- Là một cây bút trẻ, vì sao Huệ Ninh chọn đề tài trước Cách mạng tháng Tám năm 1945? Bạn nghĩ mảng này quá sức với người viết, nhất là đối với phụ nữ?
- Tôi nghĩ là người sáng tác chuyên nghiệp, đề tài nào cũng phải viết được. Trước Cách mạng tháng Tám hay lâu hơn, hoặc ở thì tương lai, chuyện trên cung trăng, dưới địa ngục,… đều phải làm được. Vấn đề là người viết phải biết cách khai thác sao cho hấp dẫn.
Với người viết, tuổi trẻ hay tuổi già không thể tính bằng thẻ chứng minh nhân dân. Tuổi đời tôi có thể được xem là trẻ, nhưng tuổi nghề tôi đã có hơn 10 năm cầm bút. Như vậy có được gọi là trẻ không?
Khi người viết đạt đến độ sáng tác chuyên nghiệp, chẳng nên phân biệt giới tính. Tác phẩm là tiếng nói chung để mọi người hiểu, không phải viết về cá nhân hay liên quan đến vốn sống riêng.
Nhà văn trẻ Huệ Ninh. |
- "Cây nước mắt" dày 700 trang, bạn lo ngại người đọc sẽ chần chừ và lười đọc tác phẩm vì quá dài?
- Cách đây 7 năm (năm 2008), tôi được đặt hàng viết kịch bản về đề tài cao su. Lúc đó, tôi chưa biết “mặt mũi” cây này ra sao, chẳng thông thuộc lịch sử thời ấy hay vùng đất về loại cây này. Tôi cũng chưa trải qua mối tình nào. Phải nói rằng tác phẩm đã lựa chọn tôi.
Tôi đã trải qua thời gian lận đận để cho ra đời bộ phim. Tuy nhiên, dư luận phản ánh rất tốt và dành tình cảm đặc biệt cho câu chuyện. Những người tiếp nhận tác phẩm cũng đa dạng, từ người có trình độ cao như biên tập, đạo diễn, nhà duyệt phim,… đến hệ thống độc giả không am tường về văn chương, lẫn các diễn viên, thành phần làm phim.
Tôi cũng nhận được nhiều lời khen ngợi, hợp đồng kịch bản khác từ sau bộ phim. Đó là điều khiến tôi nảy ra ý tưởng phải chuyển Cây nước mắt thành tác phẩm văn học. Bởi khi phim được sản xuất, nhiều yếu tố khác biệt so với suy tưởng của tôi, đặc biệt là việc lựa chọn diễn viên. Nhiều điểm tôi vẫn chưa hài lòng. Vì vậy, tôi quyết tâm hoàn thành tiểu thuyết để ý tưởng được giữ nguyên giá trị biểu cảm khi đến với độc giả.
Khi tôi liên hệ in cuốn tiểu thuyết, mọi người đều ngại đọc một cuốn sách dày và dài. Một số người không tin vào năng lực của người viết. Những người cùng thời cũng không tin người chưa có danh tiếng sẽ có tác phẩm lớn, để đời,... Tuy nhiên, tôi nhận thấy nhiều độc giả vẫn tìm đến văn học cổ điển, sách "best seller" hiện đại,... dày và dài hơn sách của tôi. Vì thế, độ dài hay ngắn của tác phẩm không quan trọng, người đọc chỉ quan tâm sản phẩm có thú vị hay không.
Tôi luôn phấn đấu để cho ra đời những tác phẩm hay. Với sự hấp dẫn đã được nhiều độc giả ghi nhận, tôi tin Cây nước mắt không những không gây mệt mỏi với độc giả mà sẽ cuốn hút họ trong sự say mê, hào hứng.
Tiểu thuyết Cây nước mắt của tác giả Huệ Ninh. |
- Không nhiều bạn trẻ lựa chọn đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Khi viết, bạn có rơi vào trường hợp bị hụt hơi, hoặc nản lòng?
- Tôi xác định mình là người viết chuyên nghiệp nên không được hụt hơi, nản lòng trong khi viết. Tôi phải có sự đầu tư, hoặc mục đích cụ thể để cố gắng hoàn thành. Quá khứ là cả quặng vàng bất tận nên khai thác đề tài lịch sử hay chiến tranh cách mạng là sự hào hứng. Tôi đã đặt được cái nhìn vào đấy một cách hấp dẫn, thuyết phục, với cách nhìn tươi mới.
Tôi tự chinh phục mình, tôi sẽ thấy niềm vui trong sáng tạo, như vậy, nhất định tôi sẽ cảm hóa được người đọc. Tuy nhiên trong lúc viết tôi vấp phải không ít khó khăn.
Việc sáng tạo không khiến tôi gặp khó khăn nhiều như trong cuộc sống. Vật cản như cơm áo, gạo tiền, bệnh tật, mối quan hệ phức tạp,... luôn luôn diễn ra, chẳng mấy lúc để yên cho ai ngồi viết lách. Nhưng tôi vượt lên được tất cả nhờ học tập chính các nhân vật của mình. Tôi đặt mình vào họ. Họ là những con người có thật và là những con người lý tưởng. Họ vượt qua được hoàn cảnh khắc nghiệt, khốn cùng, bi ai nhất. Dù sao, tôi - một người ở thời đại - cũng vô cùng sung sướng, đủ đầy hơn họ. Vậy vì sao tôi lại cho phép mình nản lòng, sao lại không thể vượt qua?
Tôi quan niệm, khó khăn chỉ là nhất thời. Lúc này tắc bút, tôi lại đào sâu suy nghĩ, học hỏi nhiều hơn. Cuối cùng, tôi đã vượt qua được và tận hưởng cảm giác thăng hoa.
Họ - con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào cũng phải sống và khát khao đến những giá trị tốt đẹp. Tôi cũng thế, chưa chết được thì phải sống, chưa viết xong phải viết cho xong. Tiền đầu tư tôi nhận rồi, hứa hẹn rồi nên phải viết thôi.
- Vậy làm sao để truyện hấp dẫn được từ đầu đến cuối, nhất là khi tiểu thuyết còn được xây dựng thành phim?
- Để hấp dẫn người đọc, tôi cũng phải dày công lao động và sáng tạo. Tôi phải thật sự hào hứng với câu chuyện, đặt mình trong không gian, thời gian ấy, thỏa sức tưởng tượng.
Thực sự tôi đã nhập thần đến mê muội, tới lúc sự sáng tạo có ý thức trở nên vô thức sẽ sản sinh câu chuyện hấp dẫn. Chinh phục được bản thân nhất định sẽ chinh phục được tất cả.
- Qua tiểu thuyết này, bạn muốn chuyển thông điệp gì đến bạn đọc?
- Mỗi người tự tìm ra chân lý, thông điệp trong câu chuyện hay. Còn tôi phải cố gắng làm tác phẩm thật hay và hấp dẫn. Tôi không phải là nhà đạo đức, nhà luân lý hay nhà tư tưởng nên không thể áp đặt hay có ý muốn chuyển tải thông điệp gì. Tự tác phẩm sẽ nói lên thông điệp riêng.
Từ lúc hoài thai đến khi tác phẩm ra đời, xuất hiện trên thị trường, được đón nhận là cả quá trình dài và gian nan với tôi. Có thể nói nó đã phần nào thành công.
Bài học tôi nhận được trong chặng đường này là hãy lao động hết mình, không bỏ cuộc, nhất định sẽ có thành quả tốt. Ở góc độ của bản thân, tôi nhận ra câu chuyện trong tiểu thuyết cũng có một thông điệp tương tự như thế.
Các nhân vật sống thật với những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn họ, có tình yêu, khát vọng chính đáng và biết đi tới cùng. Họ đều nhận được kết thúc có hậu.