Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tiểu thần đồng' gia tộc tài chính khởi nghiệp bằng nghề bán tạp hóa

Joseph Seligman, được mệnh danh là "tiểu thần đồng" của gia tộc Seligman tại Đức, từng sang Mỹ năm 17 tuổi và lập nghiệp thành công nhờ "khứu giác kinh doanh" nhạy bén.

chien tranh tien te anh 1

Nhiều người dân tại Mỹ xây dựng các cửa hàng lấy cảm hứng từ Joseph Seligman. Ảnh: Arizona.

Trong những năm 20 của thế kỷ XIX, gia tộc Seligman vẫn định cư ở vùng Bavaria của Đức và kinh doanh trong mảng quy đổi ngoại tệ - dạng công việc đặc thù của các gia tộc ngân hàng do Thái. Vào thời điểm đó, Đức không phải là một quốc gia thống nhất, nó bao gồm hơn 30 quốc gia nhỏ thuộc liên bang với hệ thống tiền tệ khép kín. Các thương nhân ngược xuôi nam bắc thường gặp rất nhiều khó khăn khi phải mang theo các loại tiền tệ khác nhau.

Joseph Seligman là "tiểu thần đồng" của gia tộc Seligman. Khi mới lên 8 tuổi, cậu đã giúp người lớn thực hiện những công việc vặt tại ngân hàng. Khi thu tiền, cậu nhanh chóng phát hiện ra giá trị của đồng tiền sẽ khác biệt tùy theo từng khu vực. Khả năng của Joseph phát triển nhanh hơn so với độ tuổi của cậu. Đến năm 12 tuổi, Joseph đã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm và dần trở thành một người đổi tiền nhanh nhạy.

Công việc chính của Joseph là giúp các thương nhân nước ngoài đổi các loại tiền và tiền bạc họ mang sang, sau đó bán lại những ngoại tệ đó cho những người bản địa đang chuẩn bị sang các khu vực khác để kinh doanh hoặc du lịch, qua đó thu về những khoản chênh lệch giá. Thông qua công việc kinh doanh trao đổi tiền tệ, Joseph bắt đầu hiểu về thông tin kinh tế và địa lý của thế giới bên ngoài, bao gồm các mối quan hệ trao đổi giữa các loại tiền tệ và dần dần hình thành "khứu giác kinh doanh" nhạy bén.

Vào những năm 30 của thế kỷ XIX, Đức bắt đầu quá trình Cách mạng Công nghiệp. Các thợ thủ công truyền thống của Bavaria dần mất cơ hội việc làm dưới tác động của làn sóng công nghiệp lớn. Ngành thủ công mĩ nghệ địa phương cũng ngày một ảm đạm. Ngày càng nhiều người Do Thái địa phương đã chấp nhận vượt qua muôn trùng sóng gió để đến Mỹ nhằm kiếm kế làm ăn buôn bán.

Tháng 7/1837, Joseph khi đó chỉ mới 17 tuổi, với 100 đôla được mẹ khâu trong quần lót, đã trải qua muôn vàn gian truân để đến được New York. Vừa hay thời điểm đó rơi vào đúng đợt Đại suy thoái năm 1837, thế là Joseph bắt đầu bước vào hành trình khởi nghiệp gian nan trên đất Mỹ. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và tình trạng suy thoái kinh tế ở New York đã khiến Joseph khó có đất lập thân, anh bất đắc dĩ phải bôn ba về hướng tây, mãi đến Pennsylvania mới tạm dừng chân. Anh bắt đầu với công việc thu ngân và kiếm được vỏn vẹn 400 đôla mỗi năm.

Joseph là người cực kỳ tập trung vào việc quan sát các chi tiết của cuộc sống. Khi làm nhân viên thu ngân, việc rất nhiều nông dân cứ thỉnh thoảng lại chen chúc trên xe ngựa để đến các khu chợ trong thị trấn và thu mua hàng hóa đã thu hút sự chú ý của anh. Joseph vừa để tâm quan sát, vừa ghi lại tường tận các loại hàng hóa mà những người nông dân này mua cũng như giá cả của chúng, sau đó anh về nhà phân tích kỹ lưỡng vào ban đêm.

Trải qua hơn một năm, anh đã hình thành nên mô hình kinh doanh của riêng mình. Nếu anh có thể đem lại hàng hóa mà nông dân cần đến tận nhà họ, giúp họ đỡ phải vất vả trèo đèo lội suối suốt một quãng đường dài đến chợ, khách hàng sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sự tiện lợi đó, lợi nhuận mà anh kiếm được chính là từ "dịch vụ giá trị gia tăng" này.

Sau khi hạ quyết tâm, Joseph ngay lập tức mua một số mặt hàng có giá trị cao, trọng lượng nhẹ như gương, nhẫn, dao kéo, trang sức, đồng hồ... đóng gói chúng vào ba lô, sau đó bắt đầu một mình đi bộ đến những ngôi làng hoang dã ở Pennsylvania để chào bán hàng hóa. Mô hình kinh doanh của Joseph đã gặt hái được thành công lớn, kiếm 500 đôla đầu tiên chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm.

Anh nhanh chóng tập hợp người thân, họ hàng và một vài anh em ở Đức để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh cùng nhau. Không lâu sau, anh em Seligman góp vốn mở một cửa hàng tạp hóa riêng. Nhờ việc trải qua nhiều năm lăn lộn trong lĩnh vực tiếp thị, anh em Seligman rất có tài ăn nói, câu châm ngôn của họ về công việc của mình là: "Bán cho khách hàng những thứ mà họ cần không thể coi là buôn bán, bán cho khách hàng những thứ họ không cần mới gọi là buôn bán".

Do cơ duyên tình cờ, Joseph được làm quen với Ulysses S. Grant, người đang phục vụ tại Sư đoàn Bộ Binh số 4. Khu vực đóng quân của Grant nằm gần với cửa hàng tạp hóa Seligman, do đó Grant thường đến cửa hàng Seligman để mua đồ trang sức cho vị hôn thê của mình. Chẳng mấy chốc, Joseph và Grant trở thành những người anh em hợp chuyện với nhau. Chẳng ai có thể ngờ rằng sau này Grant sẽ trở thành vị tướng quân nổi tiếng trong Nội chiến, sau đó là Tổng thống thứ 18 của Mỹ.

Sau khoảng vài năm kinh doanh cửa hàng tạp hóa, Joseph bắt đầu dấn thân vào các phần việc cơ bản của ngân hàng, ví dụ cho vay nợ dựa trên mức độ tín dụng của ngân hàng, mua bán một số khoản nợ, thậm chí sử dụng tiền gửi của khách hàng hay mở tài khoản cho nó rồi dùng để thanh toán tiền hàng.

Trong quá trình kinh doanh cửa hàng tạp hóa, anh nhận ra có một sự khác biệt lớn giữa mua bán hàng hóa và mua bán tiền. Việc buôn bán hàng hóa chỉ kiếm được lợi nhuận khi cửa hàng mở và có thể bán được hàng. Ngược lại nếu hàng hóa không bán được thì dòng tiền sẽ không chảy, chủ cửa hàng có thể rơi vào nợ nần. Tiền thì hoàn toàn khác, tiền hoạt động 24/24 và các giao dịch mua bán của nó không liên quan gì đến thời gian mở cửa. Vì lợi tức sẽ được tạo ra nên khi tiền bắt đầu hoạt động, nó sẽ vận hành 24/24, 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm. Tiền là loại hàng hóa tuyệt vời nhất có thể tạo ra sự giàu có nhanh chóng.

Sau 15 năm tích lũy, anh em Seligman đã có một số tiền tiết kiệm. Với giác ngộ về "nguyên lý tiền bạc", Joseph quả quyết cho rằng nên dấn thân vào ngành ngân hàng. Thế là anh em họ gói ghém hành trang lên New York để tham gia vào ngành công nghiệp mọi người Do Thái hướng tới - ngành tài chính.

Song Hong Bin/ Bách Việt Books & NXB Lao Động

SÁCH HAY