Tim Cahill bùng nổ vào năm 2006, ghi dấu ấn năm 2010 và sáng chói năm 2014. Sau một hành trình dài, lão tướng 38 tuổi vẫn chưa dừng lại. Anh đã sẵn sàng cho World Cup 2018.
World Cup 2006 là lần đầu tiên Australia trở lại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sau 32 năm. Và vào một buổi sáng thứ hai, những chuyến tàu đến Kaiserslautern chật ních các CĐV đến từ xứ sở chuột túi. Chiều hôm đó, đội tuyển của họ sẽ chơi trận mở màn gặp Nhật.
Thật không may, Socceroos bị dẫn trước phút 26 và kể từ đó, trông giống như sẽ kết thúc trận đấu bằng một thất bại. Những khuôn mặt của đám đông người hâm mộ Australia đỏ gay vì bia dần chuyển sang tái. Tuy nhiên, họ vẫn hát say sưa với niềm tin vào một điều kỳ diệu.
Và nó đã đến vào phút 53, khi HLV Guus Hiddink nhìn vào băng ghế dự bị, ngoắc tay yêu cầu Tim Cahill bước ra. Sau đó 31 phút, tức chỉ 6 phút nữa trận đấu sẽ kết thúc, trong một tình huống lộn xộn trước khung thành Yoshikatsu Kawaguchi, Cahill nhanh chân đưa bóng vào lưới.
Người Nhật chết lặng. Còn Australia hồi sinh. Họ gào thét, với những cánh tay vung lên theo Cahill, người ăn mừng bằng cách chạy về phía cột cờ góc và mô tả các động tác boxing. Thật ngạc nhiên, một cầu thủ lần đầu bước ra sân khấu lớn và ghi bàn thắng quan trọng vào giây phút ấy vẫn có thể kiểm soát bản thân và thực hiện màn ăn mừng quen thuộc.
Anh ta còn hóa thân thành tay đấm quyền Anh một lần nữa. 5 phút sau, có bóng trước vòng cấm, Cahill bất ngờ co chân và tung cú sút tuyệt đẹp, lượn qua tay thủ thành Kawaguchi rồi nằm gọn trong lưới.
Khi có bàn gỡ hòa, những người Australia cảm giác hôm nay sẽ là ngày may mắn. Nhưng họ không thể tưởng tượng số phận lại ưu đãi nhiều đến vậy. Sân Fritz Walter như nổ tung. Đó là phút 89 và Socceroos đã rất gần tới chiến thắng đầu tay ở đấu trường World Cup. Họ nhảy nhót nhiều đến nỗi, đến thời điểm John Aloisi ấn định tỷ số 3-1 thì đã không còn hơi sức đâu mà lặp lại.
Trước khi hai đội gặp nhau, ngôi sao Nhật Keisuke Honda nói rằng Cahill là “mẫu cầu thủ có thể làm mọi thứ, và sẽ ghi bàn khi đội bóng cần đến nó”. Hiển nhiên là các đồng đội của anh không nhận thức đầy đủ về lời cảnh báo này, coi nó như gió thoảng qua tai.
Rốt cuộc các Samurai xanh đã phải trả giá. Họ không thể hồi phục sau thất bại và về nước ngay sau vòng bảng.
Cahill sinh năm 1979, tức 5 năm sau lần đầu tiên dự World Cup của Australia (1974). Gia đình anh, tương tự như phần lớn người dân khác ở xứ sở chuột túi, đều thích bóng bầu dục.
Nhưng Cahill khác họ, chỉ quan tâm tới bóng đá. Nó bắt nguồn từ một lần anh vô tình thức dậy vào nửa đêm và phát hiện ra ánh sáng nhấp nháy ngoài phòng khách. Nó được phát ra từ chiếc TV trước mặt ông bố người gốc Ireland và cũng quan tâm tới môn thể thao vua.
Kể từ đó, Cahill có thể làm điều mà những người Australia khác không thể, đó là dậy sau lúc 0h để xem các trận bóng đá Anh cách đó 15.000 km.
Cũng may cho Cahill, mẹ anh, một người gốc Samoa, không muốn con trai mình chơi bóng bầu dục. Theo bà nó quá bạo lực. Bóng đá có vẻ an toàn hơn. Anh được tự do chơi bóng, tập luyện cùng Sydney Olympic rồi Sydney United. Đến năm 17 tuổi, bố mẹ anh quyết định rằng cậu con trai phải tới Anh, nơi có thể giúp hoàn thành giấc mơ bóng đá.
Vì vậy, để có kinh phí cho việc này, họ chấp nhận vay ngân hàng và làm việc thêm giờ để trả nợ. Đồng thời, anh trai của Cahill cũng phải nghỉ học để ra đời kiếm sống, giúp cải thiện bữa tối.
Cahill sau này nói rằng không một ngày nào anh không nghĩ tới sự hy sinh của gia đình và gọi đó là “vết sẹo đẹp”. Ngay khi vượt qua các cuộc thử nghiệm và ký hợp đồng chuyên nghiệp với Millwall, sau đó nhận tháng lương đầu 5.000 bảng, anh lập tức phi ra ngân hàng để chuyển tất cả chúng về Australia. Nhìn vào sự khắc khổ của Cahill thời gian đó, anh trông giống như đi xuất khẩu lao động hơn là một cầu thủ.
Những nỗ lực không mệt mỏi của đại gia đình Cahill được đền đáp. Chàng trai có nước da bánh mật sáng chói ở Millwall trước khi chuyển tới Everton, đội bóng anh hâm mộ từ tấm bé, và trở thành huyền thoại của CLB, cũng như ngôi sao của Premier League.
Khi đã trưởng thành, Cahill đứng trước nhiều lựa chọn. Anh có thể khoác áo tuyển Ireland, quê hương của bố hoặc Samoa theo gốc mẹ. Tuy nhiên, Cahill đã đi theo tiếng gọi của Socceroos, nơi gia đình gắn bó và có thể xem anh chơi mỗi khi đội tuyển đá sân nhà.
Cahill không bao giờ phải hối tiếc vì quyết định này. Tình yêu với bóng đá của người dân Australia phát triển mạnh cùng sự thăng tiến của ĐTQG. Anh cùng đồng đội vào đến vòng 1/8 World Cup 2006 và chỉ chịu dừng bước trước Italia, đội sau này đăng quang ngôi vô địch.
Họ tiếp tục tham dự World Cup 2010 và tương tự 4 năm trước đó, cũng kiếm được 4 điểm sau 3 trận. Tiếc rằng mọi việc không thuận lợi như trước. Ghana mới là đội đi tiếp vì hơn hiệu số bàn thắng bại.
Riêng Cahill vẫn là nhân vật chính. Trong vai trò tiền đạo lùi, anh là người mở tỷ số trong chiến thắng 2-1 trước Serbia. Đó là pha băng vào đánh đầu dũng mãnh, xứng đáng đưa vào sách giáo khoa bóng đá bởi tính mẫu mực của nó. Lưu ý rằng đối thủ bị Cahill qua mặt là Nemanja Vidic, trung vệ trứ danh của MU và có thể hình vượt trội so với anh.
Rồi tiếp theo đó lại là hình ảnh quen thuộc: Cahill giơ tay ra hiệu các đồng đội chờ anh ít phút, để chạy về cột cờ góc và tung ra liên hoàn đấm. Chiếc cột cờ khốn khổ lại rung lên bần bật, hòa vào vũ điệu ăn mừng của cả vạn người áo vàng trên các khán đài.
Giờ thì hình ảnh ấy đã trở thành đặc sản của Australia ở World Cup. Ngoài cái chết, không có gì chắc chắn hơn việc Cahill sẽ ghi bàn và hành hạ cột cờ ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Tại World Cup 2014, Socceroos đen đủi rơi vào bảng tử thần cùng Hà Lan, Tây Ban Nha và Chile để rồi phải ra về sớm mà không có nổi một điểm bất kỳ. Nhưng trước khi rời Brazil, Cahill vẫn kịp để lại dấu ấn bằng 2 pha lập công.
Trong đó, cú volley chân trái sau đường chuyền dài 28 m của McGowan là một tuyệt phẩm. Thay vì khống chế bóng, Cahill đã có quyết định táo bạo khi dứt điểm ngay, khiến trái bóng vẽ thành hình cầu vồng, lượn qua đầu thủ thành Hà Lan Jasper Cillessen đi vào lưới.
World Cup 2018, những người hâm mộ Australia sẽ lại có mặt trên đất Nga, uống bia và ăn những xiên thịt nướng Shashlik nổi tiếng của đất nước bạch dương, sau đó yên tâm sẽ lại được thưởng thức những bàn thắng tuyệt vời từ Cahill.
Sự bền bỉ của anh thật đáng kinh ngạc. Ở tuổi 38, Cahill vẫn là mũi nhọn tấn công của Socceroos. Trong chiến dịch vòng loại khu vực châu Á, anh đã ghi 11 bàn thắng, chỉ kém Mohammad Al-Sahlawi của Saudi Arabia và Ahmed Khalil của UAE (16).
Ở trận quyết định với Syria để giành suất chơi trận play-off với Honduras, ông già Cahill tiếp tục đóng vai người hùng với bàn thắng cân bằng tỷ số 1-1, sau đó lại ra đòn kết liễu đối phương trong hiệp phụ.
Bí quyết để Cahill giữ mãi tuổi thanh xuân không gì khác là sự chuyên nghiệp. Sau khi rời Everton năm 2012, anh tới New York Red Bulls không phải để dưỡng già, mà vẫn ghi 16 bàn trong 2 năm rưỡi. Anh cũng sẵn sàng từ bỏ Trung Quốc bất chấp mức lương cao chót vót vì China Super League là “giải đấu điên rồ” và “phải chơi bóng với những đứa trẻ thậm chí không biết cách ghi bàn”.
Đầu năm nay, nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng cho World Cup 2018, Cahill gọi điện cho HLV Neil Harris của Millwall và đề nghị được trở lại khoác áo đội bóng anh đã khởi nghiệp. Môi trường bóng đá ở Australia quá thiếu sự cạnh tranh trong khi lại quá nhiều sự thoải mái, khiến anh dễ dàng có 13 bàn mùa 2016/17.
“Tôi muốn tập luyện và chơi với cường độ cao. Tôi muốn tới World Cup trong tư thế sẵn sàng, và trạng thái sung mãn”, Cahill nói trong ngày ra mắt Millwall.
Trên đất Nga vào mùa hè, như những lần trước, có lẽ lão tướng không chịu già Cahill sẽ lại ghi bàn một lần nữa, đấm tung cột cờ góc một lần nữa, và khiến người dân xứ chuột túi phát cuồng một lần nữa.