cách sâu sắc". Ông so sánh nó với những đột phá quan trọng trong lịch sử công ty, như click wheel của iPod hay giao diện cảm ứng của iPhone.
"Chúng ta sẽ nhìn lại và thấy rằng nó là một trong những bước nhảy vọt giúp con người tiến vào một kỷ nguyên công nghệ mới”, CEO Apple nói.
Theo Wall Street Journal, chỉ một ngày sau khi Táo khuyết chính thức giới thiệu Apple Intelligence, giá trị của công ty tăng thêm hơn 200 tỷ USD, đánh dấu mức tăng lớn nhất một ngày trong lịch sử tập đoàn.
Tim Cook có vượt qua cái bóng Steve Jobs để lại?
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy Apple đặc biệt ở chỗ hãng có nhiều sản phẩm từng bị coi là thất bại khi mới ra mắt, nhưng giờ đây chúng đã trở thành biểu tượng của công nghệ. iPhone từng bị chỉ trích vì không có bàn phím vật lý, iPod bị cho là quá đắt đỏ và AirPods thì bị chê cười vì thiết kế kỳ quặc.
Nhưng tập đoàn có trụ sở ở Cupertino luôn biết cách làm cho những sản phẩm này trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. "Không phải là mọi người sai và chúng tôi đúng. Chúng tôi có niềm tin rằng nếu chúng tôi đủ yêu thích sản phẩm này thì sẽ có đủ người khác cũng yêu thích nó”, CEO tập đoàn nói.
Với Cook, ông luôn hướng tới việc tạo ra những sản phẩm không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn thực sự cải thiện cuộc sống của mọi người. Triết lý này đã định hình Cook từ những ngày ông còn là một đứa trẻ ở một thị trấn nhỏ tại Robertsdale, Alabama, nơi cha mẹ ông không có cơ hội học đại học.
CEO Apple luôn tin rằng giáo dục và sự tò mò là chìa khóa để đi lên trong cuộc sống. Cook nói: "Tôi đã đi từ việc nghĩ rằng hỏi nhiều là dấu hiệu của ngu dốt, đến việc tin rằng càng hỏi nhiều, bạn càng trở nên thông minh hơn”.
Lời khuyên cuối cùng cố CEO dành cho Cook là đừng hỏi tôi sẽ làm gì, mà hãy làm điều anh nghĩ là đúng đắn. Một ngày sau, Steve Jobs qua đời. Ảnh: Full Focus. |
Cook từng có thể chọn một con đường sự nghiệp ổn định tại IBM hoặc Compaq. Nhưng chỉ sau vài phút gặp Jobs, Cook đã biết rằng Apple là nơi ông thuộc về, dù thời điểm đó công ty đang trên bờ vực phá sản.
Quyết định gia nhập Apple vào năm 1998 của ông hóa ra là một trong những quyết định quan trọng nhất không chỉ đối với sự nghiệp của ông mà còn đối với toàn bộ ngành công nghệ. Dưới sự lãnh đạo của ông, Apple đã không chỉ sống sót mà còn trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới, với những sản phẩm mang tính biểu tượng như iPhone, iPad và MacBook.
Giờ đây, Cook không chỉ là người điều hành công ty giá trị nhất thế giới, mà còn là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, sự giản dị và khiêm tốn của ông vẫn không thay đổi.
Vào ngày phóng viên Wall Street Journal phỏng vấn Tim Cook, ông mặc một chiếc áo polo đơn giản, quần jean, và mang kính Nike - một hình ảnh hoàn toàn khác xa với hình dung về người có thể có thể thay đổi nền kinh tế toàn cầu chỉ với một lời nói.
Cook cũng rất kín tiếng về cuộc sống cá nhân. Mặc dù là CEO công khai đồng tính đầu tiên của một tập đoàn lớn, ông luôn giữ sự chú ý của công chúng tập trung vào sản phẩm của Apple hơn là bản thân mình. Cook thích dành thời gian rảnh để leo núi tại các công viên quốc gia và theo dõi các trận đấu bóng rổ của Duke và bóng đá của Auburn.
Nhiều người từng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với Apple khi Jobs không còn và liệu Cook có đủ khả năng để dẫn dắt công ty. Nhưng sau hơn một thập kỷ, Tim Cook đã chứng minh rằng ông không chỉ duy trì những gì Jobs để lại, mà còn đưa Apple lên những tầm cao mới, với giá trị thị trường đạt đỉnh và đổi mới không ngừng.
Phỏng vấn với Wall Street Journal, Cook nhắc lại một trong những lời khuyên cuối cùng Steve Jobs dành cho mình - đừng hỏi tôi sẽ làm gì, mà hãy làm điều anh nghĩ là đúng đắn.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn