Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếng gọi ngẫu nhiên giữa New York và bản chất của may mắn

Khi ta xem thành công của người khác là “may mắn”, là ta đang chỉ bắt mình nhìn vào phần nổi của tảng băng chìm.

Năm 1994, doanh nhân Mỹ Barnett Helzberg gây dựng một chuỗi cửa hàng bán lẻ trang sức đạt doanh thu đến 300 triệu USD/năm. Ông muốn bán doanh nghiệp của mình để được thảnh thơi nghỉ hưu ở tuổi 60, nhưng chưa biết phải bán cho ai. Rồi một ngày, trong lúc đang đi bộ ngang khách sạn Plaza Hotel ở New York, ông bỗng nghe giọng một phụ nữ cất tiếng gọi “ông Buffett ơi”. Băn khoăn không biết liệu đây có phải là nhà đầu tư tỉ phú Warren Buffett hay không, Helzberg vẫn chủ động thử vận may bằng cách chủ động đến chào người đàn ông lạ mặt và tự giới thiệu về mình.

Hóa ra đó chính là Warren Buffett thật. Và đúng một năm sau, Helzberg đã bán được doanh nghiệp của mình cho nhà đầu tư. Tất cả chỉ nhờ vào một tiếng gọi ngẫu nhiên cất lên giữa New York rộng lớn. Một minh họa không thể hoàn hảo hơn cho câu nói của Seneca, khi sự “chuẩn bị” (một doanh nghiệp có sẵn và đang cần bàn) gặp gỡ “cơ hội” (Warren Buffett), Helzberg đã “may mắn”.

Quả thật, nhắc đến may mắn là bàn đến một phạm trù thú vị. Suy cho cùng, biết bao nền văn minh và nền văn hóa, từ Đông sang Tây, đều nhắc đến may mắn như một thực thể ngoại vi, một “thực thể” có khả năng tác động đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, “ban” cho ta những niềm hạnh phúc và nhấc ta thoát khỏi những bế tắc khổ ải của kiếp người. Vậy ta cần hiểu sao cho đúng về bản chất nếu có của cái gọi là may mắn?

su may man anh 1
Bản chất của sự may mắn chính là sự cần cù, siêng năng và chăm chỉ.

Tôi xin bắt đầu bằng việc kể câu chuyện về một chuyến du lịch nước ngoài. Có vẻ như bạn gái tôi để quên điện thoại trên ghế và chỉ phát hiện việc này khi đang đi vào làm thủ tục hải quan. Chúng tôi lập tức thông báo cho nhân viên sân bay để nhờ họ kiểm tra máy bay, nhưng đã quá muộn, chiếc máy bay đã trên đường quay về TP.HCM. Xác suất để chúng ta tìm được một vật dụng bị thất lạc trên một chiếc máy bay là bao nhiêu? Tôi tin là không nhiều. Chúng tôi bèn nhờ người thân liên lạc với bộ phận quản lý hành lý thất lạc của sân bay Tân Sơn Nhất để thông báo cho họ về hình dáng chiếc điện thoại, số ghế và mã hiệu chuyến bay của chúng tôi, trong trường hợp họ tìm thấy nó - nếu chúng tôi đủ may mắn.

Vấn đề là, trong suốt chuyến đi, nếu bạn gái tôi không vui vì bị mất điện thoại cùng nhiều dữ liệu quan trọng trong đó, tôi lại cảm thấy rất nhẹ nhàng và luôn thường trực một dự cảm rất khó giải thích là chiếc điện thoại đã an toàn và đang chờ chúng tôi ở sân bay quê nhà sau chuyến đi. Và kết quả đúng như vậy. Ngay sau khi vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi ra thẳng khu vực hành lý thất lạc và được những nhân viên rất tử tế ở đây trao lại đúng chiếc điện thoại của bạn gái tôi.

Chúng tôi đã may mắn. Đúng như vậy? Nhưng tại sao? Liệu có phải do tôi luôn giữ một tinh thần lạc quan tối đa về sự việc nên chúng tôi đã may mắn? Hay chúng tôi may mắn vì đã chủ động gọi cho nhân viên sân bay ở Việt Nam?

Thử tìm hiểu những câu chuyện đại chúng hơn, là lập trình viên Nguyễn Hà Đông với game Flappy Bird và rapper Đen Vâu. Con người ta có xu hướng xem thành công của người khác là do “may mắn”, một cách (vô tình hoặc cố ý) hạ thấp giá trị và thành quả lao động của người đó, hoặc phổ biến hơn là để xoa dịu phần nào cái tôi “tham - sân - si” khi thấy bản thân không được thành công như người khác. Nói cách khác, khi ta xem thành công của người khác là “may mắn”, là ta đang chỉ bắt mình nhìn vào phần nổi của tảng băng chìm.

Theo tôi, trong cả hai trường hợp kể trên, thì may mắn lại là “hệ quả” chứ không phải “nguyên nhân”.

Nguyễn Hà Đông, trong một tâm sự mới đây tại một tọa đàm về chủ đề khởi nghiệp và công nghệ, cho biết anh học lập trình từ năm 15 tuổi và bắt đầu tìm tòi lập trình game từ năm 17 tuổi, khi chuẩn bị làm chàng sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội. Và cứ thế, trong lúc nhiều bạn đồng lứa đang đốt thanh xuân và thời gian vào những quán net thâu đêm hoặc chỉ biết ngày ngày cắp sách “suông” lên giảng đường, thì Đông đã kiếm được việc làm nuôi thân từ năm hai và tự mở công ty từ năm 2011, chỉ hai năm trước khi làm ra Flappy Bird.

Đối với Đen Vâu, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến anh phải làm công việc công nhân vệ sinh (tức là nhặt rác) trên vịnh Hạ Long, nhưng ngày nào anh cũng tập tành mày mò sáng tác và chơi nhạc rap. Ròng rã suốt 10 năm trời “tu luyện” trong giới underground, để rồi vào một ngày đẹp trời, anh sáng tác ra bài hit Đưa nhau đi trốn.

Và sau Flappy Bird và Đưa nhau đi trốn thì phần còn lại đã là lịch sử, tôi không cần nhắc lại.

Vậy, giữa hai con người này có điểm gì chung? Chính là sự siêng năng và chăm chỉ. Họ siêng năng với công việc họ làm. Họ thật sự yêu công việc họ làm. Và may mắn, trong cả hai trường hợp này, là “phần thưởng” dành cho họ. Nói cách khác, may mắn chỉ là “hệ quả”, không phải “nguyên nhân”.

Để chốt bài theo một cách ít giáo điều nhất, ta có thể kết luận, bản chất của sự may mắn chính là sự cần cù, siêng năng và chăm chỉ - theo nghĩa tích cực nhất của những phẩm chất này, dù bạn là ai, làm gì hay ở đâu?

Đỗ Trí Vương

Bạn có thể quan tâm