Những email này tiết lộ ông Trump và đồng minh từng cố gắng thúc đẩy “thuyết âm mưu” về bầu cử nhằm tìm kiếm cơ hội ở lại Nhà Trắng, cũng như những nỗ lực phản kháng của các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, theo Guardian.
Theo các email, Mark Meadows, chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời ông Trump, chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ điều tra cáo buộc gian lận bầu cử ít nhất 5 lần.
Ông Trump từng cố gắng thuyết phục Bộ Tư pháp Mỹ ủng hộ cáo buộc gian lận bầu cử năm 2020. Ảnh: NBC. |
Thậm chí, ông còn yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra thuyết âm mưu “Italygate”. Thuyết âm mưu này cho rằng dữ liệu cử tri trong cuộc bầu cử năm 2020 đã bị chỉnh sửa tại châu Âu, với sự “ngó lơ” của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Cựu Thứ trưởng Tư pháp Richard Donoghue gọi thuyết âm mưu này là "hoàn toàn điên rồ".
Các email được công bố còn cho thấy ông Trump từng gây áp lực lên quyền Bộ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen nhằm buộc ông này chấp nhận điều tra về “gian lận bầu cử”. Tuy vậy, ông Rosen đã “từ chối thẳng thừng” việc gặp luật sư riêng của ông Trump, theo trao đổi của ông với một đồng nghiệp trong Bộ Tư pháp hôm 1/1.
“Những tài liệu này cho thấy Tổng thống Trump cố gắng mua chuộc cơ quan hành pháp chính của chúng ta (chỉ Bộ Tư pháp Mỹ) trong âm mưu “trơ tráo” nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử mà ông ta thất bại”, Hạ nghị sĩ Carolyn Maloney, chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ, cơ quan công bố các email trên, cho biết.
“Sẽ là bất ngờ hơn nếu các email này không được gửi đi. Đây là hành động tiêu biểu mà ông Trump cố thực hiện, nhằm sử dụng Bộ Tư pháp để đảo ngược mong muốn của cử tri Mỹ”, Hạ nghị sĩ Eric Swalwell nói với MSNBC.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, trái với những người tiền nhiệm như Jimmy Carter hay George H. W. Bush (Bush cha), ông Trump không thừa nhận thất bại. Thay vào đó, ông cáo buộc đảng Dân chủ “gian lận bầu cử”, góp phần dẫn tới cuộc bạo loạn ngày 6/1 ở tòa nhà Quốc hội Mỹ khiến 5 người thiệt mạng.