Giờ Trái đất là sáng kiến của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới đã tham gia hưởng ứng chiến dịch.
Đại diện các đơn vị tổ chức thực hiện nghi thức tắt đèn. |
Chiến dịch Giờ Trái đất là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương chỉ đạo, dưới sự thực hiện của Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, cùng sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Công ty CP Daikin Air Conditioning (Việt Nam). Trong đó EVN là nhà tài trợ đồng hành của chiến dịch trong 10 năm liên tiếp.
Sự kiện năm nay còn có sự góp mặt của Công ty Cổ phần Megacom Việt Nam - một trong các đơn vị tổ chức và hỗ trợ sự kiện chuyên nghiệp.
Chủ đề của Giờ Trái đất 2018 là “Hôm nay tôi sống xanh hơn”. |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu. Mỗi năm GDP thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 2 đến 3 độ C, nước biển dâng 78-100 cm.
Nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 5% diện tích lãnh thổ bị ngập gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 10% dân số; riêng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.
“Do vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Hưng nhấn mạnh.
Hệ thống âm thanh, ánh sáng trong một tiếng diễn ra chương trình hoạt động được nhờ pin năng lượng mặt trời. |
Sau một giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện không cần thiết (từ 20h30 đến 21h30 ngày 24/3), hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được lượng điện năng là 485.000 kWh, tương đương khoảng 834 triệu đồng.