Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền hỗ trợ cạn kiệt và GDP lao dốc, kinh tế Mỹ bế tắc

GDP sụt giảm ở mức lịch sử trong quý II/2020, nền kinh tế Mỹ đối mặt với những tháng ngày u ám sắp tới khi các gói cứu trợ của chính phủ sắp hết hiệu lực.

Theo New York Times, sức tàn phá của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ đã được phơi bày sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP nước này lao dốc 9,5% trong quý II/2020, tương đương 32,9% cả năm. Cú sụt giảm xóa sạch gần 5 năm tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nguyên nhân là người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, các doanh nghiệp giảm đầu tư và thương mại toàn cầu rệu rã, theo Bộ Thương mại Mỹ. Mức giảm thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu không có hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ từ chính phủ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt buộc chính quyền các bang tái áp dụng giãn cách xã hội, khiến hoạt động kinh tế tiếp tục đình trệ và người tiêu dùng bất an. Trong khi đó, hầu hết gói cứu trợ của chính phủ liên banng Mỹ sắp hết hiệu lực.

Kinh te My suy thoai anh 1

Các cửa hàng tại Mỹ đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

Tương lai phục hồi xa vời

"Việc giới hạn các hoạt động đáng ra rất tốt và giúp chúng ta kiểm soát virus. Nhưng chúng ta biết rằng đây không phải một trận chiến ngắn hạn. Chúng ta đã không thể kiểm soát virus", New York Times dẫn lời ông Heather Boushey, Chủ tịch Trung tâm Tăng trưởng Công bằng Washington, bình luận.

Cùng ngày, Đức cũng báo cáo mức sụt giảm khủng khiếp trong quý II, thậm chí còn hơn cả Mỹ. Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm Covid-19 tại Đức đang giảm mạnh và vẫn ở mức thấp. Điều này cho phép nền kinh tế phục hồi mạnh trong những tuần gần đây.

Còn sự phục hồi ở Mỹ bị đình trệ. Hơn 1,4 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hồi tuần trước, theo Bộ Lao động. Đây là tuần thứ 19 liên tiếp con số này vượt quá 1 triệu người, mức chưa từng thấy trước đại dịch.

Hơn 830.000 người cũng nộp đơn xin trợ cấp theo chương trình Hỗ trợ Thất nghiệp Đại dịch của liên bang. Như vậy, tổng cộng có khoảng 30 triệu người Mỹ đang nhận trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người trong số họ mất việc làm vĩnh viễn.

Giới quan sát lo ngại rằng báo cáo việc làm hàng tháng được công bố vào tuần tới sẽ cho thấy số việc làm giảm mạnh trong tháng 7 sau 2 tháng tăng mạnh. Sự phục hồi chậm chạp cùng với các tín hiệu tuột dốc đang gây tổn hại nghiêm trọng cho niềm tin của người tiêu dùng.

Kinh te My suy thoai anh 2

Người chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Tulsa, Oklahoma. Ảnh: New York Times.

Các nhà phân tích cho biết nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái với tốc độ và mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nền kinh tế lớn nhất thế giới hứng chịu cú trượt dốc lớn gấp đôi so với hồi Đại suy thoái cách đây một thập kỷ.

Các chuyên gia kinh tế và dịch tễ học nhận định khả năng kiểm soát dịch yếu kém của chính phủ Mỹ trong quãng thời gian phong tỏa ban đầu là "cơ hội bị bỏ lỡ".

Trên thực tế, các chương trình hỗ trợ tài chính của chính quyền Washington đã phát huy hiệu quả. Sau khi sụt giảm mạnh vào tháng 3 và tháng 4, doanh số bán lẻ tăng lên trong tháng 5 và tháng 6. Đây cũng là thời điểm khoản tiền hỗ trợ và trợ cấp thất nghiệp chảy vào túi người tiêu dùng.

Các khoản vay được thực hiện theo Chương trình Bảo vệ Tiền lương cũng cho phép người lao động trở lại những doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, các chương trình này đã hoặc chuẩn bị hết hạn. Trong khi đó, những bất đồng bên trong Quốc hội Mỹ về cách thức chi tiêu đang làm trì hoãn nỗ lực kéo dài chúng.

Gói cứu trợ cạn kiệt

Trước đại dịch, 50% doanh thu của Russian River, công ty sản xuất bia ở Sonoma (bang California), đến từ bán lẻ. Khi bang yêu cầu các nhà hàng đóng cửa hồi giữa tháng 3, nguồn tiền này biến mất hoàn toàn. "Chúng tôi bị hoảng loạn trong suốt 48 giờ", chủ sở hữu Natalie Cilurzo kể.

Khi sự hoảng loạn qua đi, Cilurzo bắt đầu tìm cách xoay xở. Các nhà hàng bị đóng cửa khiến doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh. Khoản vay thông qua Chương trình Bảo vệ Tiền lương cũng giúp cô trả lương cho nhân viên và một số chi phí khác. Đến đầu tháng 6, Russian River được phép mở lại các quán bia.

Mặc dù doanh thu đã trở lại ít nhiều so với mức bình thường, lợi nhuận của cửa hàng vẫn lao dốc do tỷ suất lợi nhuận giảm. Các nhân viên bị giãn việc được trở lại làm việc, nhưng công ty vẫn phải sa thải vĩnh viễn 20% nhân viên.

Giờ, một trong số các cửa hàng của công ty phải đóng cửa một lần nữa sau khi California áp dụng lệnh hạn chế. "Chúng tôi đã mở rồi đóng cửa, rồi mở cửa trở lại, rồi lại đóng lần nữa", Cilurzo than thở.

Báo cáo GDP cho thấy mức độ nghiêm trọng của lệnh phong tỏa và dấu hiệu thiệt hại lâu dài. Chi tiêu tiêu dùng sụt giảm 10,1% dẫn đến sự sụp đổ gần như hoàn toàn của chi tiêu dành cho nhà hàng, hoạt động giải trí và nhiều dịch vụ khác. Chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe cũng sụt giảm do bệnh nhân hủy bỏ các buổi thăm khám thường xuyên.

Kinh te My suy thoai anh 3

Doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh trong thời gian cách ly xã hội. Ảnh: New York Times.

Theo chuyên gia Tara Sinclair thuộc Đại học George Washington, các doanh nghiệp cũng giảm mạnh đầu tư. "Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại. Nó chỉ ra họ không còn kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh chóng", bà nhận định. Thêm vào đó, xuất khẩu và nhập khẩu rơi tự do cho thấy đại dịch đang giáng đòn toàn diện lên nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn những triển vọng lạc quan. Chi tiêu cho hàng hóa giảm nhẹ 3%, nhiều loại hàng hóa được sử dụng nhiều trong thời gian cách ly tăng trưởng. Thị trường nhà đất cũng phục hồi mạnh mẽ nhờ lãi suất thấp.

Dù vậy, giới quan sát cảnh báo chi tiêu sẽ giảm mạnh hơn nếu Quốc hội giảm hoặc loại bỏ hỗ trợ dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều đó khiến những người thất nghiệp thêm khốn đốn.

Bà Louise Francis đã làm đầu bếp tại khách sạn Sheraton ở New Orleans suốt 20 năm. Bà mất việc vào mùa xuân năm nay. Khoản trợ cấp 600 USD/tuần giúp bà Francis sống ổn định. "Với 600 USD, bạn có thể thấy thoải mái hơn một chút", bà nói. Nhưng giờ bà Francis đứng trước nguy cơ không nhận được trợ cấp.

Ở tuổi 59, với bệnh tiểu đường và huyết áp cao, bà là một trong số những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19. Vì vậy, bà Francis không muốn làm bất cứ công việc nào phải tiếp xúc trực tiếp với người khác, nhất là khi số ca nhiễm đang tăng mạnh tại Louisiana.

Mỹ yếu ớt vì dịch Covid-19, kinh tế thế giới khủng hoảng

Khi Mỹ hắt hơi, cả thế giới sẽ bị cảm. Vậy thế giới sẽ ra sao khi nền kinh tế số một suy yếu trầm trọng vì dịch Covid-19?

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm