Năm 2018, ngoại trừ số ít ngân hàng có lợi nhuận sau thuế sụt giảm thì phần lớn đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng. Thống kê tại 25 ngân hàng công bố báo cáo tài chính năm vừa qua, có tới 21 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Thậm chí, có tới 16 ngân hàng sở hữu khoản lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng năm vừa qua.
Những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng rất mạnh năm vừa qua phải kể tới ACB với lợi nhuận sau thuế đạt 5.137 tỷ đồng, tăng tới 143%; ngân hàng VIB năm qua cũng ghi nhận 2.194 tỷ lãi ròng, tăng 95%. Lợi nhuận sau thuế tại Vietcombank; TPBank; MBBank; hay HDBank… năm vừa qua cũng đều tăng trên 60% so với năm trước đó.
Rất nhiều ngân hàng đang sở hữu khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: NBA. |
Xin "để dành" hàng nghìn tỷ cổ tức
Kéo theo những khoản lợi nhuận tăng mạnh là các khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ngân hàng gia tăng hàng nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, có tới 4 ngân hàng đang có "của để dành” này đạt trên 10.000 tỷ là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Techcombank.
Trong khi đó, nhiều cái tên khác cũng ghi nhận hàng nghìn tỷ lợi nhuận chưa phân phối như ACB (5.105 tỷ); MBBank (7.124 tỷ); VPBank (5.187 tỷ); hay Sacombank cũng đang có 3.521 tỷ lợi nhuận chưa phân phối...
Ngoài một phần dùng để trích lập các quỹ đầu tư, phúc lợi, khen thưởng... nhiệm vụ chính của khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là để phân phối lợi nhuận cho các cổ đông thông qua cổ tức.
Mới đây, MBBank đã thông báo về việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6% (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu MBB sẽ nhận cổ tức 600 đồng).
Tuy nhiên, đây cũng là ngân hàng hiếm hoi thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông của mình. Hầu hết ngân hàng còn lại đều xin cổ đông hoặc không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho phần lợi nhuận của năm 2018.
Như ACB, tài liệu ĐHĐCĐ thường niên mới công bố cho biết ngân hàng sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, và con số này sang năm 2019 dự kiến cũng sẽ là 20%.
Hay như NamABank, cổ đông ngân hàng này cũng đã thống nhất thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng cổ phiếu cho năm 2018. Ngay cả HDBank, ngân hàng nhiều năm chia cổ tức bằng tiền mặt dự kiến cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức hoàn toàn bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%.
Những "ông lớn" như Vietcombank, Vietinbank từ đầu năm 2019 cũng đều xin phép NHNN được chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt như mọi năm. Thậm chí, ban lãnh đạo Vietinbank còn đề xuất được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 cho đến năm 2020.
Cũng sở hữu hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nhưng VPBank, Techcombank hay TPBank... đều dự kiến sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với lợi nhuận năm 2018.
Tiền nhiều để ngân hàng làm gì?
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, CEO của Techcombank, thẳng thắn những ý kiến muốn chia cổ tức là do họ chưa hiểu hết tầm nhìn và những mục tiêu dài hạn mà ngân hàng theo đuổi.
Ông giải thích: "Nếu cổ đông giữ cổ tức dài hạn thì giá trị ngân hàng luôn đi lên và ngược lại, nếu ngân hàng không có khả năng đầu tư thêm thì việc chia cổ tức là đương nhiên.
Phải thấy, lợi nhuận của Techcombank trong nhiều năm liền luôn tăng trưởng 20% mỗi năm. Điều này có được là do nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố cổ tức được giữ lại. Hơn nữa, nếu cổ đông lấy cổ tức bằng tiền thì liệu có đảm bảo lợi nhuận mỗi năm 20% hay không?".
Thực tế, việc nhiều ngân hàng xin giữ lại, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu chủ yếu nhằm mục đích cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ của ngân hàng để đáp ứng tiêu chuẩn về vốn tự có theo Basel II bắt đầu tư năm 2020.
Theo đó, mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần là đến cuối năm 2020, các ngân hàng cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II tiêu chuẩn trở lên.
Tiêu chuẩn này quy định, hệ số an toàn vốn (CAR) - tính bằng tỷ lệ vốn tự có trên tài sản có rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường phải cao hơn 8%. Nếu tính theo công thức mới này, CAR nhiều ngân hàng Việt sẽ không đáp ứng được tỷ lệ này.
Trong số 10 ngân hàng thí điểm Basel II từ năm 2016, đến nay, mới có 5 ngân hàng chính thức đạt tiêu chuẩn này là Vietcombank, VIB, VPBank, MBBank, TPBank và thêm một ngân hàng nằm ngoài danh sách là OCB.
Còn lại, nhiều ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR tối thiểu 8%. Điều này khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Nếu không thể tăng vốn, các ngân hàng buộc phải cắt giảm dư nợ tín dụng để đảm bảo CAR đạt chuẩn. Cắt giảm dư nợ tín dụng cũng đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận.
Vietinbank trong quý IV/2018 là ví dụ điển hình của việc không thể tăng vốn tác động đến kết quả kinh doanh. Cụ thể, trong quý này, Vietinbank đã buộc phải cắt giảm 26.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng để đảm bảo hệ số CAR ở mức an toàn. Điều này là nguyên nhân chính khiến ngân hàng ghi nhận khoản lỗ trước thuế 853 tỷ đồng trong quý.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng được chuyển phần lợi nhuận chưa phân phối thành nguồn vốn. Khi vốn tự có tăng lên, các ngân hàng sẽ có cơ sở để tăng trưởng tín dụng.
Một quy định khác khiến nhiều ngân hàng hiện nay không thể chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông chính là Thông tư 08/2016 của NHNN. Theo đó, thông tư quy định TCTD được chấp thuận gia hạn thời gian trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng buộc phải chia cổ tức bằng cổ phiếu để cải thiện năng lực vốn cho năm tài chính tiếp theo.