Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếp tay cho hung thần xa lộ: Mua đường, dẫn trạm

Ngoài các loại bùa, chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn phải rành rẽ thêm nhiều chiêu khác thì các phương tiện quá khổ, quá tải của họ mới hòng lưu thông trót lọt.

Chủ doanh nghiệp (DN) vận tải N.L - đơn vị dùng xe đầu kéo và rơ-moóc đóng chui vận chuyển hàng chục chuyến hàng siêu trường, siêu trọng vào Nam ra Bắc - cho biết mỗi năm nhận chở khoảng 40 máy biến thế, từ loại nhẹ khoảng 100 tấn đến loại nặng chừng 240 tấn.

“Hụi chết”, “hụi sống”

Xe của N.L chủ yếu đi vào ban đêm, mỗi chuyến hàng từ Hà Nội vô TP.HCM hoặc ngược lại mất khoảng 5-10 ngày với giá gần 400 triệu đồng. Trong đó, mỗi tỉnh, thành mà xe đi qua phải lo cho 2 trạm CSGT - tổng số tiền chung chi suốt hành trình khoảng 50 triệu đồng.

“Để đi trót lọt thì phải có người dẫn đường, không là gãy cổ liền. Người này chạy xe máy đi trước, khi gặp CSGT trên đường hoặc trạm cân thì vô thương lượng. Khi nào được sự đồng ý của CSGT hoặc lực lượng phụ trách trạm cân thì xe mới được qua” - một tài xế chuyên chạy đường dài Bắc - Nam tiết lộ.

Xe tải có người dẫn đường chuẩn bị vào địa phận Đồng Nai.
Xe tải có người dẫn đường chuẩn bị vào địa phận Đồng Nai.

Trước đó, khi đến các cơ sở đóng rơ-moóc đặt làm loại có thể rút ra để chở hàng lên đến vài trăm tấn, chúng tôi cũng đã được nhiều ông chủ dặn dò: “Xe kéo “moọc” loại này phải chạy vào ban đêm, đặc biệt là phải biết mua đường, có người dẫn qua trạm cân”.

Trong vai một tài xế chạy xe cho DN đang cần chở một số mặt hàng siêu nặng từ TP.HCM ra Hà Nội, tôi được các bác tài lâu năm giới thiệu đến Nam, một người chuyên mua đường cho các DN vận tải trên địa bàn TP.HCM. Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng gặp được Nam tại quán cà phê A My (gần cầu vượt Bình Phước).

Nam khoe quan hệ rất rộng và cho biết có thể lo cho xe đi đến bất cứ chỗ nào ở TP.HCM. “Mỗi xe cần khoảng 5-7 triệu đồng/trạm/tháng. Với giá này, anh đi bao nhiêu chuyến cũng được và có thể chạy bất cứ giờ nào. Đó là CSGT thôi nhé, còn thanh tra giao thông thì khác nữa, khoảng 2,5 triệu đồng/tháng/xe” - Nam ra giá.

Nam cho biết nếu không mua đường theo tháng thì đi chuyến nào đóng hụi sống chuyến đó nhưng bấp bênh lắm, nếu không vừa lòng mấy ổng là bị hốt liền. “Phải canh me khi nào mấy ổng không có mặt mới được chạy, cực lắm! Anh nên đóng hụi chết theo tháng đi vì có chạy ít thì cũng mất chừng ấy tiền nếu xe bị “vịn”. Ngoài ra, Cảnh sát 113 thỉnh thoảng lập chốt trên đường, mình cũng phải biết điều với mấy ông” - Nam khuyên.

Nam tiết lộ khi xe đã “đóng hụi chết” thì bắt buộc phải dán logo để mấy ông phân biệt. “Mua nhiều đường thì có thể dán nhiều logo cũng được nhưng phải báo cho mấy ông biết. Anh chỉ được dùng đúng xe đó thôi, nếu chạy phương tiện khác mà bị “vịn” thì ráng chịu” - Nam thẳng thừng.

Việt - một tay chuyên mua đường, dẫn xe khác ở TP.HCM - được giới tài xế và chủ DN vận tải tin tưởng vì làm việc rất kỹ lưỡng. Trước khi nhận lời, Việt điều đàn em tới tận DN để “xem mặt”, sau đó mới ra giá. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ qua các số điện thoại của Việt để nhờ giúp đỡ. Việt dò hỏi chúng tôi do ai giới thiệu, làm sao biết anh ta… Dù đã nhận lời nhưng không hiểu sao mới đây, sau lại từ chối giúp chúng tôi vì bận nhiều việc quá.

Qua trạm lụy cò

Theo giới tài xế, khu vực Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai luôn có khoảng 10 tay cò chuyên dẫn đường cho xe quá tải qua trạm cân. Mỗi chuyến qua trạm cân này, nhà xe phải mất khoảng 700.000 - 800.000 đồng.

Sau hàng loạt câu hỏi nghiệp vụ như ai giới thiệu, đã lái cho DN nào, ai từng dẫn qua trạm cân, giá bao nhiêu, xe dán logo gì…, Long - một trong những tay cò ở Dầu Giây - mới tỏ ra tin tưởng. Anh ta khoe chỗ nào cũng chơi tốt, kể cả lãnh đạo các huyện mà Quốc lộ 1 chạy qua nên trạm nào cũng lo được. Nghe chúng tôi nhờ lo cho xe đi qua địa phận Đồng Nai, Long nhanh nhảu: “Phải chờ hỏi mấy bác ở trên nữa nên chiều em mới trả lời anh. Còn nếu qua trạm cân này không thôi thì dễ, em quyết ngay được”.

Cò Tân quả quyết có thể lo cho xe chạy qua Đồng Nai, Bình Phước, BìnhThuận...
Cò Tân quả quyết có thể lo cho xe chạy qua Đồng Nai, Bình Phước, BìnhThuận...

Long cho biết các xe thường chung theo quý vào ngày đầu của tháng đầu tiên. “Anh cứ đi thử nửa tháng, nếu thấy được thì làm, không thì thôi. Nếu đi thì khi nào xe tới Ngã ba Trị An, anh cứ gọi, em sẽ chỉ cách qua trạm. Khi qua trạm cân, anh phải cho xe chạy thật chậm sát bên trái làn xe tải, còn cách trạm khoảng 300 m thì nên bịt biển số lại. Làm vậy để camera báo về máy tổng không hiện biển số xe. Khi đó, em sẽ điện thoại hoặc nhắn tin cho người trực trạm cân thông báo để họ cho xe qua. Nếu xe chở hàng quá cồng kềnh và tải trọng quá lớn thì anh phải rẽ vào đường vòng KCN Bàu Xéo để tránh trạm cân” - Long chỉ dẫn.

Thấy vẫn chưa đủ, Long căn dặn thêm: “Làm gì thì làm, đừng bao giờ cho xe lên cân. Nếu lỡ lên cân thì cứ cho xe chạy luôn, đừng có dại mà dừng lại. Xe chạy đến chỗ nào đó thì người ta sẽ đuổi theo buộc đưa về trạm cân, khi đó em sẽ xuất hiện để giải cứu ngay”.

Chiều cùng ngày, Long điện thoại lại cho chúng tôi báo giá đi qua Đồng Nai là 4,5 triệu đồng/xe phần CSGT, 4 triệu đồng với thanh tra giao thông...

Ở Đồng Nai, Tân cũng là một tay cò mua đường, dẫn trạm có tiếng trong giới tài xế và DN vận tải. Gặp chúng tôi, Tân khoe ngay: “Em có ông anh làm ở Công an Bình Phước nên có thể bao luôn đường ở tỉnh này. Đến Bình Phước, anh cứ nói tên em ra là chạy tới đâu cũng được. Hầu như xe nào đi Bình Phước cũng phải qua em, không thì chết”.

Tân còn cho biết có thể bao đường ở TP.HCM, giá 4 triệu đồng/ xe/tháng và khu vực từ Lâm Đồng đi Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM với giá khoảng 24 triệu đồng. “Nếu đi ở TP.HCM thì anh phải đóng tiền trước, còn ở Đồng Nai thì em cho gối đầu. Em còn có thể bao đường cho anh chạy ra đến tận Bình Thuận mà không gặp vấn đề gì” - anh ta quả quyết. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tiep-tay-cho-hung-than-xa-lo-mua-duong-dan-tram-2014042221345905.htm

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm