Con mèo của Cristina Criddle trên TikTok. Ảnh: BBC. |
Hai ngày trước lễ Giáng sinh năm ngoái, TikTok đã gọi cho nhà báo Cristina Criddle ở London.
Họ nói rằng hai nhân viên ở Trung Quốc và hai nhân viên ở Mỹ của họ đã xem dữ liệu người dùng từ tài khoản cá nhân của Criddle mà cô không hề hay biết hay đồng ý.
“Điều đó thực sự ớn lạnh, kinh khủng và theo cá nhân tôi, khá vi phạm”, Criddle nói.
"(Vào thời điểm đó), tôi đang ở nhà cùng em gái và các em họ tuổi vị thành niên. Tất cả chúng đều sử dụng TikTok mọi lúc. Chúng kiểu như: 'Whoa, chúng ta có nên lo lắng không?'", cô kể lại.
Điều xảy ra với Criddle - một phóng viên công nghệ của Financial Times - là điều mà TikTok và công ty mẹ ByteDance, từng liên tục phủ nhận có thể xảy ra, theo BBC.
“Mối đe dọa thực sự”
TikTok xác nhận các thành viên của bộ phận kiểm toán nội bộ đã theo dõi vị trí địa chỉ IP của Criddle. Sau đó, họ so sánh nó với dữ liệu IP của một số nhân viên của họ, để xác định xem ai đang bí mật gặp gỡ giới báo chí.
Việc xem xét địa chỉ IP của các nhà báo đang sử dụng ứng dụng TikTok nhằm tìm hiểu xem họ có ở cùng địa điểm với những nhân viên bị nghi ngờ làm rò rỉ thông tin bí mật hay không.
TikTok đã "lạm dụng quyền hạn của mình" để làm điều này và hành động trái phép, BBC nhận định.
Criddle không biết mình bị theo dõi trong bao lâu hay với tần suất như thế nào, nhưng cô biết điều đó đã xảy ra vào mùa hè năm ngoái.
"Nếu vị trí của tôi bị theo dõi 24/7, thì nó không chỉ giới hạn ở các hành động của tôi tại nơi làm việc - điều vốn đã không đúng - mà nó còn xảy ra trong cuộc sống cá nhân của tôi nữa", cô nói.
“Đó là khi tôi đi chơi với bạn bè, khi tôi đi nghỉ, mọi thứ đều ở trong đó”, cô cho hay.
Vụ việc làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề bảo mật khi TikTok đang phải đối mặt với hàng loạt lệnh cấm và cuộc điều tra. Ảnh: Reuters. |
Theo Criddle, "mối đe dọa và điều ớn lạnh thực sự là tôi chỉ đang cố gắng làm công việc của mình".
Tài khoản TikTok của Criddle nằm trên điện thoại di động cá nhân và dưới tên con mèo của cô, Buffy. Tên riêng và nghề nghiệp của cô không được đề cập trong tiểu sử.
Cô có khoảng 170 người theo dõi với hơn 3 năm tải lên khoảng 20 video về Buffy. Lượt xem trung bình là vài trăm.
Giống hầu hết mạng truyền thông xã hội, TikTok thu thập khá nhiều thông tin về chủ tài khoản của nó, bao gồm: Dữ liệu vị trí, “likes” (thể hiện sự yêu thích), thiết bị đang được sử dụng, hoạt động trực tuyến bên ngoài nền tảng.
TikTok từng tuyên bố dữ liệu của người dùng phương Tây không bao giờ được truy cập hoặc lưu trữ bên trong Trung Quốc.
Nhân viên chịu trách nhiệm về vụ vi phạm dữ liệu của Criddle và một số nhà báo phương Tây khác, vào năm ngoái, đã bị sa thải vì hành vi sai trái.
Chủ sở hữu TikTok, Bytedance cho biết họ "rất tiếc" về những gì "vi phạm nghiêm trọng" quy tắc ứng xử của mình. Bytedance "cam kết đảm bảo điều này sẽ không bao giờ xảy ra".
"Bị theo dõi"
Mùa hè năm ngoái, Criddle từng có cuộc nói chuyện cùng nhân viên TikTok không hài lòng với các hoạt động của công ty.
TikTok cho biết họ truy cập dữ liệu của nhà báo như một phần trong nỗ lực điều tra vụ rò rỉ thông tin của công ty nhưng không thành công. Vụ việc không xác định được nguồn tin của Criddle.
TikTok đã theo dõi nhà báo ở Anh qua tài khoản dưới tên con mèo của cô. Ảnh: Twitter/ Cristina Criddle. |
Tuy nhiên, Criddle nói rằng nó có thể đã vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung nghiêm ngặt của EU - quy định người dùng phải chủ động đồng ý với cách dữ liệu của họ được sử dụng.
Các công ty không tuân thủ quy định có thể phải đối mặt với những hình phạt lớn.
Hiện tại, Criddle vẫn mở tài khoản của mình vì cô vẫn cần truy cập TikTok để làm việc. Nhưng ứng dụng này hiện được cài trên một chiếc điện thoại khác được cất giữ tại nơi làm việc của cô.
Cô cũng hạn chế việc sử dụng mạng xã hội của mình và Buffy trên các nền tảng khác sau những gì đã xảy ra.
"Tôi thực sự phải suy nghĩ về sự an toàn của mình - chủ yếu là sự an toàn kỹ thuật số", cô nói.
"Bây giờ tôi cực kỳ cẩn thận. Tôi phải đảm bảo rằng các thiết bị của mình không có khả năng bị theo dõi. Tôi phải đảm bảo các bên cung cấp tin cho tôi cũng nhận thức được thách thức có thể xảy ra đối với sự an toàn của họ", Criddle nhấn mạnh.
Chuyên gia an ninh mạng, giáo sư Alan Woodward từ Đại học Surrey, cho biết mức độ theo dõi này "không thể mô tả là tình cờ hay thậm chí là ngẫu nhiên".
"Ai đó đã phải đào sâu để tìm ra rằng tài khoản về con mèo trên thực tế là của Cristina", ông nói.
TikTok đang đấu tranh để tồn tại ở Mỹ và quyền truy cập vào ứng dụng này đã bị hạn chế trên các thiết bị ở một số quốc gia khác.
Trong những tháng gần đây, các nhà lập pháp ở Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng cường nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào TikTok - ứng dụng phổ biến thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, viện dẫn các mối đe dọa bảo mật.
Tính đến đầu tháng 4, 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã ban lệnh cấm Tiktok trên thiết bị của nhân viên - gồm Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC).
3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này.
Theo Politico, mối lo ngại với TikTok lan rộng ở châu Âu khi các vấn đề an toàn của trẻ em chưa được đảm bảo, đồng thời có cáo buộc cho rằng ứng dụng này đã theo dõi các nhà báo dựa trên IP.
Dù vậy, TikTok vẫn rất phổ biến, với hơn 3,5 tỷ lượt tải xuống trên toàn thế giới.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.