Vợ chồng anh Nguyễn Minh Vương (35 tuổi) bán quần áo tại chợ Bến Thành (quận 1). Mỗi tháng, tiểu thương này phải trả 1.000 USD tiền mặt bằng.
Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, vì lượng khách giảm mạnh nên anh Vương trả sạp, tạm ngưng việc buôn bán. Khi trả mặt bằng trước hạn, anh mất 2 tháng tiền cọc, khoảng 2.000 USD.
Rất nhiều người buôn bán như anh Vương cũng ở cảnh tương tự. Họ mong được buôn bán lại, song cũng lo ngại rơi vào tình cảnh ế ẩm như nhiều tháng trước vì lượng khách thưa vắng.
Anh Vương đang chờ thông tin từ Ban quản lý chợ Bến Thành về việc mở cửa lại để thỏa thuận với chủ cho thuê giá cả hợp lý rồi dọn dẹp đồ đạc, lấy thêm hàng hóa bắt đầu lại công việc kinh doanh.
Nhiều tiểu thương ở Bến Thành mong muốn được mở cửa buôn bán lại. Ảnh: Y Kiện. |
Vừa mừng vừa lo
Vì còn hàng đặt tại chợ, tiểu thương này vẫn phải đóng hơn 400.000 đồng tiền hoa chi để giữ hàng, duy trì các khoản vệ sinh, quản lý,... Gần một năm nay, anh Vương làm thêm nghề giao hàng để tăng thêm thu nhập, lo cho vợ và con nhỏ sắp sinh.
Đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, anh Vương mong chợ sớm được mở cửa lại để kinh doanh buôn bán. Thời gian đầu mở tiệm, anh dự đoán chưa thể có lượng khách đều đặn như lúc chưa dịch bệnh nhưng cũng mong tiếp tục công việc đã gắn bó nhiều năm.
Anh Thanh Duy (chủ tiệm vàng Kim Dung, chợ Hòa Bình, quận 5) cho hay nhiều tháng ở nhà nên khi nghe tin dự kiến các chợ được mở cửa, vợ chồng anh đang đếm từng ngày đi làm lại.
"Ban quản lý chợ có giảm thuế nhưng lâu ngày không mở sẽ dễ mất khách. Vợ chồng tôi đã tiêm 2 mũi vaccine, buôn bán lại và đảm bảo 5K thì an toàn. Phải chấp nhận sống chung với dịch chứ không biết chờ đến bao giờ", anh Duy bày tỏ.
Nhiều người dân cũng mong chợ mở cửa để mua bán thuận tiện hơn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông chủ tiệm vàng đã thông báo đến thợ bạc của gia đình để chuẩn bị đi làm lại. Tạm thời anh chưa thuê thêm nhân sự thời gian đầu mà dựa vào tình hình buôn bán để tính toán tiếp.
Nhà gần chợ nên anh Duy dự định sẽ tới tiệm trước thời gian mở cửa một ngày để quét dọn, sửa sang lại rồi chuẩn bị khai trương. Vợ chồng anh cũng sẽ thông báo rộng rãi tới khách hàng tin vui này.
Trong khi đó, một số tiểu thương cũng chưa sẵn sàng mở tiệm lại vì còn e ngại giá thuê mặt bằng cao, thu không đủ bù chi.
Chị N.V. (tiểu thương chợ Bến Thành) cũng trả sạp bán quần áo của mình hai năm nay. Nguồn thu chính của gia đình bây giờ bằng 0, trong khi nhiều chi phí phát sinh mùa dịch, chị V. phải mượn thêm tiền từ người thân để trang trải.
Tuy mong muốn chợ được mở cửa để được làm việc, có thêm thu nhập, nhưng tiểu thương này cũng lo gặp cảnh "người bán nhiều hơn người mua".
"Bán lại nhưng khách không có cũng vậy. Chợ Bến Thành khác biệt với những nơi khác, khách nước ngoài vừa tham qua du lịch vừa mua sắm chứ người Việt thường mua ở những nơi khác. Tiền trả mặt bằng hợp lý thì tôi mới mở bán lại", chị V. nói.
Mở cửa chợ theo từng giai đoạn
Phía khách hàng, nhiều người dân cũng mong chợ sớm được mở cửa để có thể mua hàng hóa đa dạng hơn. Chính quyền địa phương các nơi đã lên kế hoạch cho việc này.
Chị Lê Ngọc (32 tuổi, quận Bình Thạnh) vài tháng nay chủ yếu mua sắm hàng hóa online và nhờ vào lực lượng đi chợ hộ. Bà nội trợ này mong muốn sớm được đi chợ truyền thống vì đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Theo chị Ngọc, mua hàng ở siêu thị qua online hoặc "đi chợ hộ" có nhiều bất tiện. Một số sản phẩm sắp hết hạn sử dụng mà chị không kiểm tra được nên đặt hàng nhiều nên phải bỏ đi. Chung cư cho cư dân đi chợ theo ngày nên chỉ mua được nhu yếu phẩm cho người lớn. Nhà có con nhỏ mà siêu thị lại không đủ các món đồ cần thiết.
"Chợ mở cửa lại cho những ai tiêm đủ vaccine, đảm bảo 5K buôn bán thì giá cả bình ổn, người dân có nhiều lựa chọn mua hàng hơn", chị Ngọc nhận định.
Các tiểu thương đang đếm từng ngày để mong được buôn bán lại. Ảnh: Y Kiện. |
Đồng quan điểm trên, chị Thu Thủy (28 tuổi, quận 10) cũng mong sớm đi chợ thay vì mua online như hiện nay. Siêu thị cách nhà chị Thủy 300 m nhưng mỗi lần đặt hàng chị phải mất 20.000 đồng giao hàng.
Rau, củ, quả đặt ở siêu thị đến khi giao tới thì không còn tươi ngon, nhiều mặt hàng báo hết. "Mùa dịch phải đa dạng thực phẩm mới đảm bảo dinh dưỡng. Nếu mở cửa chợ thì hàng hóa được dồi dào hơn", chị Thủy nói.
Mặt khác, việc đi chợ theo chị Thủy cũng là một cách giải tỏa tâm lý sau nhiều ngày ở nhà. Mua sắm, đi lại trong điều kiện an toàn là phù hợp với thời điểm hiện tại.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh, thông tin địa phương đang xem xét mở lại hoạt động chợ Bến Thành và Tân Định. Chợ mở cửa lại nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân và tham quan du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Bá Tùng (Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, quận 11), chia sẻ dự kiến chợ sẽ mở cửa lại vào đầu tháng 10. Nhiều tiểu thương của chợ rất đồng tình với việc này.
Người dân thị trấn Cần Thạnh, huyện đảo Cần Giờ đi chợ mua sắm nhu yếu phẩm vào ngày 20/9. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Để mở cửa lại, chợ sẽ chia thành 2 giai đoạn. Trong tháng 10 có thể mở 50% công suất, đến cuối tháng 10 sẽ đánh giá lại rồi mới mở cửa 100%, tùy theo tình hình dịch bệnh. Chợ mở cửa phải được đảm bảo phòng chống dịch, theo Bộ tiêu chí an toàn của Sở Công Thương ban hành.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương, hiện nay UBND TP.HCM đã ban hành các bộ tiêu chí an toàn để các đơn vị sản xuất, kinh doanh để tổ chức các phương án hoạt động lại trong điều kiện an toàn.
Sở Công Thương đã triển khai đến các quận, huyện để tổ chức chợ truyền thống. Tiến độ các chợ truyền thống hoạt động trở lại sẽ phụ thuộc vào chỉ thị mới của UBND thành phố.