Thế giới
Tư liệu
Tiết lộ về hầm bí mật của Hải quân Nhật 70 năm trước
- Thứ sáu, 26/6/2015 20:22 (GMT+7)
- 20:22 26/6/2015
Hầm chỉ huy của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được ngụy trang bên dưới một trường trung học. Nơi đây ban hành mệnh lệnh về những trận đánh ác liệt trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
|
Trường Trung học Keio tọa lạc trên ngọn đồi ở Yokohama, phía nam Tokyo, với khung cảnh đầy thơ mộng. Tuy nhiên, ngôi trường còn chứa đựng bí mật về những năm tháng khốc liệt trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Theo AP, trung tâm chỉ huy của Hải quân Đế quốc Nhật Bản nằm ẩn sâu dưới lòng đất ở nơi đây.
|
|
Nhân viên bảo vệ mở cánh cửa bước vào thế giới bí mật 70 năm trước. Ngày 23/6, nhà trường đã cho phép giới truyền thông tham quan căn hầm để hiểu hơn về giai đoạn lịch sử bi thương của xứ sở mặt trời mọc. Theo AP, Hải quân đế quốc Nhật bắt đầu xây dựng hầm ngầm từ tháng 7/1944. Họ huy động một lượng lớn nhân công của quân đội và lao động khổ sai từ Triều Tiên.
|
|
Hầm chỉ huy được xây dựng bằng bê tông cốt thép nằm sâu 30 m dưới mặt đất và có tổng chiều dài khoảng 1,6 km. Bên trong hầm có phòng thông tin, nơi làm việc của các chỉ huy, cùng các phòng ăn, kho lưu trữ thực phẩm.
|
|
Theo AP, đây là nơi ban hành những mệnh lệnh chết chóc, đặc biệt là các nhiệm vụ tấn công cảm tử “kamikaze”. Ông Hisanao Oshima, kỹ thuật viên liên lạc vô tuyến chia sẻ, ông không thể quên được những khoảnh khắc khi tiếng "tít tít" từ máy liên lạc mã Morse im bặt. "Những âm thanh dừng lại có nghĩa là phi công trên máy bay đã tử trận", ông nói.
|
|
Bộ Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Nhật Bản chỉ huy các chiến dịch lớn như Vịnh Leyte, Iwo Jima và Okinawa từ căn hầm này. Những người lãnh đạo đã bật khóc khi nghe tiếng kêu cứu qua radio vào thời điểm thiết giáp hạm Yamato phát nổ. Takeshi Akuzawa, trợ lý hiệu trưởng cho hay, căn hầm là minh chứng về những năm tháng đau thương của người Nhật.
|
|
Ông Akuzawa cho biết thêm, trong hầm có 1 phòng đặc biệt dành riêng cho Đô đốc Soemu Toyota, Tổng Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Hải quân Đế quốc Nhật. Hàng ngày, vị chỉ huy phải di chuyển qua 126 bậc thang nối giữa 2 phòng chỉ huy trên và dưới mặt đất.
|
|
Từ cuối năm 1944, toàn bộ hoạt động của trung tâm phải chuyển xuống hầm ngầm do tần suất hoạt động của máy bay ném bom B-29 thuộc Không quân Mỹ ngày càng nhiều hơn. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, không khí trong căn phòng trở nên ngột ngạt với những thất bại liên tiếp trên chiến trường, đặc biệt là sau khi Nhật thất thủ ở Okinawa.
|
|
Ngày 2/9/1945, Nhật ký văn kiện đầu hàng phe Đồng minh, kết thúc cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử loài người. Toàn bộ ngôi trường cùng hầm ngầm được bảo quản làm di tích lịch sử. "Tôi cảm thấy xúc động mạnh khi nghĩ về những học sinh phải ra trận ở độ tuổi như cậu bé này", ông Akuzawa chỉ về một học sinh trung học và nói.
|
Nhật Bản
Đế quốc Nhật
Thế chiến 2
hầm ngầm
chiến tranh