Sở Văn hóa và Thể thao cùng Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa bàn giao mẫu vật rùa hồ Gươm kèm theo tủ bảo quản và trưng bày mẫu vật cho UBND quận Hoàn Kiếm. Mẫu vật được đặt trang trọng tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội.
Trao đổi với Zing.vn, GS. Hà Đình Đức, chuyên gia tham vấn quá trình gia công mẫu vật, cho biết tiêu bản rùa hồ Gươm lần này được làm kỳ công và áp dụng công nghệ nhựa hóa của Đức để đảm bảo chất lượng mẫu vật.
Theo đó, quá trình nhựa hóa mẫu vật được tiến hành trong 2 năm do kích thước và trọng lượng của mẫu lớn: dài hơn 2 m, nặng 169 kg. Đây là một trong những mẫu rùa lớn nhất thế giới hiện nay. Việc chế tác mẫu phải qua nhiều công đoạn phức tạp và chính xác, như cố định mẫu, làm khô nước trong tế bào, nhựa hóa, làm khô và hoàn thiện mẫu vật trưng bày.
Tiêu bản rùa hồ Gươm (chết năm 2016) được gia công trong 2 năm bởi các chuyên gia người Đức. Mẫu vật đang được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn. Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. |
Dựa trên các hình ảnh khi rùa còn sống, các chuyên gia gia công theo đúng với các vết tích trên cơ thể “cụ” rùa. Mẫu vật được giữ nguyên các vết loang lổ ở phần mai, chấm trắng như hình sao ở trên đầu rùa…
“Hội đồng giáo sư chúng tôi làm việc liên tục với các chuyên gia để chỉnh sửa sao cho mẫu vật giống với nguyên bản nhất”, GS. Hà Đình Đức cho biết.
Đặc biệt, riêng với cặp mắt, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đặt chế tác tại Cộng hòa Liên bang Đức theo hình ảnh được các nhà nghiên cứu cung cấp. Việc này đảm bảo cặp mắt sống động và mang đúng hồn của mẫu vật,
Ngoài ra, quá trình trưng bày và bảo quản tiêu bản cũng được chú trọng. Tủ kính trưng bày mẫu được làm từ kính chống đạn, chống phản quang. Tủ được chế tạo bằng kính siêu trắng, đây là loại kính đắt tiền, nhập từ Đức.
Loại kính này giúp người xem quan sát được hình ảnh chân thực nhất của mẫu vật. Khi người xem muốn chụp ảnh cũng không bị phản ánh đèn, phản hình ảnh của người chụp lên kính. Dưới tủ kính còn có các loại điều khiển và thiết bị điện tử để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm.
Rùa Hồ Gươm mất ngày 19/1/2016. Tháng 4/2016, hai chuyên gia người Đức được mời đến để tham gia công đoạn phục chế xác rùa. Ảnh: GS. Hà Đình Đức. |
Việc trưng bày cũng đòi hỏi môi trường không có nấm mốc, bụi bẩn, cần được ghi chép hàng ngày để sớm phát hiện hư hỏng, xử lý kịp thời.
Rùa hồ Gươm chết ngày 19/1/2016. Đến tháng 4/2016, hai chuyên gia người Đức được mời đến Việt Nam để tham gia công đoạn phục chế xác rùa. So với các tiêu bản trước đó, mẫu vật lần này được đánh giá là kỳ công hơn và giống với nguyên bản hơn nhờ có công nghệ hiện đại.
Phương pháp nhựa hóa của Đức giúp bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ màu sắc đến hình thái. Đây cũng là phương pháp giúp giữ nguyên vẹn cả phần xương sụn của mẫu, đảm bảo tính chân thực, không để lại mùi và có độ bền cao.
Bên cạnh mẫu vật này, tiêu bản rùa hồ Gươm chết năm 1967 cũng được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn.