Xuồng đổ bộ Higgins
Xuồng Higgins đã góp phần giúp cuộc đổ bộ lên Normandy thành công, tạo nên bước ngoặt của Thế chiến II. Ảnh: Toptenz. |
Nếu không có những chiếc xuồng Higgins, cuộc đổ bộ ngày D lên Normandy có thể không bao giờ thành công. Nhà thiết kế Andrew Higgins đã nhìn thấy sự cần thiết của việc sản xuất các xuồng đổ bộ ngay khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra.
Các xuồng đổ bộ Higgins chủ yếu xây dựng bằng gỗ, nó được thiết kế để lướt trên mặt nước cho phép triển khai binh lính và hàng hóa lên bãi biển một cách nhanh chóng. Trong cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử lên Normandy, xuồng Higgins đã cứu sống rất nhiều tính mạng binh lính và tạo nên sự linh hoạt lớn hơn trong kế hoạch của phe Đồng minh.
Pháo phản lực bắn loạt Katyusha
Pháo phản lực bắn loạt Katyusha đã góp phần giúp Liên Xô lật ngược thế cờ trong cuộc vây hãm của quân đội Đức quốc xã. Ảnh:Toptenz. |
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, mục tiêu hàng đầu của Hitler là đánh bại Liên Xô một cách nhanh chóng và dứt khoát. Trong tháng 10/1941, quân đội Đức quốc xã tưởng như đã làm được điều đó khi quân đội của họ vây hãm Moscow và Leningrad. Hitler đã tự mãn quá sớm khi tuyên bố với thế giới qua sóng phát thanh rằng "kẻ thù phía đông đã bị đánh bại và sẽ không bao giờ ngóc đầu dậy nổi"
Sự tự tin của Hitler đã đặt không đúng chỗ khi quân đội Liên Xô vẫn chiến đấu ngoan cường cùng với sự xuất hiện của một vũ khí mạnh mẽ. Pháo phản lực bắn loạt Katyusha là một hình thức đáng sợ của pháo binh. Các ống phóng thường gắn phía sau thùng của một chiếc xe tải, nó có khả năng phóng đi một lượng lớn đạn rocket chỉ trong thời gian ngắn.
Katyusha không thực sự chính xác khi tác chiến nhưng nó có thể tấn công trên một khu vực rộng lớn tạo cho quân đội Đức cảm giác lo sợ. Quan trọng hơn cả, loại vũ khí này có chi phí thấp và dễ sản xuất trong điều kiện Liên Xô phải di dời các cơ sở công nghiệp nặng ra khỏi tầm hoạt động của quân đội Đức.
Máy bay ném bom Avro Lancaster
Arvo Lancaster là máy bay ném bom chiến lược thành công nhất của Anh trong Thế chiến II. Ảnh: Toptenz |
Avro Lancaster là một sự phát triển mở rộng từ máy bay Avro Manchester. Các nhà thiết kế đã lựa chọn giải pháp cải tiến máy bay ném bom sẳn có để tiết kiệm thời gian và chi phí. Người ta mở rộng thân, kéo dài sải cánh, bổ sung thêm 2 động cơ. Avro Lancaster đi vào hoạt động từ năm 1942 giúp người Anh có thể tấn công nước Đức.
Các chiến dịch ném bom của phe đồng minh bằng máy bay ném bom Avro Lancaster buộc Đức phải tập trung các nguồn lực khác nhau để bảo vệ không phận. Ngoài ra, Avro Lancaster còn thực hiện một số nhiệm vụ rất đặc biệt như thử nghiệm tấn công vào boongke trú ẩn của tàu ngầm Đức bằng bom động đất.
Trong Thế chiến II, quân đội Anh đã sản xuất hơn 7.000 chiếc Lancaster, gần một nửa trong số này bị mất trong quá trình chiến đấu. Ngày nay vẫn còn 2 chiếc Lancaster đang hoạt động.
Tàu ngầm U-boat
Các cuộc tấn công của tàu ngầm U-boat đã gây cho lực lượng Đồng minh những tổn thất rất nặng nề. Ảnh: Deviatart |
Đức không có lực lượng hải quân mặt nước đủ mạnh để thách thức lực lượng Đồng minh. Do đó, họ chú trọng vào chiến lược tàu ngầm nhằm ngăn chặn đội tàu vận tải hàng hóa cho nước Anh. Chỉ trong năm 1940, các tàu ngầm U-boat đã đánh chìm tới 2,6 triệu tấn hàng hóa.
Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói, điều duy nhất khiến ông lo lắng trong chiến tranh thế giới thứ 2 là mối đe dọa của tàu ngầm U-boat. Các nước Đồng minh phải chi số tiền tới 26,4 tỷ USD để chống lại mối đe dọa từ tàu ngầm U-boat. Trong khi đó, chiến dịch tàu ngầm của Đức chỉ tiêu tốn 2,86 tỷ USD. Xét ở gốc độ kinh tế, chiến dịch tàu ngầm là một thành công lớn của Đức đưa tàu ngầm U-boat trở thành một trong những vũ khí có ảnh hưởng nhất của chiến tranh.
Máy bay Hawker Hurricane
Máy bay đánh chặn Hawker Hurricane đã góp phần giúp nước Anh đánh bại cuộc xâm lược của Không quân Đức quốc xã. Ảnh:Toptenz |
Loại máy bay này chủ yếu được xây dựng từ khung bằng gỗ bọc vải nhưng lại cho hiệu suất chiến đấu rất cao. Nó là một trong số ít những máy bay có thể chống chọi lại chiến đấu cơ BF109 của Đức trong trận đại không chiến trên bầu trời miền nam nước Anh. Trong quá trình chiến đấu Hawker Hurricane chiếm đến 55% số máy bay Đức bị bắn rơi.
Đến năm 1942, công nghệ máy bay đã có những tiến bộ vượt bậc nên Hawker Hurricane không còn giữ vai trò là máy bay đánh chặn. Nó vẫn tiếp tục chứng minh giá trị là máy bay chiến đấu ném bom và chống tăng trên chiến trường.
Xe tăng M4 Sherman
Xe tăng M4 Sherman đã góp phần giúp phe Đồng minh đánh bại sức mạnh quân đội Đức quốc xã trên mặt trận phía tây. Ảnh:Toptenz |
Sherman không phải là xe tăng tốt nhất của chiến tranh thế giới thứ 2, nó thua kém nhiều so với Tiger và Panther của Đức quốc xã. Điểm mạnh của xe tăng này là chi phí thấp, dễ sản xuất với số lượng rất lớn tạo nên thế áp đảo trên chiến trường. Xe tăng M4 Sherman đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại sức mạnh quân đội Đức quốc xã ở mặt trận phía tây.
Pháo chống tăng 88 mm
Pháo chống tăng 88 mm là vũ khí quan trọng giúp quân đội Đức quốc xã duy trì thế mạnh trên chiến trường. Ảnh:Toptenz |
Pháo binh là một trong những thành phần quan trọng nhất của quân đội Đức trong thế chiến 2. Điểm mạnh của pháo chống tăng 88 mm là tính linh hoạt cao trong sử dụng. Nó có thể gạ gục bất kỳ xe tăng nào của phe Đồng minh từ khoảng cách hơn 1 km. Pháo 88 mm cũng có thể sử dụng cho nhiệm vụ chống máy bay. Quân đội Đức còn gắn loại pháo này lên chiếc xe tăng đáng sợ nhất King Tiger. Người Đức đã sản xuất khoảng 18.000 khẩu pháo 88 mm trong thế chiến 2.
Máy bay chiến đấu P 51 Mustang
Nếu không có máy bay P 51 các chiến dịch ném bom nước Đức bằng máy bay ném bom chiến lược khó lòng đạt được sự thành công. Ảnh: Toptenz |
P 51 Mustang ra đời với mục đích làm nhiệm vụ hộ tống cho các máy bay ném bom oanh tạc nước Đức. Nó đã chứng minh là một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất thế chiến 2. Nó có thể hộ tống các máy bay ném bom tấn công Berlin và quay trở lại. Trong các nhiệm vụ hộ tống ném bom, tỷ lệ chiến thắng không chiến của nó là 19/1.
Tàu sân bay
Mỹ khó lòng đánh bại Nhật Bản ở mặt trận Thái Binh Dương nếu không có những tàu sân bay.Ảnh:Toptenz |
Người Nhật đã sớm nhận thấy tiềm năng to lớn của tàu sân bay trong việc triển khai chiến đấu ở những khu vực xa xôi. Đánh chìm tàu sân bay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn chặn sức mạnh của đối phương. Họ đã thực hiện ý đồ tiêu diệt đội tàu sân bay Mỹ trong cuộc đột kích vào Trân Châu Cảng năm 1941.
Mặc dù Hải quân Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề song các tàu sân bay của họ đã may mắn thoát nạn. Nếu người Nhật tiêu diệt được các tàu sân bay của Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng, họ có thể tung hoành ở Thái Bình Dương trong nhiều năm. Khi thế chiến 2 ngày càng tiến triển, nó đã chứng minh rằng thời đại của các thiết giáp hạm đã hết. Tàu sân bay lúc này và về sau đã cho thấy rằng nó là vũ khí nổi mạnh mẽ nhất.
Xe tăng T-34
Xe tăng T-34 chính là chìa khóa trong cuộc tổng phản công trên mặt trận phía Đông. Ảnh:Toptenz |
T-34 triển khai lần đầu vào năm 1940 với số lượng hạn chế, từ năm 1941 Hồng quân tung vào chiến trường số lượng lớn xe tăng T-34. Loại xe tăng hạng trung này đã tạo nên một cú sốc cho quân đội Đức quốc xã. Nhanh nhẹn, cơ động cao, hỏa lực mạnh là những ưu điểm vượt trội của T-34.
T-34 là vũ khí cực kỳ quan trọng cho quân đội Liên Xô trong suốt Thế chiến II. Nếu không có loại xe tăng tuyệt vời này, quân đội Đức quốc xã có thể đã thành công trong việc đánh bại Liên Xô. Điều đó đã đưa T-34 trở thành vũ khí có ảnh hưởng nhất của cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại.