Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Giết con chim nhại': Vì sao gây quá nhiều tranh cãi?

Tính cho tới hiện tại, "Giết con chim nhại" (To Kill a Mockingbird) vẫn đứng đầu trong Top 100 những cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất của "The Great American Read".

Có thể nói, Giết con chim nhại là cuốn tiểu thuyết thành công nhất của tác giả Harper Lee, cuốn sách được dịch ra hơn 40 thứ tiếng khác nhau và cũng bán được hơn 40 triệu bản trên khắp thế giới.

Và cũng kể từ khi được xuất bản lần đầu năm 1960, Giết con chim nhại đã luôn là tác phẩm gây tranh cãi bậc nhất thế giới. Đó là câu chuyện được kể dưới góc nhìn của cô bé Jean Louise Scout Finch về số phận của hai nhân vật khác là Tom Robinson và Boo Radley trong bối cảnh nước Mỹ những năm 1930.

Giet con chim nhai anh 1

"Giết con chim nhại" từng đem lại nhiều thành công danh giá cho tác giả Harper Lee. Ảnh: Floweranhbooks.


Nhưng điều đáng nói là, dù nằm ở vị trí cao nhất trong Top 100 những cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất của The Great American Read nhưng Giết con chim nhại lại từng sở hữu rất nhiều anti-fan bởi cách sử dụng ngôn từ mạnh bạo, không hề né tránh của mình.

Bên cạnh đó còn là rất nhiều lý do được đưa ra bởi những người “không ưa” cuốn tiểu thuyết này.

Vấn đề sắc tộc

Phải kể đến đầu tiên chính là việc nội dung của cuốn sách có đề cập trực tiếp đến vấn đề phân biệt chủng tộc (chàng trai da màu hiền lành Tom Robinson bị kết tội hiếp dâm một phụ nữ da trắng dù chỉ dựa trên những bằng chứng thiếu thuyết phục).

Nói thẳng ra, Robinson vô tội, nhưng đến cuối cùng, chàng trai ấy vẫn bị kết án, vẫn phải bỏ mạng vì thứ định kiến vô lý.

Nên nhớ rằng, cuốn tiểu thuyết ra đời vào năm 1960 - thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn còn đang diễn ra hết sức gay gắt. Những người da màu không nhận được các quyền lợi hợp pháp mà họ đáng được hưởng, bị kỳ thị nặng nề bởi người da trắng xung quanh. Và đúng lúc đó, Giết con chim nhại ra mắt, nó không khác gì một đòn đánh nặng nề vào những kẻ cực đoan.

Giet con chim nhai anh 2

Một phân cảnh trong "Giết con chim nhại" - bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên vào năm 1962.

Cho nên dù chỉ là câu chuyện về một gia đình nhỏ nhưng nó phản ánh được phần nào câu chuyện của cả thời đại. Chính vì vậy, có những thời điểm, Giết con chim nhại bị cấm ở nhiều nơi, bị xóa khỏi kệ sách của càng trường hay thậm chí ở cả những thư viện.

Người ta cho rằng cuốn tiểu thuyết đề cập quá trực diện đến những vấn đề về định kiến, sự phân biệt đối xử vô lối… và điều đó thì không phù hợp để họ sẵn sàng cho con cái mình tiếp xúc.

Xã hội luôn tồn tại hai mặt đối ngược. Ở đó, có cả lòng tốt, tình yêu thương và niềm hy vọng nhưng cũng ở đó, bản chất xấu xa, sự ghẻ lạnh và cả định kiến của con người cũng song hành.

“Có một thứ không tuân theo nguyên tắc số đông, đó là lương tâm con người.”

Trích "Giết con chim nhại" của Harper Lee.

Đối diện trước định kiến hà khắc và tư duy đám đông, chỉ có một mình luật sư Atticus là đủ can đảm để đứng lên bảo vệ sự thật và cậu bé Tom Robinson một cách chân thành nhất. Dù đứng trước tỷ lệ thành công vô cùng mong manh, Atticus vẫn kiên định với lựa chọn của mình.

Đề tài tiếp cận

Thứ hai, điều khiến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này gặp chỉ trích từ một bộ phận người đọc là do đã dám đề cập đến vấn đề bạo lực tình dục. Dù gì, đây cũng là một vấn đề nhạy cảm.

Việc Harper Lee nghiễm nhiên đưa nó vào tác phẩm của mình như một trong nhưng chi tiết đinh - định hình câu chuyện - đã khiến nhiều bậc phụ huynh không vui, họ cho rằng điều này là không thể chấp nhận được đối với trẻ em ở độ tuổi đi học.

Đến năm 1966, Giết con chim nhại vấp phải thách thức đầu tiên, bị cáo buộc là cuốn tiểu thuyết “vô đạo đức” vì dám đề cập đến đề tài cưỡng hiếp.

Thời gian sau đó, cuốn sách vẫn tiếp tục gặp phải những lời phàn nàn dù cho nó đã từng giật giải Pulitzer năm 1961 và được rất nhiều độc giả yêu quý. Phần lớn những chỉ trích này đều xuất phát từ đề tài mà cuốn tiểu thuyết tiếp cận.

Ngôn từ mạnh mẽ

Ngoài hai nguyên nhân trên, một lý do không thể không nhắc đến khiến cho Giết con chim nhại đem đến nhiều tranh cãi là bởi ngôn từ mạnh bạo, trực tiếp của nó. Điển hình như việc trong Giết con chim nhại có sự xuất hiện của rất nhiều “N-word”.

N-Word là cách viết lịch sự hơn của từ Nigger. Trong tiếng anh, đó là từ để chỉ người da màu và mang ý nghĩa không tốt, đôi khi còn là xúc phạm. Dù cho hiện nay sắc thái của từ này đã có nhiều biến đổi nhưng vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, đó sẽ là một vấn đề lớn khi đem vào sách.

Đó cũng là điều được tờ New York Times đề cập sau khi một ngôi trường ở Mỹ đưa nó ra khỏi danh sách đọc của lớp 8 vào năm 2017.

Ông Kenny Holloway, phó chủ tịch ban điều hành trường Biloxi đã nói: Có một số ngôn từ trong cuốn sách khiến người đọc cảm thấy khó chịu, chúng tôi có thể dạy cùng một bài học với những cuốn sách khác” và “cuốn sách có thể vẫn sẽ nằm trong thư viện nhưng chúng tôi không thể chờ lâu hơn để đưa một cuốn sách khác vào chương trình lớp 8”.

Nhưng dù là tác phẩm gây tranh cãi suốt gần 60 năm, không ai có thể phủ nhận sự thành công của Giết con chim nhại. Không chỉ đem lại cho tác giả Harper Lee giải thưởng Pulitzer danh giá, đó còn là cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất nước Mỹ với sự tham gia bình chọn của hàng triệu độc giả nước này.

Tiểu thuyết bán được 65 triệu bản, từng là sách cấm ở Mỹ

Ngay khi ra đời, "Bắt trẻ đồng xanh" đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ. Đây cũng là tác phẩm khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra đòi cấm sách.

Tranh cãi xung quanh kiệt tác 'Tiếng gọi nơi hoang dã' của Jack London

Tác phẩm này của Jack London đã bán được 10.000 bản ngay trong lần xuất bản đầu tiên. Thế nhưng vào những năm 20-30 của thế kỷ trước, nó từng bị cấm hoàn toàn.

Hứa Mộc

Bạn có thể quan tâm