Hải quân Mỹ: Ngày 16/12/2019, Lầu Năm Góc đã phát cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng TikTok. Lầu Năm Góc yêu cầu các cơ quan có chỉ đạo phù hợp để bảo vệ thông tin cá nhân các binh lính. Ngay trong tuần đó, lực lượng Hải quân Mỹ đã phát lệnh cấm binh sĩ cài TikTok lên thiết bị do chính phủ cấp. Nói với The Guardian, phát ngôn viên Hải quân cho biết binh sĩ vẫn được phép cài đặt ứng dụng mạng xã hội, nhưng một số ứng dụng được xem là rủi ro an ninh sẽ bị cấm. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Quân đội Mỹ. Nói với Military.com tháng 12/2019, phát ngôn viên Quân đội Mỹ khẳng định TikTok bị cấm sử dụng trên thiết bị do chính phủ cấp, xem đây là mối đe dọa an ninh mạng, khuyến cáo quân nhân cẩn thận nếu sử dụng trên thiết bị cá nhân. Trước khi bị cấm, TikTok đã được lực lượng này sử dụng để tuyển quân nhân. Ảnh: Quân đội Mỹ. |
Không quân và Cảnh sát biển Mỹ cũng phát lệnh cấm TikTok từ ngày 3/1. Chia sẻ với WSJ, phát ngôn Không quân Mỹ nói rằng đe dọa từ mạng xã hội không phải vấn đề của riêng TikTok, nhưng nguy hiểm trên TikTok thì cao hơn. Phát ngôn Cảnh sát biển cũng khẳng định TikTok không được sử dụng trên bất kỳ thiết bị chính thức của lực lượng này. Ảnh: Không quân Mỹ, Business Insider. |
Thủy quân lục chiến Mỹ cũng phát lệnh cấm TikTok hồi tháng Giêng. "Quyết định này phù hợp với kế hoạch chủ động giải quyết những đe dọa hiện hữu, đang nổi lên nhằm bảo vệ hệ thống mạng của chúng tôi", phát ngôn viên lực lượng chia sẻ với New York Times. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho thiết bị do chính phủ cấp. Bất kỳ cá nhân vi phạm sẽ bị ngắt quyền sử dụng và truy cập mạng máy tính nội bộ của Hải quân cùng Thủy quân lục chiến. Ảnh: Reuters. |
Bộ Quốc phòng Australia hồi tháng Giêng cũng xác nhận ứng dụng TikTok sẽ không được phép xuất hiện trên các thiết bị của binh lính tại quốc gia này. Chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison đã thông qua gói ngân sách 270 tỷ dollar Australia cho quốc phòng, trong đó có 1,5 tỷ dành cho an ninh mạng. Ngày 6/7, Herald Sun đưa tin ứng dụng này có thể được đưa ra trước Quốc hội Australia để bàn về mối lo ngại gián điệp, với khả năng bị cấm hoàn toàn tại xứ sở chuột túi. Ảnh: Yahoo Finance. |
Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS). Trong bức thư ngày 22/2 gửi cho David Pekoske, Quản trị Cục An ninh Giao thông Mỹ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer tiết lộ DHS đã cấm việc sử dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ cấp. Ảnh: AP. |
Cục An ninh Giao thông Mỹ (TSA). Sau khi nhận thư của DHS, TSA đã tuyên bố cấm TikTok. "Một số nhân viên TSA từng sử dụng TikTok trên thiết bị cá nhân để tạo video rồi sử dụng trên mạng riêng của TSA, nhưng hành động đó đã chấm dứt", theo AP. Ảnh: Business Insider. |
Ấn Độ. Ngày 29/6, chính phủ Ấn Độ đưa ra danh sách 59 ứng dụng Trung Quốc bị cấm tại đất nước này, trong đó có TikTok để bảo đảm quyền riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, một số nhận định cho rằng lệnh cấm này mang yếu tố chính trị sau vụ đụng độ chết người giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới 2 nước hồi giữa tháng 6. Cuộc đụng độ đã tạo ra làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc trên khắp Ấn Độ. Ảnh: Getty Images. |
Amazon. Vào ngày 10/7, nhân viên Amazon bất ngờ được yêu cầu xóa TikTok ngay lập tức trên các thiết bị có đăng nhập email Amazon để tránh rủi ro bảo mật. Thế nhưng vài giờ sau, Amazon đã xóa thông báo ấy với lý do "gửi nhầm". Ảnh: Reuters. |
Walls Fargo. Công ty cung cấp dịch vụ tài chính lớn của Mỹ đã thực sự cấm nhân viên sử dụng TikTok. "Do lo ngại về các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư, bảo mật của TikTok và vì thiết bị của công ty chỉ dùng cho công việc, chúng tôi đã yêu cầu nhân viên gỡ ứng dụng khỏi điện thoại", phát ngôn viên Walls Fargo nói. Ảnh: Reuters. |
Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và Bảo thủ (RNC) của Mỹ ngày 11/7 cũng khuyên các nhân viên không sử dụng TikTok vì an ninh. Trong email của DCN ghi rằng: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi nhân viên tham gia chiến dịch bầu cử không sử dụng TikTok trên thiết bị cá nhân. Nếu sử dụng TikTok cho chiến dịch kêu gọi, chúng tôi khuyên sử dụng điện thoại và tài khoản riêng biệt". Ảnh: Reuters. |
Theo Korea Times, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) vào đầu tháng 1/2020 tuyên bố mở cuộc điều tra TikTok sau khi Song Hee-kyeoung, đại diện đảng Tự do Hàn Quốc cảnh báo về quy trình thu thập dữ liệu của ứng dụng Trung Quốc hồi tháng 10/2019. Ảnh: SCMP. |
Ngày 7/7, TikTok cho biết sẽ chấm dứt hoạt động tại Hong Kong sau khi Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia gây tranh cãi tại đây. Một nguồn tin của Reuters cho biết Hong Kong là một thị trường nhỏ và hoạt động kém hiệu quả khi chỉ có khoảng 150.000 người dùng tại Hong Kong. Ảnh: Techinasia. |
Thời gian qua, TikTok là chủ đề nóng với các quan chức và doanh nghiệp Mỹ. Một trong những mạng xã hội video phổ biến nhất hiện nay đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền ông Trump. Sau Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6/7 cho biết Mỹ đang xem xét cấm một số ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia. Ảnh: Getty Images. |
TikTok luôn phủ nhận cáo buộc cho rằng ứng dụng này đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. "Như những lần trước, xin nhắc lại chúng tôi chưa từng chia sẻ dữ liệu người dùng của TikTok cho chính phủ Trung Quốc, và sẽ từ chối nếu được yêu cầu", phát ngôn viên TikTok khẳng định. Hồi giữa tháng 5, ByteDance, công ty mẹ của TikTok đã chiêu mộ Kevin Mayer, cựu giám đốc Disney làm CEO TikTok để lấy lòng các quan chức Mỹ. Ảnh: Digiday. |