Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền vào chứng khoán phá đỉnh, hệ thống giao dịch lại tắc

Nhà đầu tư tiếp tục gặp tình trạng khó khớp lệnh trên sàn HoSE vào cuối phiên chiều ngày 5/1 khi thanh khoản khớp lệnh lại lập kỷ lục mới.

Sau ngày giao dịch đầu tiên suôn sẻ khi nâng đơn vị giao dịch lô chẵn lên 10 lần thành 100 cổ phiếu/lệnh, tình trạng khó khớp lệnh trên sàn TP.HCM (HoSE) lại tái diễn vào phiên chiều ngày 5/1.

Công ty Chứng khoán SSI cho biết do hoạt động giao dịch tăng mạnh nên thông tin từ Sở Giao dịch trử về từ 14h05 đến khi kết thúc phiên ATC lúc 14h45 có hiện tượng chậm. Lệnh đặt trên sàn HoSE của nhà đầu tư trong khoảng thời gian này SSI không nhận được thông tin từ Sở và không được gửi vào sàn thành công.

Bản tin cập nhật cuối ngày của Chứng khoán BOS cũng xác nhận hiện tượng khớp lệnh chậm lại diễn ra vào cuối phiên chiều tại HoSE khi giá trị giao dịch vượt qua 15.500 tỷ đồng. MBS đánh giá hệ thống giao dịch vẫn chưa được như kỳ vọng của nhà đầu tư sau khi đã nâng đơn vị giao dịch lô chẵn tối thiểu lên 100 cổ phiếu/lệnh.

Việc khó khớp lệnh tại HoSE diễn ra trong ngày thanh khoản lại xác lập kỷ lục mới. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trong phiên 5/1 đạt 14.791 tỷ đồng, nhỉnh hơn 30 tỷ so với kỷ lục cũ vừa được thiết lập trong phiên hôm qua. Cộng với giao dịch thỏa thuận, tổng thanh khoản phiên 5/1 hơn 16.200 tỷ.

Con số này có thể còn cao hơn nhiều nếu không xảy ra hiện tượng quá tải hệ thống. Vào thời điểm 14h05, giá trị giao dịch khớp lệnh đã đạt 14.395 tỷ đồng nhưng chỉ tăng thêm chưa đến 400 tỷ đến khi kết thúc phiên ATC.

giao dich chung khoan anh 1

Thanh khoản phiên 5/1 trên sàn HoSE gần như đi ngang từ thời điểm 14h05. Ảnh: VNDS.

Trước đó, lãnh đạo HoSE cho biết việc nâng đơn vị giao dịch lô chẵn từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu mỗi lệnh sẽ làm giảm khoảng 18% số lượng lệnh giao dịch mỗi phiên, qua đó giảm tải cho hệ thống của HoSE.

Phía Sở nhiều lần nhấn mạnh hệ thống giao dịch hoàn toàn bình thường, không ghi nhận sự cố. Tuy nhiên, năng lực của hệ thống công nghệ thông tin dự phòng có giới hạn trong khi số lượng lệnh của 20 công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường tăng 3-12 lần trong năm 2020.

HoSE đang có dự án thay đổi hệ thống công nghệ để đáp ứng thanh khoản ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên các chuyên gia, nhà thầu phía Hàn Quốc chưa thể sang Việt Nam dẫn đến dự án chưa thể hoàn thành. Việc thay đổi hệ thống sẽ là ưu tiên hàng đầu trong năm 2021.

Trở lại với phiên giao dịch ngày 5/1, thị trường tiếp tục đà hưng phấn khi nhà đầu tư vẫn mạnh tay đổ tiền mua cổ phiếu. VN-Index đóng cửa ở 1.133 điểm, tăng 12 điểm (1,1%). Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên mua với 277 cổ phiếu tăng giá và 166 mã giảm.

Các cổ phiếu bluechip tác động tích cực nhất vào đà tăng của VN-Index hôm nay là VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), VRE (Vincom Retail), MBB (MBBank), VNM (Vinamilk). Các mã này tăng từ 2%-5%.

MBB đồng thời bất ngờ chiếm vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 34 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên 5/1. Đây cũng là một trong 3 mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất bên cạnh VRE và VHM. Khối ngoại hôm nay tổng cộng mua ròng 517 tỷ đồng trên toàn thị trường.

“Thị trường đang rất khỏe bất chấp đêm qua chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh. Dòng tiền ngày càng mạnh và chỉ số vượt các mức cản khá dễ dàng. Bên cạnh đó khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng, củng cố thêm sức mạnh cho đà tăng hướng đến đỉnh lịch sử 1.200 điểm”, MBS dự báo.

Còn BOS nhận định các nhịp rung lắc sẽ xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn tới khi các chỉ báo đang đi sâu vào vùng quá mua. Công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ danh mục hiện tại, hạn chế giải ngân các mục tiêu đầu tư ngắn hạn mới khi thị trường đã đi vào vùng rủi ro cao.

Năm thắng lớn của 'nhà đầu tư F0' chứng khoán

Sau cú sốc lao dốc vào tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh mẽ trong 9 tháng cuối năm với mức tăng gần 70%, giúp nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm thắng lớn.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm