Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiễn ông Táo, nhớ nồi cháo mật của bà, lòng hồi hộp chờ xuân

Cứ đến 23 tháng Chạp, lòng tôi lại nôn nao một cách lạ lùng. Tết đã về gần lắm rồi. Từng gương mặt người, từng nhành cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm những hân hoan.


Năm nay, Tết ông Công- ông Táo rơi vào thứ hai đầu tuần nên mọi thứ có phần tất bật, hối hả hơn. Hôm qua và cả hôm kia nữa, từ sáng sớm, tôi đều nghe thấy tiếng bát đĩa, dao thớt rộn ràng từ nhà hàng xóm đưa sang.

Thói quen ngủ nướng tạm thời nhường chỗ cho những ngày cuối năm bận bịu. Có lẽ vì ngại ngần với cái cập rập và gấp gáp của ngày đầu tuần nên nhiều gia đình muốn tiễn Táo Quân sớm hơn một chút. Có sao đâu nhỉ? “Lễ ở tâm, lòng thành mới quý”. Tôi chợt lời bà ngoại vẫn nói năm nào.

Hăm ba tháng Chạp, Tết Táo Quân, chẳng ai quên điều này. Mà muốn quên cũng không quên được. Bởi trước đó cả tuần, người ta đã bày la liệt các bộ hài mũ xanh xanh, đỏ đỏ ở khắp hàng quán. Những thứ đồ mã bắt mắt ấy làm phố phường vui tươi hơn. Chợ quê cũng vì thế mà được khoác lên màu áo mới. Người ta gọi nó bằng cái tên rất đỗi hân hoan: Chợ Tết.

Tien ong Tao,  nho noi chao mat cua ba,  long hoi hop cho xuan anh 1
Từ ngày 23 âm lịch, không khí sắm Tết càng thêm tấp nập.

Tết đã về gần lắm rồi. Từ đầu tháng, các bà, các mẹ đã bàn chuyện sắm Tết, chuyện gói bánh chưng. Những món ăn cầu kì như dưa hành được chuẩn bị từ ngoài rằm. Nhưng tới hăm ba, mọi thứ như hối hả hơn. Tết ông Táo trở thành một dấu mốc đặc biệt.

Nhìn những con gà vàng óng, vài đĩa xôi gấc đỏ cam bắt mắt trong những tủ kính sáng trưng, tôi lại nhớ đến mâm cỗ cúng Táo Quân của bà. Đã lâu lắm rồi, từ khi lên thành phố học đại học, tôi chưa được ăn cỗ hăm ba ở nhà.

Xôi, gà, nem, chả… thì ở đâu chả có. Sống giữa lòng Hà Nội kiếm những thứ ấy còn tiện hơn. Đi một vòng chợ là trên tay đã đầy đủ đồ cúng mà chẳng phải mướt mải mồ hôi. Nếu không có thời gian đi sắm sửa, chỉ cần vài cú điện thoại là mọi thứ sẽ xuất hiện nay trước cửa. Sự tiện lợi ấy khiến nhiều người thích thú với cuộc sống nơi đô thị.

Tien ong Tao,  nho noi chao mat cua ba,  long hoi hop cho xuan anh 2
Ở thành phố, người ta dễ dàng mua những con gà luộc sẵn bóng bẩy, ngon mắt. 

Mỗi lần đến hăm ba tháng Chạp tôi lại thèm cháo mật. Đó là một thức quà không thể thiếu trên mâm cỗ cúng Táo Quân ở quê tôi. Chỉ một ít gạo nếp, một nhúm đỗ xanh xát vỏ, một nhánh gừng, cùng bát mật mía con con mà làm lũ trẻ nít háo hức suốt mấy ngày. Cái cảm giác đó cũng giống hệt như khi người ta hồi hộp đợi mấy chiếc bánh chưng con cóc được vớt ra khỏi nồi.

Thực tình, bánh chưng thỉnh thoảng vẫn được ăn mà không cần đợi Tết. Mỗi dịp có đám xá, khi mà người ta đã ngán xôi thì thứ bánh ấy là một sự lựa chọn hoàn hảo để thay thế. Nhưng cháo mật thì chỉ được ăn vào mỗi hôm hăm ba âm mà thôi.

Trời càng lạnh thì ăn cháo mật càng ngon, bởi mùi gừng tỏa ra rất đượm. Những hạt cháo màu cánh gián nằm gọn trong bát sứ trắng xinh xinh. Cả bọn háo hức đợi bà châm hương lên bàn thờ mới dám quẹt nồi. Lớp cháy bùi bùi, dẻo thơm, ngọt ngào trở thành món quà lạ miệng.

Hết ba tuần nhang, bà hạ lễ. Mấy anh chị em xúm xít bên mâm cháo. Thỉnh thoảng có bát dính chút tàn hương màu xám nhạt, lấy thìa gạt mất một tí xíu thôi mà cũng thấy tiếc.

Tien ong Tao,  nho noi chao mat cua ba,  long hoi hop cho xuan anh 3
Mỗi lần nhìn thấy mật mía nâu sánh, tôi lại nhớ đến món cháo mật của bà.

Nhớ Tết ông Táo, nhớ cháo mật của bà, lại làm tôi nhớ đến Nguyên, cậu bạn hàng xóm hiền lành. Bố Nguyên mất sớm, mẹ lại đi làm xa, ở nhà chỉ còn hai bà cháu. Thi thoảng, anh bạn nhỏ ấy lại ngó qua cửa sổ, nhìn cảnh tấp nập ở nhà tôi.

Mâm cỗ cúng hăm ba của nhà tôi bao giờ cũng đầy đặn, từ chè bánh đến các món mặn. Nếu hôm đó nhằm đúng vào ngày cuối tuần, tôi thường bị mẹ sai vặt đến chóng mặt. Phải chạy đi, chạy lại nhiều khiến tôi cáu kỉnh, mặt nhăn hơn khỉ.

Mỗi lần Nguyên nhìn thấy vậy, lại động viên bằng giọng buồn buồn: “Cả nhà quây quần nấu cỗ vui mà, Hà đừng cáu nữa!”. Vừa nói, Nguyên vừa tỉ mẩn cạo mấy sợi lông trắng trên miếng thịt ba chỉ. Nhà neo người, lại không dư giả, bà cậu chỉ mua một ít thịt hoặc giò, đồ thêm đĩa xôi và bày một chút hoa quả để cúng Táo Quân.

Những món như cháo mật, rất ít khi được xuất hiện ở nhà Nguyên, trừ những năm mẹ cậu về quê ăn Tết sớm. Nhìn tôi háo hức khoe nồi cháo mật, mắt Nguyên ánh lên vẻ ganh tỵ. Bà tôi đã để ý thấy điều đó. Thế nên, nồi cháo mật nhà tôi vẫn thường dôi ra một bát to.

Nhiều năm trôi qua, bầy cháu đã lớn hết cả. Lũ trẻ dần xa mái nhà của bà. Thế nên, nồi cháo mật cũng không còn đầy đặn như trước. Nhưng mỗi năm vào Tết ông Táo, bà tôi vẫn nấu vài ba bát cháo mật. Cứ thế, vừa ăn bà vừa nhớ người nơi xa.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm