Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng dang dở của nhà phát minh Edison

Tác phẩm hư cấu “In the Deep of Time” được viết một phần dựa trên 33 trang ghi chú mà nhà phát minh đại tài nước Mỹ từng gửi cho nhà văn Parsons Lathrop.

Khi Thomas Edison qua đời năm 1931, ông nắm giữ hơn 1.000 bằng sáng chế (chỉ tính riêng tại Mỹ).

Ông từng được vinh danh với những phát minh như đèn điện, pin, máy ghi âm... Ít người biết rằng nhà khoa học này từng bỏ dở cuốn tiểu thuyết giả tưởng viết trong những năm 1890.

Thomas Edison anh 1

Những ý tưởng của Thomas Edison đã nuôi dưỡng cho câu chuyện mà nhà văn George Parsons Lathrop viết trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng In the Deep of Times. Ảnh: Alamy Stock Photo.

Cuộc hợp tác hứa hẹn

Thomas Edison không tiếp tục hoàn thành cuốn sách dang dở nhưng những ghi chú, trang viết của ông được George Parsons Lathrop (1851-1898) sử dụng và cho ra đời tác phẩm hư cấu về tương lai In the Deep of Times, xuất bản năm 1896.

Là nhà văn, biên kịch, biên tập viên và nhà thơ nổi tiếng thời đó, Lathrop (đồng thời là con rể của Nathaniel Hawthorne - người mở đầu cho dòng văn học bản sắc Mỹ trước Mark Twain), đã hẹn gặp Edison vào cuối năm 1888. Lathrop đề nghị nhà phát minh hợp tác với dự án hồi ký mà mình đang chủ trì.

Trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Harper, Lathrop kể lại rằng nhà khoa học Thomas Edison ngay lập tức phản đối việc xuất hiện trước công chúng, nhất là khi tự nói về bản thân.

Vì vậy, nhà văn đưa ra ý tưởng khác - một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng - trong đó Edison sẽ là người cung cấp các ý tưởng còn Lathrop viết. Nhà phát minh cũng từ chối bàn luận về giá cả, nhuận bút khi thực hiện cuốn sách này.

Khi hai người bắt tay vào dự án, Edison gửi cho nhà văn Lathrop 33 trang ghi chú chỉ sau một tháng. Lathrop đắm chìm trong những miêu tả thô sơ của nhà khoa học về “tàu hơi nước không vít”, “máy thôi miên”, “con tà­u không khí” và những điều kỳ lạ huyền ảo khác.

Sự kết hợp của nhà khoa học nổi tiếng và cây bút hàng đầu nước Mỹ thời điểm đó thu hút hàng triệu người quan tâm, được đánh giá là “không thể tuyệt vời hơn”. Báo chí khắp nơi đưa tin về dự án sách của Edison và Lathrop.

Thời điểm hai người đàn ông cùng nhau thực hiện cuốn sách, công chúng đã khá quen thuộc với thể loại truyện giả tưởng, bởi sự phát triển, tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Có thể kể tới loạt tác giả được yêu thích thời đó như: Jules Verne với Từ Trái đất đến Mặt trăng (1865), Hai vạn dặm dưới đáy biển (1870) hay Phi vụ mua Bắc Cực (1889); tiểu thuyết phiêu lưu bán chạy của Edward Bellamy như Looking Backward (1888); hay tiểu thuyết gia người Anh H.G. Wells với The Time Machine (1895), The War of the Worlds (1852).

Hai tâm hồn chưa đồng điệu

Đến cuối năm 1892, dự án gặp rắc rối lớn. Khi mới bắt đầu, Edison tỏ ra nhiệt tình, ông thậm chí còn đưa ra nhiều ý tưởng vượt xa khả năng tiếp nhận của Lathrop khi ấy.

Thomas Edison anh 2

In the Deep of Time được xuất bản trên tờ Seattle Post-Intellectencer vào ngày 27/12/1896. Ảnh: Library of Congress.

Nhưng cảm giác hồ hởi chẳng duy trì được lâu. Edion bắt đầu nguội lạnh, mệt mỏi và không tha thiết với những gì mình đã bắt đầu.

Cuối cùng, nhà khoa học quyết định từ bỏ dự án, để lại Lathrop với mớ bòng bong. Cuốn tiểu thuyết khi ấy mới hoàn thành được phân nửa.

Sau này, Lathrop vẫn tiếp tục cuốn sách và xuất bản nội dung của In the Deep of Time nhiều kỳ trên những tờ báo của Mỹ từ tháng 12/1896.

Trong đó, tạp chí English Illustrated xuất bản hai số vào mùa xuân năm sau với dòng chú thích George Parsons Lathrop hợp tác với Thomas A. Edison.

Trong phần giới thiệu của chương đầu tiên, Lathrop cũng nhắc tới sự hợp tác giữa mình và nhà khoa học nước Mỹ.

“Tác phẩm này là kết quả cuộc trò chuyện với Thomas A. Edison. Trong đó, ông cung cấp các ghi chú và chất liệu cho tôi. Toàn bộ câu chuyện do một mình tôi chịu trách nhiệm”, nhà văn viết.

Độc giả hẳn sẽ hỏi chính xác Edison đã đóng góp những gì và Lathrop làm gì trong tác phẩm xuất hiện trên thị trường sách?

33 trang bản gốc ghi chú viết tay của nhà khoa học được bảo tồn trong bộ sưu tập Thomas A. Edison Papers (những ghi chép của Edison), thuộc sở hữu của Đại học Rutgers (New Jersey) và được công bố trên mạng.

Phần lớn ghi chú trong bản thảo From the Laboratory of Thomas A. Edison, Orange, N.J. (Từ phòng thí nghiệm của Edison, Orange, N.J) với nét bút rõ ràng của Edison. Còn lại, nhiều đoạn câu hỏi được viết bằng bút chì màu đỏ và nét chữ khác, rất có thể là của Lathrop.

Chúng ta học được gì từ thói quen của những nhà văn nổi tiếng?

Haruki Murakami hay Ernest Hemingway đều thức dậy từ rất sớm để bắt đầu một ngày làm việc. Trong khi đó, Kurt Vonnegut rèn luyện thể chất bằng việc chống đẩy thường xuyên.

Song nhu mot dong song hinh anh

Sống như một dòng sông

0

Trên đường ra biển lớn, con sông phải trải qua nhiều chướng ngại, nó sẵn sàng uốn khúc để vượt qua ghềnh thác. Con người muốn trưởng thành, phải học cách vượt qua khó khăn.

Nhan Nhan

Theo Smithsonian Magazine

Bạn có thể quan tâm