Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền lương, thưởng và việc thay đổi cung cách quản lý

Ông Đặng Như Lợi, chuyên gia về tiền lương, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ về tiền lương, thưởng trong công ty có vốn Nhà nước.

- Nếu được ban hành,  dự thảo nghị định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước (dự thảo) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo sẽ là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước. Ông đánh giá như thế nào về dự thảo nghị định này?

- Theo tôi, đây là dự thảo tạm thời đưa ra để thử phản ứng dư luận. Còn nếu thật sự để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường phù hợp với chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước thì dự thảo này không đúng ngay từ tên gọi và chưa phù hợp trong nội dung quy định, điều chỉnh.

“Phải chăng cho đến nay chúng ta vẫn muốn đi theo con đường “cái không cần quản lý thì lại quản lý, cái cần quản lý thì lại không quản lý” của cách làm xưa cũ”, ông Đặng Như Lợi.

Đầu tiên cần nghiên cứu kỹ lưỡng, hiểu chính xác Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định về quản lý nhà nước; quyền và trách nhiệm của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát của công ty cổ phần trong quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng như thế nào. 

Trên cơ sở đó, Chính phủ mới có văn bản quy định, điều chỉnh nội dung nào, ra sao cho không trái với các luật hiện hành và phù hợp việc quản lý các công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, thậm chí cả đối với doanh nghiệp nhà nước.

Không thể coi công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là của Nhà nước để quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng gần giống như quản lý doanh nghiệp nhà nước trước đây.

Hơn nữa, nhiều năm rồi, xét về tổng thể, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi phí vật chất (gọi tắt C1+C2) chiếm phần lớn trong giá thành, phí lưu thông hoặc doanh thu. Từ khi giao quyền chủ động cho doanh nghiệp, ta chưa có phương thức nào quản lý chi phí vật chất cho chặt chẽ mà chủ yếu đặt niềm tin vào đội ngũ người quản lý, những người được cơ quan đại diện của Nhà nước bổ nhiệm nhưng về bản chất cũng chỉ là những người làm thuê.

Còn chi phí lao động, tiền lương và các khoản chi liên quan trực tiếp đến người lao động (gọi tắt là chi phí V) chiếm tỷ trọng không lớn lắm trong giá thành, phí lưu thông hoặc doanh thu, là động lực đối với người lao động thì rất nhiều cơ quan quản lý lại bó chặt.

Phải chăng cho đến nay chúng ta vẫn muốn đi theo con đường “cái không cần quản lý thì lại quản lý, cái cần quản lý thì lại không quản lý” của cách làm xưa cũ.

- Theo dự thảo nói trên, lương người quản lý trong công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước dao động từ 40-100 triệu đồng gắn với mức lợi nhuận của công ty. Điều đó liệu có hợp lý không, thưa ông?

- Thứ nhất, theo dự thảo, lương của cấp quản lý được tính bình quân thực hiện của năm trước liền kề và chỉ dao động trong khung, trần từ 40-100 triệu đồng/tháng, tùy theo loại quy mô lợi nhuận. Khi lợi nhuận vượt mức tối đa theo loại quy mô thì tiền lương bình quân thực hiện cũng chỉ dừng lại ở trần quy định. Như vậy là không hợp lý.

Thứ hai, về việc gắn mức lương với con số lợi nhuận tuyệt đối của công ty, vấn đề ở đây là cần nghiên cứu các yếu tố tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là gì. Phải chăng lợi nhuận đang phụ thuộc vào các yếu tố như ngành hàng, địa bàn kinh doanh, suất đầu tư, tính độc quyền, thương hiệu do Nhà nước gắn cho, ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh, do chính sách tiền tệ, tài chính…

Những yếu tố đó đâu phải là nội lực cá nhân của người quản lý để xác định tiền lương cao hay thấp. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn hoặc tỷ suất lợi nhuận trên tiền lương mới quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh, mới phản ảnh yếu tố chủ quan, năng lực chỉ đạo, điều hành của người quản lý doanh nghiệp. Suất đầu tư không đổi mà tỷ suất lợi nhuận trên vốn hoặc tỷ suất lợi nhuận trên tiền lương ngày càng tăng thì cần phải có cơ chế tiền lương, tiền thưởng hợp lý cho người quản lý.

- Theo ông, quy định mức lương chặt chẽ như vậy có dẫn tới việc người quản lý tại các công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước tìm mọi cách để có thu nhập ngoài lương?

- Hiện nay, trong khu vực công và khối doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước chi phối, người quản lý được quyền chủ động tất cả. Được giao quản lý và sử dụng một khối tài sản, tiền của lớn của Nhà nước nhưng lại không chịu một phương thức quản lý chặt chẽ, có hiệu quả về chi phí sản xuất, kinh doanh, quá trình điều hành. 

Các hoạt động mua - bán vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ, vay vốn, liên doanh, liên kết, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn, thành lập các đơn vị mới, tuyển dụng, bổ nhiệm... đều có thể bị lạm dụng, tư lợi mà khó có thể biết con số cụ thể bao nhiêu.

Tiền lương do Nhà nước quy định cao hay thấp không phải là mối quan tâm lớn của phần đông đội ngũ người quản lý trong khu vực công và doanh nghiệp nhà nước, họ đang sống và làm giàu nhờ thu nhập không chính danh từ quá trình điều hành hoạt động kinh doanh kể trên. Đó là chưa kể vị trí quản lý cũng tạo cho không ít người có mối quan hệ xã hội để làm giàu một cách nhanh chóng. Trong thực tế, tiền lương cao hay thấp chỉ ảnh hưởng lớn đến người lao động trực tiếp, làm công hưởng lương.

Thực trạng này các cơ quan chức năng, cá nhân có thẩm quyền không phải không biết nhưng đôi khi bất lực trước mối liên hệ, quan hệ lợi ích cộng sinh chằng chịt.

Tăng lương tối thiểu năm 2016 sẽ ở mức nào?

Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, mức tăng sẽ do Hội đồng tiền lương quyết định vào tháng 10 năm nay.

http://www.thesaigontimes.vn/132367/tien-luong-thuong-va-viec-thay-doi-cung-cach-quan-ly.html/

Theo Thùy Dung/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm