Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền vào chứng khoán thấp nhất 27 tháng

VN-Index sau 4 phiên giảm liên tiếp đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, trong khi thanh khoản sàn HoSE cũng chạm mức đáy hơn 2 năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang diễn biến khá tiêu cực khi chỉ số xuống đáy và dòng tiền có dấu hiệu rời bỏ khi lượng giao dịch tiếp tục chạm mức thấp nhất trong hơn 27 tháng.

VN-Index trong phiên 14/2 giằng co mạnh mẽ quanh mốc tham chiếu để rồi theo một kịch bản cũ là bị bán mạnh về cuối phiên, nhất là áp lực bán quyết liệt ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Chỉ số đại diện sàn HoSE có lúc mất hơn 10 điểm nhưng kịp hồi phục trong phiên ATC để còn giảm 5,06 điểm (-0,48%) xuống mức 1.038,64 điểm. Đây đã là phiên giảm thứ 4 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Trong khi đó, bộ chỉ số HNX-Index đã có sự đảo chiều khi kết phiên trong sắc xanh tăng nhẹ 0,37 điểm (0,18%) đạt 204,86 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,96% đạt 77,94 điểm.

chung khoan,  VN-Index,  dau tu anh 1

Diễn biến VN-Index trong phiên 14/2. Đồ thị: TradingView.

Cổ phiếu vốn hóa lớn là tác nhân chính khiến thị trường tiếp tục giảm sâu. Riêng bộ chỉ số VN30 mất 5,47 điểm (-0,53%) với 17/30 mã giảm giá. Ngược lại chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa VNMID tăng 0,56% và nhóm vốn hóa nhỏ VNSML tăng 0,85%.

Cổ phiếu bất động sản vẫn đang bị bán tháo mạnh mẽ trong vài ngày gần đây. Phiên hôm nay vẫn ghi nhận NVL của Novaland và các mã HPX, MCG, PTL vẫn tiếp tục nằm sàn với khối lượng lớn.

VHM của đại gia Vinhomes lao dốc 3,7% về còn 42.750 đồng. PDR của Phát Đạt tiếp tục bị bán tháo mất 5,8% về sát giá sàn tại 10.600 đồng, sau khi có thông tin công ty chứng khoán bán giải chấp nhầm cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng cũng quay đầu tác động khá xấu lên chỉ số. BID của BIDV mất 2,3% xuống 43.400 đồng là mã ngân hàng gây tác động xấu nhất, xếp ngay sau là VCB của Vietcombank rớt 1,1% còn 92.500 đồng.

chung khoan,  VN-Index,  dau tu anh 2

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành thép là điểm sáng lớn nhất với đầu tàu Hòa Phát (HPG) bứt phá 2% lên 20.600 đồng. Các mã HSG của Hoa Sen tăng 3,1%, NKG của Nam Kim có thêm 2,2% hay TLH của Thép Tiến Lên tăng mạnh nhất 3,3%.

Một số mã ngân hàng tầm trung cũng tham gia đỡ chỉ số đáng kể như EIB của Eximbank tăng mạnh 3,5%, TPB của TPBank tăng 2,2%, OCB đi lên 35, VIB có thêm 1,1%...

Thị trường dù bị bán mạnh vẫn giao dịch khá tẻ nhạt khi dòng tiền chưa nhập cuộc.Giá trị giao dịch trên sàn HoSE chỉ đạt 6.723 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ 12/11/2020 đến nay, tức thấp nhất 27 tháng. Con số này chỉ bằng 1/7 so với thanh khoản kỷ lục cuối năm 2021.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng trở nên cân bằng hơn khi nhóm này mua vào hơn 1.055 tỷ và bán ra 999 tỷ, tương đương với mức mua ròng 56 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Chuyên gia chứng khoán gợi ý 3 yếu tố xem xét đầu tư

Chuyên gia chứng khoán cho rằng VN-Index có thể tăng 15% vào cuối năm nay, nhưng vẫn còn quá sớm để nói về một mức bứt phá mạnh mẽ.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm