Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Tiếp dòng di sản 130 năm Nhà máy đèn bờ Hồ’ - ký ức ngành điện thủ đô

Hội thảo “Tiếp dòng di sản 130 năm Nhà máy đèn bờ Hồ” là dịp để cán bộ công nhân viên EVNHANOI ôn lại truyền thống ngành điện Hà Nội trong suốt hơn một thế kỷ.

EVNHANOI anh 1

Sáng 6/12, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã tổ chức hội thảo “Tiếp dòng di sản 130 năm Nhà máy đèn bờ Hồ”. Sự kiện diễn ra nhân kỷ niệm 130 năm thành lập Nhà máy đèn bờ Hồ - tiền thân của EVNHANOI. Hội thảo có sự tham dự của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cùng các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các thế hệ lãnh đạo EVNHANOI.

EVNHANOI anh 2

Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHANOI - cho biết trong suốt chặng đường đã qua, đơn vị từng bước phát triển vững chắc và lớn mạnh về mọi mặt, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao phó, qua đó đóng góp vào công cuộc đổi mới của Đảng, xây dựng thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. “Mỗi thành công của EVNHANOI được xây dựng trên nền tảng văn hóa điện lực Hà Nội do các thế hệ thợ điện thủ đô xây dựng, duy trì, kế thừa và phát triển. Đó là nét văn hóa đậm tính truyền thống, phù hợp đặc thù của ngành điện và bản sắc văn hóa thủ đô nghìn năm văn hiến, được thể hiện qua phong cách ứng xử nội bộ, ứng xử với khách hàng, qua các phong trào thi đua lao động sản xuất, các hoạt động văn hóa - xã hội - thể dục thể thao”, ông Tuấn nhấn mạnh.

EVNHANOI anh 3

EVNHANOI tiền thân là Nhà máy đèn bờ Hồ. Nhà máy được được khởi công xây dựng tại phố Francis Garnie (nay là phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) ngày 6/12/1892, gồm 2 tổ máy phát điện 1 chiều với tổng công suất 500 kW. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng thủ đô suốt 130 năm, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên EVNHANOI luôn giữ được tính kế thừa, phát huy truyền thống và thành tựu của thế hệ đi trước, đồng thời chủ động tiếp nhận những công nghệ, kỹ thuật mới.

EVNHANOI anh 7

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Thực tế, Hải Phòng là nơi có điện đầu tiên ở Việt Nam nhưng về bản chất, Hà Nội là nơi có nền điện công nghiệp sớm nhất và là một trong những trung tâm điện lực công nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, đến năm 1954, hệ thống điện công nghiệp của nước ta vẫn rất nhỏ, chủ yếu là điện tiêu dùng. Sau năm 1954, điện lực Việt Nam thay đổi lớn khi được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế dù tình hình khó khăn do chiến tranh. Từ đó, chúng ta bắt đầu xây dựng nền điện lực thực sự. Có thể nói, tuy nhà máy đèn bờ Hồ nhỏ bé nhưng đó là dấu ấn đầu tiên để xác lập vị thế ngành điện lực của cả nước”.

EVNHANOI anh 8

Chuyên đề hai của hội thảo có tên “Vai trò, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ EVNHANOI”. Ông Nguyễn Viết Quang - nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty điện lực Hà Nội - nhìn nhận EVNHANOI đã có những sự phát triển về khoa học công nghệ để thích ứng với thời đại mới. “Trước kia trạm biến áp 110 kV có người vận hành, giờ các thiết bị được thao tác xa, giải phóng toàn bộ kíp trực, không còn trường hợp ghi chép thông số thủ công hay nguy cơ gây mất an toàn với công nhân vận hành trực tiếp trạm biến áp. Tại EVNHANOI trước đây, công nhân thực hiện đo đếm điện năng, ghi chỉ số bằng tay, giờ đây ghi chỉ số tự động nhờ công tơ điện tử. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, việc sử dụng app di động có thể cung cấp chỉ số của từng khách hàng”.

EVNHANOI anh 9

Là thế hệ nhân viên đi sau, chị Hoàng Thị Thùy Dương bày tỏ niềm tự hào khi EVNHANOI ngày càng phát triển nhưng vẫn giữ truyền thống tốt đẹp từ thế hệ đi trước. Chị chia sẻ: "EVNHANOI ngày càng phát triển vượt bậc. Bản thân tôi nhận thấy có một điều không thay đổi chính là truyền thống quý báu của người thợ điện thủ đô: Sự cần cù, chịu khó, không quản ngại khó khăn, ngày đêm giữ cho dòng điện thủ đô luôn thông suốt. Là một cán bộ công nhân viên trẻ, tôi sẽ luôn nêu cao tinh thần, phát huy truyền thống vẻ vang của người thợ điện thủ đô, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

EVNHANOI anh 10

Phát biểu trong chuyên đề thứ ba có tên “Tiếp dòng di sản 130 năm Nhà máy đèn bờ Hồ”, ông Hoàng Trung Hải cho biết ngành điện thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung có lịch sử truyền thống hào hùng. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển, ngành điện cần so sánh, cập nhật tình hình với các quốc gia trên thế giới. Ông Hải nhấn mạnh: “Nếu chúng ta chỉ thấy tự hào về truyền thống mà không thấy được những thách thức trước mắt thì rất nguy hiểm. Tôi rất tự hào khi thế hệ sau của ngành điện luôn phát triển. Thách thức phía trước còn rất lớn, những gì chúng ta đã làm được rất đáng quý”. Ngoài ra, ông khẳng định chính những cán bộ nhân viên ngành điện quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia có nâng cao hay không, vì ngành điện là đầu vào của các ngành khác, có trọng trách là trong quá trình phát triển phải kiểm soát được giá đầu vào để các ngành khác cạnh tranh được.

EVNHANOI anh 11

Hướng về chặng đường sắp tới của EVNHANOI, ông Đặng Huy Cường - thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - khẳng định ngành điện thủ đô cũng như ngành điện cả nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được để tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện hơn nữa, thu được nhiều thành tích cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện, phát triển hệ thống điện hiện đại và đồng bộ, qua đó đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

EVNHANOI anh 12

Nhân dịp đặc biệt này, Nhà xuất bản Hà Nội cũng ra mắt cuốn sách ảnh mang tên “Tiếp dòng di sản 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ” ngay tại buổi hội thảo. Đây là ấn phẩm giá trị, chứa đựng những thông tin tư liệu quý báu về quá trình hình thành và phát triển của ngành điện thủ đô.

Giang Phương Linh

Ảnh: Lan Khuê

Bạn có thể quan tâm