Văn của Nguyễn Anh Đào vẫn là những truyện ngắn khai thác về nỗi đau, sự mất mát, đức hy sinh của người phụ nữ trong cuộc sống. Cách khai thác nhân vật không quá mới mẻ, khá chịu đựng thậm chí nhẫn nhịn thái quá khiến độc giả đã đánh giá rằng “nhân vật nữ của chị quá ngu” như Nguyễn Anh Đào vẫn kiên trì đeo bám suốt bấy lâu nay.
Nhưngn tới cuốn sách này, chị đã thể hiện rõ ràng hơn tình yêu mãnh liệt, sự bao dung đẹp đến hoàn hảo của những người vợ – người mẹ trong tác phẩm của mình. Đặc biệt hơn là cách giải quyết của chị cho nhân vật hoàn toàn mới, khi cần nhẫn nhịn để gìn giữ, nhân vật của chị thừa chịu đựng, nhưng khi phải bứt phá để được sống là mình thì họ cũng thừa mạnh mẽ và quả quyết.
Tập truyện ngắn Tiếng đàn khuyết. |
Với 15 truyện ngắn trong cả tập, gần như tác giả Nguyễn Anh Đào chỉ khai thác về nữ nhân vật chính, với những khía cạnh, những góc khuất của cuộc đời theo cách rất đời, rất người.
Chị chọn những hình tượng – những lớp kịch – từ những vật dụng mà độc giả có thể tìm thấy ngay cạnh họ, một chiếc ví, một chiếc nhẫn cưới, một cây đàn guitar... để thể hiện rõ ràng tình yêu là thứ được bắt nguồn ngay chính những điều rất dung dị, chẳng xa vời. Nhưng có lẽ, bởi chị lựa chọn những hình tượng rất đời này, nên khi sắp đặt nhiều câu chuyện trong cùng một tập, tác phẩm của chị đôi khi tạo cảm giác giống nhau, khiến xúc cảm người đọc không đến được quá nhiều cung bậc.
Tránh đi yếu điểm ở trên, tác giả Nguyễn Anh Đào khéo léo khai thác những hình ảnh có vẻ khá xa vời, nhưng cũng lại rất thật, rất chua cay. Những người vợ không được yêu thương trọn vẹn khi không đạt được đến thiên chức của mình – không thể sinh con, hoặc đau đớn hơn là không thể sinh con trai – mà chịu đựng sự phản bội, hất hủi từ chồng, từ người đã thề nguyện thương yêu nhau.
Có thể nói, Trứng khóc – câu chuyện từ email rao bán bào thai giả bằng silicon – là một điểm nhấn đau đớn cho cả tập truyện. Để đến tận cùng đau khổ, để đến cả khi hóa điên với hy vọng có được một đứa con, người phụ nữ ấy vẫn nuôi một hy vọng về thiên chức mà cô đã bị chối bỏ.
Không thể không thừa nhận rằng, đa phần tác phẩm đều quá bi ai, đau khổ, nên tập truyện của Nguyễn Anh Đào gây ra chuỗi cảm xúc từ uất giận, phẫn nộ hộ nhân vật, rồi lại quay sang trách nhân vật không tự tìm lối thoát cho chính mình... Có thể nói, đây là một tập truyện đầy trăn trở, đau đớn dữ dội và không dành cho những kẻ thất tình.
Có lẽ cũng nhận ra điều ấy, nên tác giả Nguyễn Anh Đào đã chọn Tiếng đàn khuyết làm chủ đề của cả tập sách, bởi theo chính chia sẻ của chị, thì đó là một kỷ niệm dễ thương của chính bản thân tác giả, xem như một lời tri ân dành cho nhân vật tạo được cảm hứng để chị có thể đeo bám chữ nghĩa suốt một năm ròng rã tạo nên tập truyện này, dám cho mình những phút giây quên đi sự nghiệt ngã của vòng xoáy cơm – áo – gạo – tiền.
Đây cũng là truyện duy nhất trong cả tập có một kết thúc nhẹ nhàng, tạm gọi là “có hậu” và chị nghĩ, đấy chính là hướng mở cho bản thân mình để khai thác khả năng sáng tác theo hướng mới.
Tác giả cũng dành hẳn một truyện ngắn để khai thác đức hy sinh của một người cha dành cho con gái, một người đàn ông đau lụy với dị đoan mà không đến được với người mình yêu. Lão thầy bói có những hình ảnh có thể liệt vào ghê sợ, khi Nguyễn Anh Đào chỉ ra rõ ràng rằng trái tim đàn ông cũng thừa nhân hậu, để nếu có phải hy sinh cả tính mạng của mình cũng bảo vệ đến bằng cùng người họ yêu thương, trân trọng.