“Tạm biệt, Boris!”, một giọng nói to vang lên khi cuộc họp hàng tuần của Quốc hội Anh kết thúc hôm 6/7. Theo sau đó, hàng loạt nghị sĩ trong cuộc họp đồng thanh hô “Tạm biệt!”, trực tiếp ngắt lời của người chủ trì phiên họp của hạ viện chất vấn thủ tướng Boris Johnson, theo CBS News.
Hành động từ các nhà lập pháp theo ngay sau bài phát biểu của cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tại cuộc họp.
Bất chấp có thêm ngày càng nhiều quan chức hôm 6/7, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel và Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps, thúc giục thủ tướng rời khỏi vị trí sau hàng loạt bê bối, ông Johnson vẫn cố bám trụ và đáp trả bằng cách sa thải Bộ trưởng Michael Gove khỏi nội các.
Vị trí của Thủ tướng Anh Boris Johnson mỗi lúc một lung lay nghiêm trọng khi chính phủ nước này chứng kiến 45 đơn từ chức tính đến hết ngày 6/7, bao gồm các quan chức cấp cao, và một người bị sa thải, theo BBC.
Cựu Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid phát biểu tại cuộc họp của Hạ viện ở London, ngày 6/7. Ảnh: Reuters. |
Làn sóng từ chức trên là cách mà các quan chức Anh phản ứng sau loạt bê bối của thủ tướng Johnson, đỉnh điểm là việc thủ tướng nói dối về vụ lùm xùm xung quanh Chris Pincher, quan chức bị cáo buộc sàm sỡ hai người đàn ông trong khi say xỉn.
Trước đó, sau khi vấp phải phản ứng về việc thăng chức cho ông Pincher, Thủ tướng Johnson đã xin lỗi nhưng nói dối rằng bản thân không biết về các cáo buộc. Ông Pincher hiện đã từ chức.
"Vượt quá tầm kiểm soát"
Hai bộ trưởng quan trọng nhất của nội các - Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid - hôm 5/7 tuyên bố từ chức, mở màn cho cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất của đất nước.
"Công chúng thực sự mong đợi chính phủ làm việc đúng đắn, hiệu quả và nghiêm túc… Tôi tin rằng những tiêu chuẩn này đáng để đấu tranh và đó là lý do tôi từ chức", ông Sunak viết trên Twitter hôm 5/7.
“Giọng điệu của một người với tư cách là nhà lãnh đạo, và những giá trị người đó đại diện, sẽ phản chiếu lên đồng nghiệp, đảng và cuối cùng là đất nước. Tôi trung thành phụng sự ông (Johnson) như một người bạn, nhưng tất cả chúng ta trước hết đều phụng sự đất nước. Khi phải lựa chọn giữa những sự trung thành đó, chỉ có thể có một câu trả lời”, ông Sajid Javid nói.
Cả hai đều quan chức nói họ không thể dung thứ cho văn hóa bê bối đã đeo bám ông Johnson trong nhiều tháng qua, đặc biệt là cáo buộc mở tiệc giữa lúc Anh phong tỏa phòng dịch.
Biểu tình phản đối Thủ tướng Anh Boris Johnson ở London, ngày 6/7. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Johnson sau đó đã nhanh chóng thay thế các bộ trưởng, nhưng hơn 40 đơn từ chức khác đã được đệ trình và làn sóng dường như vẫn chưa dừng lại, cho thấy mối đe dọa nghiêm trọng với chính phủ của ông vẫn chưa kết thúc.
Backbencher Andrew Murrison, người đã từ chức đặc phái viên thương mại vào hôm 5/7, viết trên Twitter: “Tình hình đang vượt quá tầm kiểm soát. Nhiệm vụ tuyệt đối của các bộ trưởng còn lại trong chính phủ của ông Johnson là phải từ chức".
Bob Neill - Chủ tịch Ủy ban tư pháp của Quốc hội Anh - trả lời: “Anh nói đúng, Andrew. Đất nước của chúng ta đang bị biến thành trò cười bởi sự ích kỷ của một người”.
Simon Hart, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xứ Wales, nằm trong số những người yêu cầu ông Johnson từ bỏ vị trí, sau đó đã nghỉ việc. Ông nói với thủ tướng trong lá thư từ chức của mình: "Các đồng nghiệp đã làm hết sức mình, cả về công lẫn tư để giúp ông xoay chuyển tình thế, nhưng thật đáng buồn khi tôi cảm thấy điều này đã vượt quá mức cho phép của chúng tôi".
Giọt nước tràn ly
Trong vài tháng qua, ông Johnson đã suýt sao vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của đảng của mình, và đối mặt với hàng loạt khoản phạt vì vi phạm các quy tắc về Covid-19 do chính ông đưa ra, khi tổ chức tiệc tại dinh thự của thủ tướng trong thời gian nước Anh phong tỏa.
Tuy nhiên, vụ bê bối liên quan đến ông Pincher đã trở thành giọt nước tràn ly, đạp đổ mức tín nhiệm ít ỏi còn sót lại của các quan chức chính quyền đối với nhà lãnh đạo của họ.
Các báo cáo truyền thông mâu thuẫn với khẳng định ban đầu mà văn phòng thủ tướng đưa ra, trong đó tuyên bố rằng ông không biết bất cứ điều gì về các cáo buộc cụ thể chống lại Pincher. Thủ tướng sau đó đã thay đổi phát ngôn của mình và nói rằng ông đã biết về một số cáo buộc, nhưng chúng không phải là khiếu nại chính thức.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp của Hạ viện ở London, ngày 6/7. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, thủ tướng Anh sau đó bị cáo buộc nói dối khi một cựu công chức cấp cao nói rằng ông Johnson đã được thông báo ngắn gọn "trực tiếp" về đơn khiếu nại chính thức chống lại Pincher. Johnson trả lời bằng cách nói rằng ông không nhớ về thông báo đó, và bản thân rất tiếc vì đã không hành động trước thông tin đó.
Ông Shapps đã nói với thủ tướng rằng không có cách nào để ông có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu về độ tín nhiệm sắp tới, và khuyên ông Johnson nên ra đi một cách đàng hoàng hơn bằng cách từ chức trước khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra. Ông Johnson không đồng ý.
Một bộ trưởng nội các khác xác nhận ông Johnson đã nói với họ rằng ông không có ý định từ chức, dù sự ủng hộ của ông đã giảm mạnh trong suốt cả ngày.
“Trong hoàn cảnh khó khăn, công việc của một thủ tướng khi đã nhận được sự ủy thác to lớn là phải tiếp tục. Và đó là điều tôi sẽ làm”, Thủ tướng Johnson nói trước Hạ viện Anh vào ngày 6/7, bác bỏ về khả năng từ bỏ chức vụ.
Một bộ trưởng mới của ông Johnson, Nadhim Zahawi, cũng nằm trong số các quan chức đưa ra lời khuyên cho thủ tướng. Ông Zahawi không thúc giục nhà lãnh đạo Anh từ chức, nhưng nhấn mạnh thách thức của chính phủ do ông quản lý khi làn sóng rời đi của các quan chức vẫn chưa dừng lại.