Theo CNBC, hồi tháng 3, Three Arrows Capital (3AC) vẫn quản lý khối tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD và là một trong những quỹ đầu cơ tiền mã hóa có tiếng. Giờ, công ty đã trượt tới bờ vực phá sản. Chiến lược giao dịch rủi ro của 3AC đã chịu tác động nặng nề khi thị trường tiền mã hóa suy yếu.
Đáng nói, những rắc rối của 3AC có thể chỉ mới bắt đầu. Công ty còn làm ăn với nhiều sàn giao dịch và bên cho vay khác.
Kể từ tháng 4, giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa đã bốc hơi hơn 1.000 tỷ USD. Giá Bitcoin và Ether - 2 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - lao dốc mạnh. Các nhà đầu tư đặt cược vào những công ty như 3AC chịu thiệt hại lớn.
Kể từ tháng 4, giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa đã giảm hơn 1.000 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Tác động lan tỏa
Sàn giao dịch tiền mã hóa Blockchain.com có thể thiệt hại 270 triệu USD do các khoản vay của 3AC. Voyager Digital cũng nộp đơn bảo hộ phá sản sau khi 3AC vỡ nợ khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD.
Các công ty cho vay tiền mã hóa Genesis và BlockFi (Mỹ), nền tảng phái sinh tiền mã hóa (BitMEX) và sàn giao dịch FTX cũng đang thua lỗ.
"Tiền mặt đang bốc hơi hoặc bị rút về, những tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành được thắt chặt, các tổ chức cũng tăng cường kiểm tra năng lực thanh toán. Do đó, mọi người ồ ạt rút tiền khỏi những đơn vị cho vay tiền mã hóa", ông Nic Carter tại Castle Island Ventures bình luận.
Chiến lược kinh doanh của 3AC là vay tiền ồ ạt, sau đó quay vòng vốn và đầu tư số tiền đó vào những dự án tiền mã hóa khác, thường là các dự án mới.
Công ty đã tồn tại một thập kỷ. Điều đó giúp 2 nhà sáng lập Zhu Su và Kyle nâng cao uy tín trong một ngành công nghiệp còn non trẻ.
Theo CNBC, các luật sư đại diện cho chủ nợ của 3CA cho biết 2 nhà sáng lập của 3AC vẫn chưa hợp tác với họ "theo bất cứ hình thức nào". Theo những cáo buộc, quá trình thanh lý tài sản cũng chưa được triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc công ty không có tiền mặt để trả bên cho vay.
Việc 3AC vỡ nợ có thể kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt công ty khác trong ngành công nghiệp tiền mã hóa. Ảnh: Reuters. |
Sự sụp đổ của 3AC có thể bắt nguồn từ cú rơi của terraUSD (UST) hồi tháng 5. UST vốn là stablecoin (tạm dịch: đồng tiền ổn định) neo với đồng USD phổ biến nhất.
Hoạt động của UST dựa trên một hệ thống phức tạp, hứa hẹn giữ nguyên giá trị bất kể sự biến động của thị trường tiền mã hóa. Trên nền tảng Anchor, các nhà đầu tư được cam kết trả 20% lãi suất trên lượng UST nắm giữ. Trước đó, giới quan sát đã cảnh báo tỷ lệ này là không bền vững.
"Sự suy yếu của các tài sản rủi ro cùng với tính thanh khoản giảm đi đã phơi bày những lỗ hổng của các dự án trả lãi cao, thiếu bền vững, và khiến chúng sụp đổ, chẳng hạn UST", chiến lược gia Alkesh Shah tại Bank of America bình luận.
Đà bán tháo điên cuồng do sự sụp đổ của UST và token LUNA đã khiến các nhà đầu tư mất 60 tỷ USD.
Quân cờ domino đầu tiên đổ xuống
Ông Nik Bhatia - giáo sư tài chính và kinh tế kinh doanh tại Đại học Nam California - cho rằng sự sụp đổ của UST và LUNA là quân cờ domino đầu tiên đổ xuống trong "chuỗi ác mộng dai dẳng của đòn bẩy và gian lận".
Nói với Wall Street Journal, 3AC cho biết đã đầu tư 200 triệu USD vào LUNA. Nhưng các nguồn tin khác chỉ ra khoản đầu tư của quỹ lên tới 560 triệu USD. Giờ chúng rơi về 0 khi dự án sụp đổ.
Cú rơi của UST đã làm rung chuyển ngành công nghiệp và đẩy nhanh đà giảm của những loại tiền mã hóa khác.
Tháng trước, Financial Times đưa tin các công ty cho vay BlockFi và Genesis đã bán giải chấp vị thế của 3CA do công ty không thể đáp ứng lệnh gọi ký quỹ.
Họ không những không phòng ngừa rủi ro, mà còn làm bốc hơi hàng tỷ USD của các chủ nợ
Ông Nik Bhatia, giáo sư tài chính và kinh tế kinh doanh tại Đại học Nam California
Nhà đầu tư vay thêm tiền của các bên cho vay để tăng sức mua vị thế. Khi thị trường giảm giá, bên cho vay sẽ thực hiện lệnh gọi ký quỹ nhằm đẩy tỷ lệ tài sản thực có trên tổng giá trị tài sản về mức yêu cầu.
Đến lượt mình, các chủ nợ của 3AC cũng không còn tiền để trả cho nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lẻ từng được hứa hẹn mức lãi suất hàng năm lên tới 20%.
"Họ không những không phòng ngừa rủi ro, mà còn làm bốc hơi hàng tỷ USD của các chủ nợ", ông Bhatia bình luận.
Theo CoinDesk, tuần trước, ông Peter Smith - CEO của Blockchain.com - khẳng định sàn giao dịch của công ty "vẫn đảm bảo tính thanh khoản và đủ năng lực thanh toán". Vị CEO cho biết khách hàng của công ty sẽ không bị ảnh hưởng.
Nhưng Voyager cũng đưa ra tuyên bố tương tự chỉ vài ngày trước khi nộp đơn phá sản.
Theo ông Bhatia, tác động tiêu cực sẽ lan tỏa đến mọi công ty nắm giữ nhiều tài sản rủi ro và đang bị suy yếu thanh khoản. Thêm vào đó, ngành công nghiệp tiền mã hóa cũng không có nhiều biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lẻ thậm chí không biết đến cuối cùng, khoản đầu tư của họ sẽ còn lại gì.