Mới đây, tập truyện Trại bảy chú lùn của nhà văn Bảo Ninh đã được nhà xuất bản AB Art phát hành tại Hungary. Đây là kết quả hoạt động trong chương trình hợp tác xuất bản giữa NXB AB Art của Hungary và Hội Nhà văn Việt Nam.
Sách do dịch giả Gabor Pap chuyển ngữ, ông vốn là một nhà nghiên cứu văn hóa Hungary đã hâm mộ Bảo Ninh từ lâu.
Bìa sách Trại bảy chú lùn của nhà văn Bảo Ninh bản tiếng Việt và bản tiếng Hungary. |
Theo Gabor Pap, khi dịch tập truyện ngắn sang tiếng Hungary, ông đã cẩn thận chú giải những chi tiết liên quan đến văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Ngoài ra, nhà văn Bảo Ninh cũng tự tay viết một bức thư như lời đề từ gửi đến độc giả Hungary, nhân dịp cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản tại quốc gia này.
Trại bảy chú lùn được xuất bản lần đầu năm 1987, gồm 10 truyện ngắn về chủ đề chiến tranh. Đó là những câu chuyện về chiến tranh, về những con người sống trong thời loạn lạc, khói lửa bom đạn.
Trong số họ, có người là lính cụ Hồ, có người đứng bên kia chiến tuyến. Trước thời cuộc, mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh, diễn biến tâm lý khác nhau, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Lâu nay tên tuổi của Bảo Ninh thường được gắn chặt với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Tính đến nay, Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ra hơn 15 thứ tiếng, phần lớn đều dịch lại từ bản tiếng Anh trừ các bản sách tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung.
Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Nhã Nam. |
Trại bảy chú lùn được dịch trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Hungary đánh dấu một điểm sáng mới trong xuất ngoại văn chương Bảo Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cuốn sách cũng đem lại góc nhìn mới về chiến tranh Việt Nam tại quốc gia Đông Âu này. Hầu hết sách về chủ đề chiến tranh Việt Nam mà người Hungary được đọc trước đây đều do người Mỹ, người Hàn Quốc hoặc Australia, New Zealand viết nên.
Đọc về lịch sử Việt Nam qua chính ngòi bút của tác giả Việt Nam sẽ đem tới những tư liệu chân thật và sống động hơn cho chính người Hungary.