Nguyễn Tiến Minh và Jan Jorgensen đã thực hiện một loạt rally kéo dài đến hơn 2 phút với 108 lần chạm vợt. Pha cầu kết thúc bằng một cú đập cầu ra ngoài của Tiến Minh dù rằng tình huống đó khá nhạy cảm.
Hiện tại Liên đoàn cầu lông thế giới - BMF vẫn đang kiểm tra liệu đây có phải là pha rally dài nhất trong lịch sử các trận cầu lông đơn nam chuyên nghiệp hay không. Nếu được công nhận, Tiến Minh sẽ đi vào lịch sử cầu lông thế giới.
Chiếc huy chương lịch sử
Nhìn nhận ở góc độ nào việc Tiến Minh đoạt tấm HCĐ tại giải cầu lông vô địch thế giới năm nay cũng là một cột mốc lịch sử của cầu lông Việt Nam và bản thân anh nói riêng. Ngay sau chiến thắng trước Jan Jorgensen ở tứ kết, Tiến Minh đã vỡ òa vì hạnh phúc bởi chắc chắn anh sẽ nhận được HCĐ, tấm huy chương mà anh thừa nhận là “để đời” vì trước giờ thành tích tốt nhất của anh chỉ là vào đến tứ kết năm 2011.
Tiến Minh trên bục nhận huy chương. |
Nhận huy chương đồng thế giới từ thành viên ban tổ chức. |
Tiến Minh cùng nhận HCĐ giải VĐTG cùng Du Pengyu (Trung Quốc). Tay vợt vô địch là Lin Dan, còn HCB Lee Chong Wei đã không thể tham dự do chấn thương ở trận chung kết. |
Ở trận bán kết sau đó, Tiến Minh gặp thử thách quá lớn mang tên Lin Dan. Tay vợt người Trung Quốc này dù kém Minh đến 279 bậc (Lin Dan xếp hạng 286 và tham dự giải VĐTG bằng suất đặc cách) nhưng là huyền thoại sống của cầu lông thế giới.
Lin Dan là tay vợt duy nhất 2 lần liên tiếp vô địch Olympic (2008, 2012), 4 lần vô địch thế giới cũng như là người duy nhất vô địch 9 giải cao quý nhất của cầu lông thế giới. Thứ hạng không phản ánh được đúng đẳng cấp của Super Dan. Thế nhưng ở trận bán kết, Tiến Minh đã chơi cực hay ở set 1, có lúc dẫn 6/4 rồi san bằng điểm số 11/11, 13/13, 14/14…
Tiến Minh chỉ hụt hơi ở thời điểm cuối set 1 và để thua 17/21. Ở set 2, Tiến Minh không thể trụ vững được trước Lin Dan quá khỏe. Anh thua 15/21. Một kết quả không quá bất ngờ. Tiến Minh không buồn vì điều này, bởi vì anh chỉ thua nhà vô địch (Lin Dan lên ngôi sau khi thắng Lee Chong Wei ở trận chung kết).