Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiểu thuyết mới của Bình Ca không có đánh lộn và yêu đương

Tuy vẫn xoay quanh một thế hệ lớn lên trong thời chiến như "Quân khu Nam Đồng", tác phẩm "Đi trốn" lại kể câu chuyện khác ở bối cảnh hoàn toàn khác.

Không phải nhà văn chuyên nghiệp, nhưng tác giả Bình Ca lại được nhiều độc giả yêu mến, từ cuốn sách đầu tay Quân khu Nam Đồng đến cuốn tiểu thuyết gần đây.

Nhân dịp cuốn sách Đi trốn của tác giả Bình Ca vừa được phát hành, Zing trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ của ông về tác phẩm này.

Cuốn tiểu thuyết ra đời trong thời dịch bệnh

- Sau 5 năm, người đọc mới gặp lại Bình Ca trong cuốn sách mới mang tên "Đi trốn". Được biết ông viết cuốn sách này trong thời kỳ cách ly vì dịch Covid-19. Ông có thể chia sẻ thêm hoàn cảnh viết tác phẩm này không?

- Sau khi Quân khu Nam Đồng xuất hiện, nhiều bạn bè xin sách của tôi. Nhiều người vẫn quan niệm sách phải được tác giả tặng mới sang, phải bỏ tiền ra mua mà đọc là xoàng.

Đành là một quyển chẳng đáng bao nhiêu, nhưng người xin tôi có đến cả nghìn. Nhiều người được tặng rồi còn xin thêm cho bà cô ở quê, con em bên Mỹ và bố đứa bạn thân. Có người xin cho thư viện, xin cho các trường học. Có người xin để bán làm từ thiện. Mỗi đợt họp lớp, họp khu tập thể, hội khoá, liên hoan cơ quan... thì mất cả trăm cuốn.

Có một sự thật mà nói chẳng ai tin, hai tháng sau khi sách ra mắt, tôi đã phải cắm sổ đỏ. Vậy mà có đứa bạn thân, cũng là KOL nổi tiếng, họ Bùi (không tiện nói tên), loan tin trên mạng xã hội là sách của tôi tái bản 28 lần, nộp vợ 9,5 tỷ, chưa kể giấu được hơn một tỷ làm quỹ đen.

Điều duy nhất tôi tự an ủi tôi, theo kiểu tự huyễn hoặc bản thân, là chắc mình viết cũng không đến nỗi nào nên mới nhiều người xin như thế.

Để có trách nhiệm với gia đình, tôi đã quyết định sau Quân khu Nam Đồng sẽ đoạn tuyệt với văn chương. Mà có viết thì cũng bị nhắc nhở, kiểu "không biết cuốn sổ đỏ nhà mình dạo này cất ở đâu ấy nhỉ?".

Năm nay, Covid-19 xuất hiện, học sinh phải nghỉ. Vợ tôi vào TP.HCM trông cháu. Ở nhà một mình chẳng biết làm gì, lại không có ai ngăn cản, tôi lấy máy tính gõ linh tinh. Thế là Đi trốn ra đời.

Sach Di tron cua Binh Ca anh 1

Cuốn tiểu thuyết Đi trốn mới được phát hành. Ảnh: Nhã Nam.

- Một tác phẩm viết về thiên nhiên hùng vĩ được hoàn thiện khi phải ở trong nhà. Có ẩn ý nào đằng sau chủ đề của câu chuyện không?

- Tôi nghĩ nhà văn như con gà mái, chỉ biết đẻ trứng, còn nhà báo là người vẽ nên những thông điệp cho ổ trứng ấy. Vì vậy, bạn có thể cho rằng ẩn ý của tác giả là dịch bệnh Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế đất nước, hủy hoại ngành du lịch, ngăn cản con người khám phá thiên nhiên hùng vĩ...

Hoặc thời sự hơn, bạn có thể liên tưởng nạn phá rừng, gây lụt lội trong mùa bão lũ. Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để bảo vệ rừng... Hoặc tìm ra những ẩn ý khác.

Thực tế, tôi chỉ viết một câu chuyện về những đứa trẻ đi trốn chiến tranh, và chúng được đưa về nơi an toàn nhất. Đó là vùng nông thôn và rừng núi. Không trốn ở đó thì biết đi trốn ở đâu?

- Bìa sách ghi "Đi trốn" là tiểu thuyết, nhưng có bao nhiêu phần trăm đời thực, được lấy từ trải nghiệm của chính ông hoặc ông được biết?

- Chắc chắn Đi trốn là cuốn sách thuộc thể loại hư cấu rồi. Tôi viết về một thế hệ lớn hơn tôi, những người sinh ra trong kháng chiến chống Pháp.

Nhân vật trong truyện là trẻ em nông thôn, học sinh miền Nam, con em những cán bộ cao cấp... Những người này, tôi không có chung ký ức. Vì vậy, ngay từ đầu, tôi đã nói "tất cả nhân vật chính trong truyện đều do tác giả tưởng tượng ra".

Tôi không lý giải được có những điều bịa ra hoàn toàn thì mọi người lại nhận xét: "Rất thật, không thể thật hơn được nữa". Còn khi tôi nói thật 100%, thiên hạ lại bảo tôi bịa đặt.

"Tôi chỉ kể lại một cách trung thực về thời đã qua"

- Cuốn sách này tiếp tục là câu chuyện về tuổi trẻ. Ông có sợ lặp lại mình trong "Quân khu Nam Đồng"?

- Tôi rất ngại cái tiếng ăn mày, dù là ăn mày dĩ vãng. Sau khi Quân khu Nam Đồng được xuất bản, nhiều người bảo tôi viết tiếp tập hai nhưng tôi khước từ, dù tôi có thể cho ra hai tập nữa vẫn chưa hết truyện, vì đó là nơi tôi sống, nơi lưu giữ ký ức và hoài niệm.

Tôi chỉ viết một câu chuyện về những đứa trẻ đi trốn chiến tranh và chúng được đưa về nơi an toàn nhất. Đó là vùng nông thôn và rừng núi. Không trốn ở đó thì biết đi trốn ở đâu?

Bình Ca

Còn Đi trốn lại là câu chuyện khác. Về thể loại, đó là "tiểu thuyết" chứ không phải hồi ức tập thể kiểu ''non-fiction'' như Quân khu Nam Đồng. Để tránh lặp lại, truyện cũng không có đánh lộn và yêu đương như Quân khu Nam Đồng.

Hôm trước, tôi có nói điều này với MC Đặng Diễm Quỳnh, người đã chép miệng khi bàn về Quân khu Nam Đồng trong chương trình Quán thanh xuân: "Truyện của anh Bình Ca toàn yêu đương và đánh nhau". Cô ấy không tin: ''Truyện mà không đánh nhau và yêu đương thì còn gì là Bình Ca!''.

Có lẽ tốt nhất là các bạn hãy đọc Đi trốn và tự đánh giá.

- Liệu đây có phải cuộc đi trốn quá khắc nghiệt với lũ trẻ không khi chúng phải trải qua những nguy hiểm rình rập từ rừng núi như rắn, hổ, trăn, ong, rồi đến địa hình trắc trở trong hang động, thác ngầm và cả bom đạn của chiến tranh?

- Bạn hỏi vậy vì thế hệ của bạn lớn lên trong hoà bình. Đây là một câu chuyện về chiến tranh.

Bạn hãy tìm đọc những câu chuyện về "học sinh miền Nam", sẽ thấy cuộc vượt Trường Sơn ra Bắc ngày đó của những đứa trẻ còn khắc nghiệt hơn nhiều.

- Các chi tiết như trăn cắn, hổ dọa, rắn bò quanh hay ong đốt đều rất chân thực. Nhà văn từng trải qua những tai nạn như vậy chưa?

- Với những đứa trẻ phải đi sơ tán về rừng núi và nông thôn như tôi, gặp thú dữ, ong độc, trăn rắn... là chuyện thường ngày. Thời đó, con người và thiên nhiên sống với nhau hòa hợp hơn bây giờ nhiều.

Từ nhỏ, chúng tôi đã biết nếu mình không tấn công thú dữ thì nó cũng không động đến mình... Mình chỉ cần đừng làm gì để chúng nghĩ mình tranh cướp thức ăn của chúng, hoặc đề phòng khi chúng quá đói.

- Qua cuốn sách này, ông muốn gửi gắm điều gì cho thế hệ thanh, thiếu niên thời hiện đại?

- Tôi không thích những từ to tát, kiểu như "thông điệp", hay "gửi gắm cho thế hệ trẻ". Tôi chỉ kể lại về một thời đã qua, với tất cả điều tốt đẹp và những sai lầm đáng tiếc. Lịch sử không sửa được. Nó được viết ra để thế hệ sau đọc, đánh giá và rút ra bài học cho mình.

Tôi có một điều cũng muốn hỏi các bạn trẻ ngày nay: Bạn rút ra được điều gì khi đọc cuốn sách này?

Sach Di tron cua Binh Ca anh 2

Tác giả Bình Ca và biên tập viên Diệu Thủy trong buổi ký tặng sách. Ảnh: Nhã Nam.

- Ông đã có ý định gì cho cuốn sách tiếp theo chưa? Liệu người đọc có phải chờ thêm 5 năm nữa cho một cuốn sách mới của Bình Ca không?

- Tôi không biết. Tôi không phải nhà văn. Đối với tôi, văn chương chỉ là cuộc chơi và nếu đã chơi, phải cố mà chơi cho đẹp.

Nhưng cả nhà không ai ủng hộ tôi viết văn vì tốn kém quá. Đầu tiên là lấy tư liệu. Thu thập một cách nghiêm túc, nhất là các tư liệu về chiến tranh, mất nhiều thời gian và tiền bạc lắm. Rồi sau khi viết ra, nếu có những chỗ dở sẽ bị người đời "ném đá", tệ hơn ném đá là thờ ơ. Còn nếu chẳng may hay quá, sẽ bị rất nhiều người xin...

Bạn bảo đừng cho nữa là xong chứ gì? Không được đâu! Tôi không thể lạnh lùng từ chối những người yêu mến mình. Chả lẽ lại bảo ''tôi nghèo lắm, bạn bỏ tiền ra mua ủng hộ đi''. Tôi thuộc thế hệ cũ, khi bạn đến chơi thì nhà còn một bát (gạo) cũng nấu.

Cuộc phiêu lưu của 5 đứa trẻ

Giữa chiến tranh khốc liệt, sự hồn nhiên, sức sống của lũ trẻ trong cuộc phiêu lưu thót tim là một ẩn dụ về vẻ đẹp và niềm hy vọng.

Thu Hoài

Bạn có thể quan tâm